Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Thói quen ảnh hưởng xấu đến nội tiết tố

Việc thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến sự thèm ăn, cân nặng, tình dục, chu kỳ kinh nguyệt cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.

  • Thói quen ảnh hưởng xấu đến nội tiết tố
    Chỉ nên ăn đồ ngọt ở mức vừa phải, hoặc càng hạn chế càng tốt, để giữ gìn sức khỏe - Ảnh: Shutterstock

Một số thói quen sau đây có thể khiến nội tiết tố trong cơ thể tăng hoặc giảm.
Uống cà phê vào buổi chiều. Chất caffeine thúc đẩy cơ thể sản xuất cortisol nhiều hơn, làm gia tăng cảm giác bồn chồn, lo lắng và đặc biệt khi tiêu thụ vào buổi chiều sẽ dễ dẫn đến mất ngủ. Giới hạn không quá 2 ly cà phê mỗi ngày và uống trước 3 - 4 giờ chiều để cơ thể không bị ảnh hưởng.
Lười thể thao. Không tập thể dục thường xuyên, cơ thể không sản xuất và phát ra số lượng tối ưu của endorphins, tiến sĩ Phillips cho biết. Theo Womenshealthmag, endorphin là những hợp chất được sản xuất bởi tuyến yên và vùng dưới đồi trong các hoạt động nhất định, bao gồm không chỉ tập thể dục mà kể cả những phấn khích, tiếng cười hay bất cứ điều gì gây niềm vui. Theo giới chuyên gia, việc tiết endorphin dẫn đến cảm giác ngon miệng khi tiêu thụ thực phẩm, phát ra hoóc môn giới tính và tăng cường đáp ứng miễn dịch thông qua đặc tính kháng viêm tự nhiên của nó. Khi endorphin được sản xuất nhiều, mức độ viêm nhiễm cơ thể sẽ thấp xuống.
Tập luyện khắc nghiệt. Estrogen đóng vai trò trong việc phát triển các đặc điểm giới tính nữ như ngực nở, eo thon, thân hình mềm mại, làn da mịn màng, giúp điều hòa kinh nguyệt, kích thích ham muốn tình dục. Tuy nhiên, những phụ nữ có thói quen tập thể dục cường độ cao và liên tục với mục đích khiến lượng mỡ mất đi càng nhiều càng tốt, thì có thể sẽ dẫn đến nguy cơ làm giảm nồng độ estrogen, gây ức chế sự rụng trứng và làm cho kinh nguyệt không đều. Vì thế, nên điều chỉnh thói quen tập thể dục cho phù hợp, tránh cố gắng quá sức; có thể chuyển sang các bài tập cường độ thấp như đi bộ, aerobic, yoga... vừa có tác dụng giảm cân, vừa thúc đẩy khả năng sinh sản.
Ăn đồ ngọt. “Ăn nhiều thực phẩm chứa đường được liên kết trực tiếp đến tăng cân, và thừa cân có thể dẫn cơ thể đến việc đề kháng với insulin - một loại hoóc môn giúp chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng đi đến các tế bào”, tiến sĩ Holly Phillips - chuyên gia sức khỏe phụ nữ ở New York và phóng viên y tế của kênh CBS News cho biết.
Căng thẳng. Thông thường mức độ cortisol - hoóc môn căng thẳng sụt giảm vào buổi tối nhằm giúp cơ thể thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ. Nếu tình trạng căng thẳng quá mức liên tục xảy ra vào mỗi buổi chiều sẽ khiến mức độ cortisol tăng cao, gây mất ngủ vào buổi tối. Vì vậy hãy tìm cách trấn an và giải tỏa những áp lực, lo âu để cơ thể không bị ảnh hưởng.
Thường xuyên mất ngủ. Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol, trong khi đó cortisol có liên quan đến việc điều chỉnh được lượng đường trong máu thấp xuống, đồng thời làm gia tăng mức độ căng thẳng và muốn ăn vặt, tiến sĩ Phillips phân tích. Ngoài ra, việc thiếu ngủ có thể gây mất cân bằng hoóc môn ghrelin (hoóc môn báo hiệu thời điểm cần phải ăn và chịu trách nhiệm về cảm giác đói) và leptin (hoóc môn gây no báo hiệu thời điểm dừng việc ăn uống lại). Khi thiếu ngủ, ghrelin được sinh ra nhiều hơn, làm tăng cảm giác ngon miệng và thèm ăn; đồng thời hoóc môn leptin sẽ giảm xuống. Việc thiếu leptin sẽ ngăn cản não bộ thông báo đến dạ dày rằng bạn đã no, kết quả bạn sẽ liên tục cảm thấy đói cồn cào và dễ mắc nguy cơ tăng cân.
Hạ Yên

Cách kiểm tra ung thư cổ tử cung

Không phải chỉ mới nghi ngờ là cho làm sinh thiết cổ tử cung, và không phải ai nhiễm vi rút HPV cũng đều chuyển thành ung thư cổ tử cung.
Cách kiểm tra ung thư cổ tử cung
Một ca khám phụ khoa (ảnh chỉ có tính minh họa) -Ảnh: Shutterstock

Tháng 4 vừa qua, trong đợt cơ quan chị N. (ở TP.HCM) tổ chức khám sức khỏe định kỳ, ở phần kiểm tra phụ khoa, chị N. được chẩn đoán viêm cổ tử cung. Bác sĩ có ghi phiếu đề nghị làm sinh thiết cổ tử cung. Nghe đến sinh thiết thấy lo, chị N. hỏi lại bác sĩ chuyên sản phụ khoa, thì được tư vấn là chưa cần đến sinh thiết, mà làm từng bước. Theo bác sĩ này thì kết quả của chị N. chỉ là tổn thương trong biểu mô cổ tử cung mức độ thấp, những trường hợp này là do nhiễm HPV, và 80% trường hợp sẽ tự hồi phục do cơ thể tự đề kháng. Cần làm tiếp theo là soi cổ tử cung và có thể làm xét nghiệm HPV. Nếu soi cổ tử cung có vùng nghi ngờ thì mới sinh thiết; còn nếu không có bất thường thì không cần sinh thiết, mà theo dõi thêm định kỳ bằng xét nghiệm PAP và HPV (nếu có thể) theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo bác sĩ Lê Quang Thanh (Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM), tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai trong ung thư về phụ khoa; mỗi năm có khoảng 5.100 ca mắc mới, và 2.400 ca tử vong. Đây là tổn thương ác tính tại cổ tử cung, và có những biểu hiện như chồi, sùi, loét, dễ chảy máu, tiết dịch hôi... Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh là: do vi rút HPV, một số chủng HPV gây bệnh mụn cóc và sùi mào gà, tuổi tác (thường gặp nhiều ở người từ 45 - 50 tuổi).
Cách kiểm tra ung thư cổ tử cung
Mặc dù hơn 90% ca ung thư cổ tử cung là do HPV (trong đó chiếm phần lớn là HPV tuýp 16 và 18), tuy nhiên không phải ai nhiễm HPV cũng đưa đến ung thư, mà 80% số nhiễm HPV sẽ tự khỏi bệnh. Bình quân sau nhiễm HPV 10 - 15 năm thì mới xuất hiện tổn thương ung thư cổ tử cung (nếu có). Việc lây nhiễm HPV là do tình dục không an toàn, quan hệ tình dục sớm, và có nhiều bạn tình. Nam giới cũng nhiễm HPV và có thể lây cho phụ nữ, chứ không chỉ phụ nữ mới nhiễm HPV. Ngoài đường tình dục thì HPV còn lây qua các đường khác như qua dụng cụ trong điều trị, đồ lót, em bé hít phải dịch tiết có HPV từ mẹ khi sinh...
Việc chẩn đoán sớm là để điều trị hiệu quả. Lâu nay, việc sàng lọc thường quy là dùng PAP (dùng que gòn phết lên cổ tử cung lấy dịch rồi phết lên lam kính để tìm bệnh; sau này làm xét nghiệm HPV DNA. Khi kết quả PAP hoặc xét nghiệm HPV bất thường (hoặc cả hai cùng bất thường), nghi ngờ thì sẽ làm tiếp soi cổ tử cung. Nếu soi phát hiện tổn thương thì mới làm sinh thiết. Nếu kết quả sinh thiết dương tính thì tiến hành điều trị. Nếu kết quả soi cổ tử cung âm tính thì một năm sau đánh giá lại bằng PAP và xét nghiệm HPV. Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, cũng có thể làm sàng lọc bằng bộ đôi cả PAP và xét nghiệm HPV để tăng độ chính xác, nếu cả hai cùng âm tính thì 3 - 5 năm sau mới cần kiểm tra lại.
Thanh Tùng

Bệnh lỵ trực khuẩn nguy hiểm tới mức nào?

Thời tiết chuyển sang mùa hè, nắng nóng, thiếu nước sạch, vệ sinh không đảm bảo là những điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển trong đó có lỵ trực khuẩn. Bệnh dễ phát thành dịch, diễn biến thường lành tính. Tuy nhiên với thể nặng và thể tối độc, điều trị không đúng và không kịp thời dễ dẫn tới tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Biểu hiện như thế nào?
Đây là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do trực khuẩn lỵ Shigella gây nên. Lâm sàng biểu hiện với tình trạng nhiễm độc toàn thân, nhiễm độc thần kinh và viêm đại tràng ở các mức độ khác nhau.
Bệnh lây bằng đường tiêu hóa thông qua nguồn thực phẩm nhiễm mầm bệnh hoặc qua tay, chân. Ruồi, nhặng là các trung gian truyền bệnh đóng vai trò quan trọng.
Biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy theo sức đề kháng của bệnh nhân, típ huyết thanh, các bệnh mạn tính khác kèm theo. Thông thường, sau khi mắc bệnh 1 – 3 ngày, bệnh nhân đột ngột xuất hiện sốt cao, sốt nóng có gai rét, đôi khi có rét run. Kèm theo sốt là đau đầu nhiều, đau toàn bộ đầu, mệt mỏi, bơ phờ, thờ thẫn, mất ngủ, da xanh tái, chán ăn, khát nước, môi khô, đái ít…
Đau bụng âm ỉ dọc theo khung đại tràng, nhất là vùng hố chậu trái, đôi lúc đau quặn thành cơn làm bệnh nhân xuất hiện cảm giác mót rặn. Sau mỗi lần đi ngoài, cảm giác đau có xu hướng giảm sau đó lại xuất hiện trở lại.
Đi ngoài xuất hiện sau mỗi lần đau quặn bụng, đi ngày nhiều lần, từ vài lần đến vài chục lần, khi ngoài luôn có cảm giác mót rặn. Phân lỏng, sệt lúc đầu sau đó phân toàn nhầy máu lẫn lộn, nhầy mủ, nước phân như nước rửa thịt, tanh, và thối.
Nếu bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị không đúng, bệnh sẽ có những diễn biến nặng nề hơn.
Bệnh lỵ trực khuẩn nguy hiểm tới mức nào?
Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh lỵ trực khuẩn
Cách điều trị
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu lỵ trực khuẩn cấp xảy ra ở trẻ em. Phải cho trẻ uống bù nước ngay vì ở trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, tỷ lệ nước cao, khi tiêu chảy, sốt cao rất dễ bị mất nước, điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải.
Ngay tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch osezol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói osezol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Kháng sinh: có nhiều loại kháng sinh có thể sử dụng trong điều trị lỵ trực khuẩn như nhóm bactrim, nhóm beta lactam, quinolon… tùy theo tình hình thực tế. Hiện nay, hay sử dụng và hiệu quả nhất là nhóm quinolon.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo chỉ sử dụng kháng sinh với các trường hợp ở thể vừa trở lên, không dùng cho thể nhẹ. Dùng thuốc gì, liều dùng bao nhiêu và dùng như thế nào cần có ý kiến của bác sỹ, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng.
Ngoài các nhóm khánh sinh trên còn có thể sử dụng berberin chiết xuất từ cây vàng đắng, thuốc an toàn nhưng chỉ nên dùng cho thể nhẹ và vừa, nếu uống liều cao, thuốc gây mỏi mệt. Thuốc rẻ tiền, ít độc nhưng có hiệu quả.
Bên cạnh bồi phụ nước điện giải và dùng kháng sinh, cần cho bệnh nhân sử dụng thêm các thuốc sinh tố, an thần, trợ tim mạch và điều trị các triệu chứng khác nếu có.
ThS. Nguyễn Bạch Ðằng

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Tại sao có hiện tượng mang thai giả?

Gần đây rộ lên hiện tượng có những phụ nữ mang thai đến gần 20 tháng, có đầy đủ các triệu chứng như một người có thai: cũng tắt kinh, buồn nôn, lợm giọng, nghén, thèm ăn các thức ăn có vị chua, rồi thì bụng cũng to lên, thấy thai máy, nhưng đã "mãn nguyệt" quá lâu mà chẳng "khai hoa", nghĩa là đã quá 9 tháng 10 ngày rất lâu mà vẫn không đẻ. Sợ quá, đến bệnh viện khám và siêu âm thì chẳng thấy thai đâu cả, như người phụ nữ ở Quảng Bình hay vài nơi khác nữa. Thực hư việc này được giải thích về mặt khoa học như thế nào?
Trước hết phải hiểu sinh lý của của sự thụ thai
Theo quy luật của tự nhiên và giải thích một cách khoa học, muốn việc có thai thì điều kiện tiên quyết bắt buộc là phải có một giao tử đực (là tinh trùng), kết hợp với một giao tử cái (là noãn mà ta hay gọi là trứng). Khi tinh trùng và noãn kết hợp với nhau thì hiện tượng này gọi là thụ tinh. Từ 2 tế bào là tinh trùng và noãn tạo thành một hợp bào gọi là trứng. Trứng phát triển thành phôi rồi thành thai nhi và các phần phụ của thai là bánh rau, dây rốn và nước ối, đồng thời thai nhi cũng hình thành các cơ quan của cơ thể. Bánh rau chế tiết một chất là Chorio Gonadotrophin Hormon (viết tắt là HCG). Chất này được đưa vào máu mẹ rồi qua thận bài tiết ra nước tiểu, vì vậy người ta thường xét nghiệm máu và nước tiểu. Khi có xét nghiệm có mặt chất này thì khẳng định là có thai. Mặt khác, nếu thai ở trong buồng tử cung, khi siêu âm thì có hình ảnh thai trong tử cung. Tùy theo tuổi thai mà có hình ảnh thai to hay bé và các bộ phận của thai nhi nhưng dứt khoát trên siêu âm thì hình ảnh thai nhi rất rõ ràng, không thể nhầm lẫn được.
 Kết quả siêu âm của chị L. (Quảng Bình) không có thai trong tử cung.
Tại sao có hiện tượng nghén? 
Do tinh trùng là một "vật thể" lạ đối với người mẹ, vì vậy trứng (hay phôi hoặc thai nhi) là một vật nửa lạ (tinh trùng  của  bố) và  nửa  quen (noãn  của  người  mẹ) được "cấy ghép"  vào tử cung của người mẹ. Do phản ứng của cơ thể để đào thải đơn vị cấy ghép là rau thai, cho nên người phụ nữ có những phản ứng như nôn ọe, thích ăn của chua, chóng mặt, hoa mắt... những triệu chứng mà phần lớn là do rối loạn thần kinh thực vật này gọi là nghén. Tùy mức độ phản ứng  nhiều hay ít mà người phụ nữ có các triệu chứng nghén nặng hay nhẹ.
Dấu hiệu hoạt động của thai như thế nào?
Khi tuổi thai càng lớn nghĩa là thai càng phát triển thì tử cung cũng to ra làm cho bụng người phụ nữ to và có thể nhìn thấy được, đồng thời để giữ trọng lượng, tư thế của người phụ nữ cũng thay đổi dáng đứng. Hai vú phát triển to lên do tăng trưởng các nang sữa, đồng thời thay đổi nội tiết sinh dục làm cho quầng vú thâm, núm vú to và dài ra, có thể tiết một ít sữa non. Đặc biệt từ tháng thứ 5, thai nhi đã hoạt động (cựa mình) trong buồng tử cung và theo tuổi thai càng đủ tháng thì những cử động của thai càng mạnh và rõ ràng, người phụ nữ không thể nhầm lẫn được. Nếu thai nhi không cử động nữa thì thai đã chết. Với một người phụ nữ có kinh nguyệt bình thường là 30 ngày và đều đặn thì thời gian mang thai trung bình là 280 ngày, nghĩa là 40 tuần. Nếu như quá 41 tuần mà chưa sinh thì gọi là thai quá ngày sinh hoặc là thai già tháng. Thông thường, nếu quá 42 tuần mà chưa sinh thì thai thường chết trong tử cung hoặc em bé cũng rất ốm yếu, có thể sẽ chết hoặc chết trong tuần đầu sau khi ra đời. Đôi khi có những trường hợp, thời kỳ mang thai dài hơn 40 tuần tính từ ngày hành kinh cuối cùng là do vòng kinh của người phụ nữ quá dài, 45 -60 này mới hành kinh, vì vậy dân gian gọi là "chửa trâu".
Hiện tượng có thai giả
Có thai giả là trường hợp những người phụ nữ không có thai nhưng cũng có những triệu chứng cơ năng giống hệt như người có thai, nghĩa là cũng mất kinh, có nghén, nôn ọe, thèm của chua, rồi có cảm giác bụng và ngực to lên. Tuy nhiên khoảng trên 13 tuần thì khám rõ ràng là không có các triệu chứng thực thể của có thai và siêu âm cũng không thấy những hình ảnh của thai. Những triệu chứng nghén là do người phụ nữ khát khao, quá mong con hoặc là quá sợ có con đều có cảm giác rối loạn thần kinh thực vật như có thai. Ngực có thể to lên một chút và đôi khi có chút sữa non, có thể là do rối loạn nội tiết mức độ nhẹ mà có những triệu chứng này, còn dấu hiệu cử động thai là do họ tưởng tượng ra mà thôi. Trong thực tế có rất nhiều phụ nữ khao khát có con do bản thân hoặc do áp lực xã hội, đặc biệt là do nhà chồng hoặc là do có ý đồ sâu xa nào đó mà cũng bảo là có thai để ép buộc nhau. Ví dụ như cách đây vài tháng, có trường hợp bảo đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương đẻ nhưng bị mất con, gia đình kiện bệnh viện, thực chất là do áp lực nhà chồng, chị ta giả vờ có thai... Cuối cùng, người phụ nữ này phải thú nhận thực tế và gia đình đã rút đơn khiếu kiện.
Những trường hợp có thai giả làm xôn xao dư luận vừa qua nên nhìn nhận như thế nào là thích hợp?
Phải khẳng định một cách khoa học việc họ không có thai là một thực tế. Có thể họ bị vô sinh rồi vì lý do nào đó hoặc là vô thức hoặc là có ý thức mà họ tưởng tượng hoặc là cố tình giả vờ để có những triệu chứng như có thai thực sự. Bụng to có thể là do béo lên vì khi người phụ nữ bảo có thai, chồng và gia đình ưu tiên dồn ép cho ăn uống nhiều, không phải làm việc nên tăng cân là điều dĩ nhiên, hoặc là họ bị bệnh như u nang buồng trứng to cũng làm cho bụng to lên hoặc là các bệnh gan, thận hoặc bệnh khác gây tràn dịch trong ổ bụng gọi là "cổ trướng" hoặc là "báng nước", nhưng khi xét nghiệm HCG (trong 3 tháng đầu) kết quả sẽ âm tính và khi siêu âm thì không thấy hình ảnh thai nhi.
Khám thai rất cần thiết
 Cần phải tìm hiểu vì sao người phụ nữ lại không đi khám thai, vì hiện nay tuyệt đại đa số khi có thai, bản thân người phụ nữ đều đi khám thai hoặc là được nhân viên y tế chăm sóc và vận động đi khám thai, như vậy không khám thai nghĩa là bản thân người phụ nữ đó có vần đề, có thể họ cố tình giấu gia đình chẳng hạn hoặc buộc phải theo một yêu cầu nào đó (chẳng hạn như trường hợp mang thai giả ở TP. HCM). Hai là bản thân nhân viên y tế ở trạm y tế xã hoặc là y tế thôn bản chưa làm tốt công tác của mình trong vấn đề phát hiện và quản lý thai nghén.
Một bác sĩ đa khoa, đặc biệt là chuyên ngành sản phụ khoa không thể không phát hiện được một trường hợp có thai khi đủ tháng. Vì vậy trong quản lý thai nghén, chị em cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm những bất thường của thai phụ và thai, can thiệp sớm tránh những tai biến đáng tiếc.
PGS.TS. Vương Tiến Hòa - Đại học Y Hà Nội

Giải mã bí ẩn bệnh mang thai giả

Mang thai giả” là một dạng rối loạn tâm thần do tâm lý quá mong con, nhiều người có biểu hiện lâm sàng bên ngoài cũng như bên trong giống hệt người có bầu, nhưng thực tế trong bụng không có thai.
Số liệu của Mỹ cho thấy vào những năm 1940 tỷ lệ mắc chứng bệnh này khoảng 1/250 người có thai. Tỷ lệ này đang giảm mạnh, hiện nay còn khoảng 1-6 trên 22.000 người có thai. Hơn 2/3 số người mắc tình trạng này đã có chồng, 1/3 đã có thai ít nhất một lần.
Triệu chứng có thai giả cũng hay gặp ở đàn ông da đỏ (có tục lệ chồng nằm thay vợ để mọi người tới chúc mừng sau sinh).
Ở Việt Nam, năm 1984 Viện sức khoẻ tâm thần cũng tiếp nhận điều trị cho một phụ nữ được chẩn đoán có thai giả sau 10 tháng mang bầu chưa sinh. Người bệnh được chẩn đoán là có thai giả hysteria và được điều trị khỏi bằng liệu pháp tâm lý.
Giải mã bí ẩn bệnh mang thai giả
Biểu hiện lâm sàng
Triệu chứng của mang thai giả cũng giống như mang thai thật và khó chẩn đoán phân biệt nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng. Biểu hiện: mất kinh, buồn nôn buổi sáng, vú căng, có thể tiết sữa tăng cân, bụng to ra như có thai thật, tử cung to ra, mềm cổ tử cung…
Bệnh thường gặp ở những người nghèo, trình độ học vấn thấp, thiếu sự chăm sóc y tế, những người có tuổi thơ ấu bị lạm dụng tình dục, loạn luân, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ…
Trước kia tỷ lệ mắc cao do chẩn đoán chỉ dựa vào lâm sàng. Nhưng hiện nay với sự tiến bộ của khoa học, sự nhận thức cao của người dân nên bệnh ngày càng ít gặp. Để sớm có kết luận chính xác, người bệnh nên đi khám thai định kỳ, siêu âm thai là một kỹ thuật đơn giả rẻ tiền, cho chẩn đoán chính xác hoặc xét nghiệm nước tiểu phát hiện có thai hay không…
Khi xác định có thai giả, nên chuyển người bệnh tới khám chuyên khoa tâm thần. Điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp tâm lý gia đình… Thuốc giải lo âu có thể kết hợp nếu cần nhưng không nên kéo dài dễ gây lệ thuộc thuốc
Nguyên nhân
Cho tới nay, có nhiều lý giải khác nhau về hiện tượng này nhưng không lý giải nào được chấp nhận vì sự phức tạp liên quan tới vỏ não, dưới đồi, nội tiết và các căn nguyên tâm lý.
- Theo thuyết phân tâm của Freud: Đó là do xung đột giữa vô thức của người bệnh (luôn mong mỏi có con) với ý thức, thiếu sự kiểm soát vô thức và chịu sức ép của siêu thức (gia đình, chồng, những người thân… muốn người bệnh mau chóng có con).
- Theo thuyến thần kinh - nội tiết của Hans Selye: Khi stress tác động vào não bộ, làm thay đổi các dẫn truyền thần kinh, tác động vào các tuyến nội tiết (Dưới đồi - Tuyến yên - Tuyến thượng thận) làm thay đổi bài tiết các hoóc môn, trong trường hợp này là tăng tiết estrogen, prolactin và cortisol.
- Theo thuyết Pavlop: Bệnh thường xuất hiện ở những người có loại hình thần kinh nghệ sĩ yếu (nặng về cảm xúc, hay lo lắng, dễ xúc động, nhẹ về lý trí, thiếu sáng suốt, dễ bị ám thị và tự ám thị), khi bị stress (ở đây là sức ép phải có con) sẽ xuất hiện các triệu chứng có thai giả thông qua cơ chế tự ám thị.
Bệnh xuất hiện hoàn toàn do vô thức, ngoài ý muốn, người bệnh luôn tin rằng mình có thai, chứ không phải do cố ý, điều mà nhiều người gán cho họ là giả vờ, nói dối, ma làm… dẫn đến kỳ thị với người bệnh.
Cách phòng bệnh tốt nhất là nâng cao nhận thức cho phụ nữ về những vấn đề liên quan tới thai sản, tăng cường chăn sóc sức khoẻ sinh sản cho chị em. Bồi dưỡng nhân cách cho người bệnh.

Kawasaki: Bệnh không thể chủ quan

Thấy con hâm hấp sốt gần 1 tuần, miệng và môi đỏ, lưỡi đỏ rực, vạch lưng áo con chị Hải tá hỏa thấy có nhiều mảng đỏ như sởi...đưa con tới bệnh viện khám thì được biết con mắc bệnh Kawasaki – một căn bệnh mà theo chị Hải là “nghe lạ quá và gia đình hoang mang thực sự”. Tìm hiểu thêm, chị Hải còn được biết đây là bệnh mà trẻ con thành phố mắc nhiều hơn nông thôn. Do đâu mà trẻ mắc bệnh này? Mức độ bệnh có nguy hiểm?
Kawasaki là bệnh gì?
Kawasaki là bệnh sốt mọc ban cấp tính ở trẻ nhỏ với đặc điểm viêm mạch máu lan tỏa và dễ để lại biến chứng phình giãn động mạch vành tim. Bệnh khởi phát quanh năm, cao nhất vào các tháng 3, 5 và 9. Tại Việt Nam, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện năm 1995, đến nay bệnh gặp ngày một nhiều trong khắp các vùng miền. Đáng lưu ý là hầu hết trẻ nghi ngờ Kawasaki ở nước ta đều điều trị tại các trung tâm nhi khoa vừa để xác định chẩn đoán vừa để nhận điệu trị globulin miễn dịch theo chế độ miễn phí.
Kawasaki: Bệnh không thể chủ quan 1
 Các biểu hiện của bệnh Kawasaki.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh có triệu chứng chủ yếu rất đặc trưng của nhiễm khuẩn và dị ứng là: sốt cao liên tục trên một tuần, điều trị bằng kháng sinh không đỡ, hai mắt sưng đỏ (viêm kết mạc củng mạc) có biến đổi ở khoang miệng: môi đỏ, lưỡi đỏ, miệng bong rộp, loét, biến đổi ở đầu chi: đỏ tím bàn tay, bàn chân, phù nề mu bàn tay, mu bàn chân, bong da ở đầu ngón vào tuần thứ 2, thứ 3, mọc ban đỏ đa dạng toàn thân, nổi hạch ở cổ và góc hàm, tổn thương tim mạch (thường sau 2-3 tuần); loạn nhịp tim, viêm cơ tim có suy tim, dịch tràn màng ngoài tim, phình, giãn động mạch vành tim... Ngoài ra, có một số triệu chứng không điển hình khác như: rối loạn tiêu hoá (nôn mửa, tiêu chảy...) sưng đau các khớp, viêm phế quản - phổi, giãn túi mật. Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng...
Chẩn đoán xác định cách nào?
Vì nguyên nhân bệnh cho đến nay chưa được tìm ra nên chẩn đoán bệnh Kawasaki đến giờ này vẫn là những tổn thương trên mặt mô học (histology) của giải phẫu bệnh (anapathology). Bất kỳ một bệnh nhi nào khởi phát bệnh sốt kéo dài trên 5 ngày, nhưng không đáp ứng với kháng sinh điều trị mà có kèm theo 4 trong 5 nhóm triệu chứng sau thì phải nghĩ ngay đến bệnh Kawasaki: Viêm kết mạc mắt hai bên mà không có chảy nước mắt sống; Ít nhất có một trong những biểu hiện về miệng và họng sau đây: lưỡi đỏ như trái dâu tây hoặc môi nứt hoặc họng sưng phù; Có ít nhất một trong những dấu hiệu sau ở tay hoặc chân: sưng căng do ứ dịch ở mô hoặc tróc da hoặc da có màu đỏ bất thường; Nổi ban đỏ ở thân kèm theo sốt cao; Sưng nhiều hạch ở cổ với kích thước lớn hơn 1,5cm đường kính. 
Lời khuyên của thầy thuốc
Cho đến nay, hầu hết bệnh nhân Kawasaki tại các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt tại Hà Nội đều được chẩn đoán và theo dõi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuổi khởi phát bệnh trung bình là từ 16 tháng đến 9 tuổi và tỷ lệ bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái.
Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hà - Phó khoa Tim mạch (BV Nhi T.Ư), bác sĩ nghiên cứu và trực tiếp điều trị căn bệnh này thì, Kawasaki là bệnh dễ bỏ sót chẩn đoán vì lâm sàng đa dạng rất giống nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác, trong khi bệnh tiến triển có vẻ như tự thoái lui. Vì vậy, bệnh này nếu phát hiện muộn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ đó là làm tim to, nhịp tim nhanh, suy tim, nhưng nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử. Bệnh nhân Kawasaki ở nước ta đều được phát hiện tại bệnh viện nên dễ gặp bệnh nhân biểu hiện rầm rộ, sốt kéo dài hơn và cũng thường gặp ở trẻ nhỏ tuổi hơn so với bệnh nhân bỏ sót trong cộng đồng.   
Song Anh

Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa cấp cứu thành công hai trường hợp mang thai ngoài tử cung hy hữu, đó là trường hợp sản phụ mang thai ở gan và một trường hợp mang song thai ở rốn thận. Có thể nói, đây là những ca bệnh mà ngay cả trên thế giới, y văn cũng chỉ ghi nhận rất ít trường hợp. Những ca bệnh “có một không hai” này đặt các bác sĩ trước những lựa chọn hết sức cam go để kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu 1
 BS.CKII. Nguyễn Văn Hà thăm bệnh nhân H. sau mổ. Ảnh: Dương Hải
Ca bệnh thứ nhất
BSCKII. Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng khoa Đẻ (BV Phụ sản TW) cho biết, bệnh nhân H. được chuyển đến BV Phụ sản TW ngày 27/6, trong tình trạng choáng, mạch huyết áp tụt, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, phát hiện trong bụng có hơn 2 lít máu. Tiến hành kiểm tra tử cung và phần phụ, các bác sĩ không thấy có khối thai, tuy nhiên, ở trên bề mặt gan thì có rất nhiều máu cục. Do đó đã nghĩ đến chửa ngoài tử cung ở gan - một dạng chửa rất hiếm gặp (theo y văn thế giới hiện cũng mới chỉ ghi nhận khoảng 20 ca như vậy). Nhận định đây là một ca bệnh khó, BV Phụ sản TW đã mời bác sĩ BV Việt Đức sang cùng hội chẩn và xử trí. Do ca bệnh phức tạp không thể phẫu thuật nội soi được nên các bác sĩ quyết định mổ mở và phát hiện khối chửa kích thước 1x2cm nằm sát hạ phân thùy 7 của gan, cạnh tĩnh mạch chủ sau gan, nằm dưới chân cơ hoành. Ê-kíp phẫu thuật đã quyết định hạ gan phải, cắt dây chằng tam giác, dây chằng liềm mới bộc lộ tổn thương. Kết quả sau hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã lấy được khối thai bị vỡ, khâu lại tổn thương, đặt ống dẫn lưu ổ bụng, truyền tới 13 đơn vị máu và chế phẩm máu. Ngoài ra, lấy ra được 2 lít máu đỏ tươi và 300gam máu cục trong cơ thể bệnh nhân.
Sau khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, mọi chỉ số sinh học bình thường. Ngày 3/7, bệnh nhân đã khỏe mạnh và được ra viện. Trò chuyện với bệnh nhân H. trước khi xuất viện, chị H. xúc động nói: “Dù không may mắc bệnh hiếm gặp nhưng tôi rất cảm ơn các y bác sĩ đã dốc lòng cứu chữa tôi qua khỏi cơn nguy kịch, để tôi có thể tiếp tục hy vọng về thiên chức làm mẹ...”.
Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu 2
 1. Bệnh nhân Trần Thị T. bị chửa ngoài tử cung ở rốn thận (ảnh minh họa). 2. Khối chửa ngoài tử cung tại loa vòi.
3. Khối chửa ngoài tử cung tại loa vòi bị vỡ gây chảy máu.
4. Phẫu thuật nội soi lấy khối chửa song thai ngoài tử cung của bệnh nhân Trần Thị T.
Ca bệnh thứ hai
Trước ca bệnh thứ nhất khoảng 2 tháng, bệnh nhân Trần Thị T. sinh năm 1982, có các dấu hiệu chậm kinh, đau thắt lưng bên trái dữ dội, được người nhà đưa đến BV Việt Đức. Tuy nhiên, sau khi xem xét tình hình bệnh nhân, các bác sĩ BV Việt Đức đã chuyển sang BV Phụ sản TW. TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW kể lại: “Bệnh nhân có tiền sử chửa ngoài tử cung. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và tình trạng bệnh nhân, ngay lập tức, chúng tôi đã cho thử bê-ta hCG phát hiện lượng bê-ta hCG rất cao, lúc đó chúng tôi đã nghĩ đến bệnh ung thư nguyên bào nuôi. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định siêu âm ổ bụng và phát hiện không có thai trong buồng tử cung, nhưng thấy có hai tim thai, nên đã cho thai phụ đi chụp cộng hưởng từ. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân chửa song thai sau phúc mạc trên rốn thận trái”. Đứng trước một ca bệnh phức tạp và có thể nói hy hữu không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, với kinh nghiệm công tác, TS. Quyết nhận định: “Đây là một ca bệnh khó, hiếm gặp, nên chúng tôi đã xin ý kiến ban lãnh đạo BV và mời bác sĩ BV Việt Đức sang cùng hội chẩn. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định xử trí hủy thai. Do đó, bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi, trước hết là hút hết ối và tiêm Kcl để hủy thai, kết hợp với truyền hóa chất (MTX). Kết quả, sau khi can thiệp 3 ngày, bệnh nhân không xuất hiện các cơn đau dữ dội và đã khỏi hoàn toàn các triệu chứng đau thắt lưng trái (trước đó bệnh nhân có chậm kinh kèm đau thắt lưng trái)...”. TS. Quyết cho biết, nếu không có kinh nghiệm trong xử trí ca bệnh này thì nguy cơ tử vong là rất lớn. Khó khăn nhất trong những ca bệnh như thế này là tìm ra vị trí tổn thương. Nếu không được phát hiện kịp thời, khi thai tiến triển, phải mổ mở thì nguy hiểm đến tính mạng bởi bệnh nhân sẽ mất rất nhiều máu, vì nơi thai lạc chỗ ở ngay rốn thận là nơi có nhiều mạch máu, đặc biệt một phần bánh rau bám vào động mạch chủ bụng nên nguy cơ mất máu cũng như tử vong rất cao. Vì vậy, kinh nghiệm trong những ca bệnh như thế này cho thấy, việc hội chẩn chuyên khoa để ngay lập tức đưa ra chiến lược điều trị thích hợp là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại.          
Ng. Hồng - Thanh Hiệp
Chửa ngoài tử cung cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời
 
Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu 3
TS. Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Chửa ngoài tử cung là một cấp cứu, có thể gây tử vong cho thai phụ nếu không được xử trí kịp thời. Đây là trường hợp có thai nhưng không di chuyển được về buồng tử cung để làm tổ mà làm tổ lạc chỗ ở ngoài tử cung, thường là ở vòi trứng, có khi bám vào buồng trứng, cũng có khi rơi vào ổ bụng rồi làm tổ trong ổ bụng. Trong thực tế, rất hiếm gặp chửa ở buồng trứng và chửa trong ổ bụng, mà chủ yếu là chửa lạc chỗ ở vòi trứng (tới 93% các trường hợp chửa ngoài tử cung). TS. Lưu Thị Hồng khuyến cáo: Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 18 - 45 tuổi có dấu hiệu thai nghén hoặc đã có thai rõ ràng như chậm kinh, nghén nhưng có ra ít máu một kéo dài, đồng thời có kèm đau bụng ở vùng bụng dưới, mỗi khi đau lại có ra ít máu, cần phải nghĩ đến chửa ngoài tử cung. Nếu đau bụng nhiều, liên tục hay từng cơn, tự nhiên bị choáng, ngất đi ngất lại càng phải nghĩ đến chửa ngoài tử cung và phải chuyển ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Ở tuyến xã, huyện, nếu gặp các trường hợp có dấu hiệu gợi ý trên mà kèm theo dấu hiệu choáng ngất, phải gọi ngay xe cấp cứu tới và trong khi chờ cấp cứu phải cho bệnh nhân nằm duỗi chân, đầu thấp.        
 
 Khánh Mai (ghi)

Chửa ngoài tử cung có thể phòng ngừa

Chửa ngoài tử cung (CNTC) là một cấp cứu sản khoa thường gặp, trước đây, khi y học chưa phát triển, bệnh thường bị chẩn đoán muộn và tỷ lệ tử vong cao. Ngày nay, nhờ khoa học phát triển, chửa ngoài tử cung đã được phát hiện và xử trí kịp thời. Điều này góp phần quan trọng trong giảm tỷ lệ tử vong trong sản phụ khoa.
Nguyên nhân gây CNTC rất phức tạp. Thông thường nhất là do vòi trứng bị viêm do nhiễm khuẩn làm cho vòi trứng có những chỗ bị cong, bị gấp khúc khiến cho trứng không di chuyển về buồng tử cung được. Có khi do nhu động của vòi trứng thay đổi làm cho trứng dừng lại trong quá trình di chuyển, có khi là do một khối u trong hố chậu chèn vào lòng vòi trứng. Một điều cần nhớ là những chị em đặt dụng cụ tử cung để tránh thai vẫn có thể CNTC vì dụng cụ tử cung chỉ ngăn cản sự làm tổ của trứng ở buồng tử cung. Các chị em đã được phẫu thuật thông vòi trứng cũng có thể bị CNTC vì niêm mạc vòi trứng đã bị tổn thương dễ làm lòng vòi trứng bị chít hẹp.
Tùy vị trí làm tổ của trứng, tùy theo bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay muộn, có thể thấy các biểu hiện như:
Nếu khối chửa ở vòi trứng bị vỡ đột ngột, chảy máu dữ dội ở trong ổ bụng: cần phải mổ ngay để cắt bỏ vòi trứng có chửa để cầm máu, đồng thời truyền bù máu cho thai phụ. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong do mất máu cấp;
Nếu thai bị chết ở nơi làm tổ lạc chỗ do thai được nuôi dưỡng kém, việc chẩn đoán có khó khăn hơn. Thai phụ thường ra máu ít một, kéo dài, đau bụng âm ỉ, không có dấu hiệu có thai, cần phải mổ để cắt bỏ khối chửa, lấy hết các khối máu tụ bao quanh khối chửa. Phẫu thuật thường khó hơn vì dính.
Tóm lại, một khi đã chẩn đoán là CNTC thì nhất thiết phải mổ dù thai đã chết. Nếu thai còn sống thì càng cần phải mổ sớm vì nguy cơ vỡ khối chửa dẫn đến chảy máu ồ ạt. Nếu thai phụ được chẩn đoán sớm, có thể mổ bằng phương pháp nội soi. Nếu đến muộn hơn thì tốt hơn cả là mổ ổ bụng để cầm máu và cắt bỏ khối chửa bị vỡ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phải giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh giao hợp, tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, đặc biệt là viêm 2 vòi trứng. Vì bộ phận sinh dục của người phụ nữ có cấu trúc giải phẫu và hoạt động sinh lý đặc biệt, rất thuận lợi cho viêm nhiễm; đường sinh dục của người phụ nữ có nhiều khe kẽ, ngóc ngách, nhiều lỗ của các tuyến nên dễ là những nơi cư trú của các vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và cả virut. Cấu tạo của bộ phận sinh dục nữ có đặc thù âm hộ thông với âm đạo; âm đạo thông với lỗ cổ tử cung, buồng tử cung; buồng tử cung thông với ổ bụng. Vì vậy, khi một phần nào của bộ phận sinh dục nữ bị viêm, nếu không được điều trị triệt để, viêm có thể lan đến các phần khác, thậm chí đến ổ bụng, đặc biệt ở bụng dưới, ở tiểu khung gây dính tắc vòi trứng dẫn đến CNTC.
Vì vậy, khi đã có quan hệ tình dục, thấy chậm kinh cần phải đi khám thai càng sớm càng tốt. Nên nhớ, người đã CNTC một lần có thể CNTC lần thứ hai ở vòi trứng còn lại và hãn hữu có thể CNTC lần thứ ba ở mỏm vòi trứng đã bị cắt cụt trong lần mổ trước.    
 
BSCKII. Nguyễn Kim Dung

Xử trí đẻ rơi

(SKDS) - Trên thực tế đã có một số trường hợp đẻ rơi tại nhà, tại đồng ruộng,… thậm chí trên cả xe taxi. Các xử trí dưới đây rất hữu ích cho mọi người khi gặp tình huống đẻ rơi giúp sản phụ và em bé an toàn trên đường đến bệnh viện hoặc chờ cán bộ y tế đến giải quyết.
Đẻ rơi là gì?
Để rơi vào một tình huống không được lường trước, xảy ra ngoài ý muốn của sản phụ ở những nơi không phù hợp với sinh con như: nơi làm việc (đồng ruộng, văn phòng, nhà máy...) hoặc trên đường phố, trên tàu xe... (đi làm hoặc đi đến các cơ sở y tế).
 Cô đỡ thôn bản H’Ruh, người dân tộc M’Nông, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đang thực hành khám thai.
Cách xử trí
Xử trí đẻ rơi được thực hiện khẩn cấp, ngay tại chỗ và tùy theo tình huống cụ thể của sản phụ lúc đó. Trước hết phải nhanh chóng giúp sản phụ cởi bỏ quần áo, hoặc váy áo để đỡ bé. Sau đó, gọi sự trợ giúp xung quanh hoặc điện thoại cho người thân để có sự giúp đỡ từ nhân viên y tế.
Với trường hợp có sẵn gói đỡ đẻ sạch
Cần xé ngay bao gói để sử dụng các vật liệu đã có sẵn trong đó:  Trải tấm ni lông ngay nơi bà mẹ đẻ rơi, đặt cháu bé nằm vào đó, ủ ấm bé bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở bà mẹ và người xử trí (khăn, áo…).
Sau đó, lấy các sợi chỉ buộc rốn trong gói này buộc chặt dây rốn ở vị trí càng xa da bụng bé càng tốt (không được cắt dây rốn). Ngay lập tức chuyển bé cho mẹ ôm sát vào người để hạn chế bị nhiễm lạnh.
Sau đó, tìm mọi cách chuyển hai mẹ con về trạm y tế gần nhất để được chăm sóc tiếp. Vì tại cơ sở điều trị, mẹ sẽ được lấy rau, theo dõi và xử trí chảy máu, nhiễm khuẩn; bé sẽ được làm rốn lại, cả hai sẽ được tiêm huyết thanh chống uốn ván.
Trường hợp không có sẵn gói đỡ đẻ sạch
 Ngay lập tức ủ ấm cháu bé bằng mọi đồ vải có sẵn tại chỗ. Tìm một sợi dây nhỏ, mềm, bất cứ là dây gì (dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn mùi xoa…) để buộc chặt dây rốn, càng xa nơi bám của nó ở bụng bé càng tốt (không được cắt dây rốn). Trao bé cho mẹ ôm ấp và tìm mọi cách chuyển ngay về cơ sở y tế gần nhất để xử trí cho mẹ và bé.
Lưu ý: Sau khi sinh cho sản phụ nằm trong quá trình vận chuyển đến trạm y tế.
(Theo tài liệu “Làm mẹ an toàn”)
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons