Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Nhận diện dấu hiệu khí hư bất thường khi đang mang thai

Khí hư là cách gọi dân gian để chỉ chất dịch tiết ra từ bộ phận sinh dục của bạn nữ xuất hiện khi đến tuổi dậy thì, còn trong khoa học gọi là huyết trắng hay dịch tiết âm đạo. Khí hư là một dấu hiệu thể hiện sự phát triển và hoạt động của cơ quan sinh dục nữ và có liên quan đến bệnh lý đường sinh dục.
Trong thời gian mang thai, nhiều phụ nữ thấy khí hư xuất hiện nhiều hơn. Điều này cũng là bình thường. Nguyên nhân khiến khí hư xuất hiện nhiều khi mang thai bao gồm: thay đổi hormone, khí hư xuất hiện nhiều để ngăn vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào do khung xương chậu và thành tử cung thời gian này mềm hơn...
Nhận diện dấu hiệu khí hư bất thường khi đang mang thai 1
Trong một số trường hợp khí hư xuất hiện lại là biểu hiện cảnh báo bệnh, cho dù thời gian đó bạn đang mang thai. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khí hư xuất hiện lại là biểu hiện cảnh báo bệnh, cho dù thời gian đó bạn đang mang thai. Vì vậy, nếu thấy các triệu chứng sau đây trong thai kì, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt, tránh ảnh hưởng đến em bé nếu để lâu:
- Ra nhiều khí hư có mùi hôi và có màu sắc khác thường: Bạn bị đau rát, sưng đỏ ở vùng kín, đây chính là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ lây nhiễm âm đạo nên bạn cần sớm đi kiểm tra.
- Khí hư có mùi chua, sủi bọt, khí hư có màu vàng, xanh hoặc xám: Đây có thể là biểu hiện của chứng viêm nhiễm âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Những tuần cuối của thời kỳ mang thai, nếu khí hư chứa nhiều chất nhầy, có thể kèm theo một số vệt hồng hoặc đỏ sậm thì có thể bạn sẽ chuyển dạ sớm.
Nếu gặp những dấu hiệu bất thường này, bạn nên đi khám để được điều trị bệnh. Nhiều trường hợp, vì chần chừ hoặc ngại ngần khám, điều trị mà các bệnh phụ khoa, viêm nhiễm ở sản phụ tăng nặng thêm, ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, thậm chí tăng nguy cơ sinh non , sẩy thai hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Để giảm sự khó chịu do khí hư xuất hiện nhiều, bạn nên vệ sinh "vùng kín", thay quần chip 2 lần/ngày, tránh dùng các loại quần bằng chất liệu nylon bó sát cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý khi dùng xà bông hoặc các dung dịch vệ sinh để đảm bảo an toàn, tránh thụt rửa sâu trong âm đạo sẽ dễ tác động tới tử cung, đe dọa an toàn của thai nhi.

7 thực phẩm cấm kỵ khi “đến tháng"

Mặc dù chưa có cách chữa huyền diệu cho hội chứng kinh nguyệt (PMS) của các chị em như: chuột rút, đầy bụng và tâm trạng thay đổi…Tuy nhiên, có một điều bạn nên ghi nhớ là thực phẩm đóng một vai trò quan trọng nếu bạn không muốn cảm thấy thật tệ  mỗi khi 'đến tháng'.
Hãy kiểm tra danh sách các loại thực phẩm bạn không nên ăn trong  thời gian này để cải thiện tốt hơn tình trạng của mình.
1. Thực phẩm ăn liền
Thực phẩm đã chế biến là một lựa chọn nhanh chóng và dễ dàng, nhưng chúng có thể làm cho bạn cảm thấy tồi tệ. Ví dụ, thực phẩm đóng hộp và khoai tây chiên có chứa một lượng lớn natri, có thể gây khó chịu và đầy hơi. Hãy chọn thực phẩm và đồ ăn nhẹ lành mạnh, chẳng hạn như  các loại hạt không ướp muối.
7 thực phẩm cấm kỵ khi “đến tháng"
2. Thịt mỡ
Thịt có chứa một lượng cao chất béo bão hòa, có thể gây viêm và đau. Hơn nữa, nếu bạn đang bị chuột rút do đến thời kì kinh nguyệt, các chất béo có thể làm trầm trọng thêm chứng đau này. Đây là một trong những lý do tại sao bạn không nên ăn thịt mỡ trong thời kì này. Tuy nhiên, nếu bạn không thể sống một ngày mà không có thịt, hãy ăn thịt nạc hoặc cá.
7 thực phẩm cấm kỵ khi “đến tháng"
3. Các sản phẩm bánh chiên, nướng bán sẵn
Bánh nướng rất ngon, nhưng tiếc là chúng có chứa một lượng lớn chất béo chuyển hóa (là loại chất béo được hình thành bằng phương pháp hydro dầu ăn nhằm giúp thực phẩm bảo quản được lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn có nhiều ở thực phẩm chế biến sẵn như khoai chiên, bánh kucki…) làm tăng estrogen là nguyên nhân gây ra cơn đau ở tử cung, khi bạn đang ở thời kỳ kinh nguyệt.
Bạn nên ăn bánh mì vì nó giàu chất xơ thay cho các sản phẩm bánh rán, nướng sẵn khác.
7 thực phẩm cấm kỵ khi “đến tháng"
4.Thực phẩm có đường                       
Bạn chớ nên ăn những thực phẩm có đường như bánh ngọt, bánh quy, kẹo, kem...Nếu bạn muốn khỏe mạnh và thon thả. Thực phẩm có đường thúc đẩy tâm trạng của bạn chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí có thể làm cho bạn thấy khổ sở trong thời kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn đang thèm đường, lựa chọn một số loại trái cây ngọt như đào, dưa, hoặc xoài.
7 thực phẩm cấm kỵ khi “đến tháng"
5. Phô mai và kem
Kem và các sản phẩm sữa rất được ưa chuộng nhưng chúng chứa chất béo và có tác dụng tương tự như hầu hết các loại thịt béo khác. Khi đến tháng, hãy cố gắng tránh các món ăn có thành phần của kem hoặc phô mai khi nấu.
7 thực phẩm cấm kỵ khi “đến tháng"
6. Cà phê
Caffeine góp phần làm tăng nguy cơ chuột rút và có thể làm cho kinh nguyệt không đều. Hơn nữa, nó có thể gây ra thay đổi tâm trạng và khó ngủ. Bạn nên tránh uống cà phê trong thời kỳ kinh nguyệt. Có thể thay bằng một tách trà nếu bạn có thói quen dùng cà phê. Bạn cũng nên tránh uống nước tăng lực.
7 thực phẩm cấm kỵ khi “đến tháng"
7 Rượu
Rượu làm nặng hơn các triệu chứng PMS và chuột rút và nó cũng gây ra thay đổi tâm trạng dẫn đến trầm cảm. Một điều nữa là, rượu có thể làm loãng máu, tăng lưu lượng của bạn và gây khó chịu hơn.
Hầu hết phụ nữ cảm thấy khó chịu trong thời kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn là một trong số họ, tránh tiêu thụ những thực phẩm và đồ uống nêu trên, đó là giải pháp tốt nhất lúc này
Mai Hương/ HVQY (theo Amerikanki)

Vì sao loãng xương sau khi sinh?

Cháu mới sinh con được 3 tháng nay, mặc dù kiêng khem rất khoa học nhưng cháu vẫn bị ê buốt răng, đau nhức chân. Có phải cháu bị loãng xương sau khi sinh không, thưa bác sĩ?
Vũ Mai Thu (Nghệ An)
Phụ nữ khi mang thai và sau khi sinh bị loãng xương là điều dễ hiểu và đó chỉ là tình trạng thiếu canxi sinh lý. Dấu hiệu đặc trưng khi sinh con bị loãng xương là người bị đau nhức, nhất là ở lưng và bàn chân. Nguyên nhân loãng xương là do người mẹ bị mất đi một lượng lớn vitamin D từ cơ thể mẹ để nuôi dưỡng thai nhi khi mang thai. Khi mang thai, nồng độ estrogen trong cơ thể tăng, điều này có tác động đến sự hoạt động của các cơ, gân, dây chằng, đặc biệt là vùng khớp cùng của xương chậu.
Như đã nói, phần lớn loãng xương là do sinh lý nên sẽ được cải thiện đáng kể sau khi em bé lớn và cai sữa . Phòng chống bệnh, bạn nên cung cấp đầy đủ canxi qua ăn uống. Hãy chọn lựa những thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa, hải sản... Bên cạnh đó, khi có thai và cho con bú nếu tình trạng loãng xương ở mức báo động, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mình thì bạn nên dùng thêm thuốc bổ sung vitamin D và tốt nhất hãy tới gặp bác sĩ để được uống thuốc và thực hiện theo đúng chỉ định. Ngoài ra, bạn nên vận động, tham gia luyện tập những môn thể thao nhẹ nhàng để không những tăng cường sức khỏe mà còn lấy lại được vóc dáng như thời con gái.
BS. Phương Thu

Trẻ sinh non vì mẹ không chăm sóc răng tốt

Chị Nguyễn Thị H. (28 tuổi, Long An) sinh con gần một tuần rồi nhưng vẫn chưa bế được bé, vì bé chào đời lúc mới 32 tuần tuổi và chỉ nặng gần 2kg. Con gái chị vẫn đang nằm trong lồng kính vì suy hô hấp. Chị nhớ lại, quá trình mang thai vẫn bình thường, ăn uống điều độ, không hút thuốc lá hay uống rượu. Tuy nhiên, các BS cho biết chị bị viêm nha chu - một trong những nguyên nhân khiến chị sinh con non tháng nhẹ cân. Chị H. bàng hoàng, trước khi mang thai chị không đi khám răng như lời tư vấn của BS sản khoa. Chị vẫn cho rằng chuyện đó không quan trọng. Trong suốt thời gian mang thai, nướu răng của chị thường bị chảy máu mỗi khi đánh răng.
Trẻ sinh non vì mẹ không chăm sóc răng tốt
Trẻ sinh non được chăm sóc ở khoa Sơ sinh BV. Từ Dũ
Sinh non (tuổi thai dưới 37 tuần) và sinh nhẹ cân (trọng lượng thai dưới 2.500g) là nguyên nhân chính gây nên tử suất và bệnh suất sơ sinh cao với các di chứng lâu dài. Tại BV. Từ Dũ, trong năm 2012 số sinh lên tới 62.000 ca, số trẻ sinh non - nhẹ cân là 6051 bé, chiếm khoảng 10%. Nhiều yếu tố ở mẹ tác động sinh non - nhẹ cân như thai phụ quá nhỏ (<17 tuổi) hoặc quá lớn (>34 tuổi), đa thai, chăm sóc tiền sản kém, thai phụ hút thuốc lá - uống rượu, tăng huyết áp, đái tháo đường, lao động cực nhọc, hoặc nhiễm khuẩn niệu phụ khoa… Tuy vậy, khoảng 25% trường hợp sinh non - nhẹ cân không do các lý do trên. Viêm nha chu có thể chiếm khoảng 18% trong số 25% này.
Theo GS. Trần Thị Lợi - Chuyên ngành Sản khoa (ĐH Y Dược TP.HCM), khoảng 10% số sản phụ mắc bệnh nha chu, đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra những kết cuộc xấu của thai kỳ như sinh non - nhẹ cân. Khi mẹ mang thai, progesteron (một nội tiết tố) làm giảm sức đề kháng miễn nhiễm, những bệnh lý răng miệng: viêm nướu, viêm nha chu tiến triển rất nhanh. Nếu không điều trị kịp thời, lớp mô nâng đỡ, các dây chằng giữ răng bị phá hủy, làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng là mất răng, dù răng còn nguyên vẹn không sâu.
Khi bị viêm nha chu, các vi khuẩn có thể phóng sinh ra các chất gây cơn gò tử cung, dẫn đến tình trạng sinh non - sinh nhẹ cân. Theo khảo sát của BV. Từ Dũ, sản phụ bị viêm nha chu có nguy cơ sinh non - sinh nhẹ cân gấp 2,2 lần so với sản phụ không bị viêm nha chu. Các chuyên gia sản khoa cho biết, các sản phụ phải chăm sóc răng miệng tốt trong thời gian mang thai để có kết cuộc thai kỳ tốt tránh sinh non - sinh nhẹ cân bằng nhiều biện pháp tương đối đơn giản: chải răng 2 lần mỗi ngày, làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa 1 lần/ngày, súc miệng sạch.
Bài, ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán sinh non

Các nhà khoa học Anh tại Học viện Imperial College London cho biết, một dạng xét nghiệm mới có thể dự báo sinh non và những phát triển bất thường của bào thai căn cứ vào những dấu chỉ sinh học trong nước tiểu của thai phụ. Đây là cách đơn giản và an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹthai nhi.
Xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán sinh non
TS. Hector Keun và cộng sự đã phân tích các chất chuyển hóa trong nước tiểu của 438 thai phụ và phát hiện mối liên quan giữa việc sinh non với mức độ cao của axít amin lysine và glycoprotein acetyl-N.
Mức độ suy giảm các phân tử actetate, formate, tyrosine và trimethylamine cũng có liên quan tới sự phát triển hạn chế của bào thai. Hơn nữa, thai phụ có những chất chuyển hóa này suy giảm dễ bị đái tháo đường do insulin trong máu cao. Nhóm nghiên cứu cho biết, những phát hiện sớm qua xét nghiệm nói trên giúp ngăn ngừa và hạn chế hậu quả do sự phát triển kém của bào thai.
Lê Anh (Theo BMC Medicine, 7/2014)

Bệnh xơ cứng bì có nên mang thai?

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến bệnh xơ cứng bì
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra xơ cứng bì, người ta cho rằng có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh như: rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch, các tế bào xơ non bị kích thích sản xuất ra nhiều chất tạo keo, các chất này lắng đọng xung quanh các tế bào, mạch máu, nội tạng rồi gây tổn thương xơ hoá tại nơi lắng đọng; có một số gen ảnh hưởng đến sự phát sinh và tiến triển của bệnh xơ cứng bì; một số tác nhân của môi trường như virut, hoá chất, dung môi hữu cơ... khi tiếp xúc trong một thời gian dài có thể gây ra xơ cứng bì; do nội tiết, trong nhóm tuổi từ 30-55, tỷ lệ xơ cứng bì ở nữ cao hơn ở nam từ 7-12 lần, từ đây người ta cho rằng có thể do nội tiết tố sinh dục nữ, nhất là estrogen có liên quan đến bệnh xơ cứng bì...
Các tổn thương trong bệnh xơ cứng bì.
Các tổn thương trong bệnh xơ cứng bì.
Các nhà chuyên môn dựa vào mức độ của tổn thương ở da, chia bệnh xơ cứng bì làm 2 thể là xơ cứng bì khu trú và xơ cứng bì lan toả. Thể xơ cứng bì khu trú, tổn thương da thường thấy ở mặt và ngọn chi, tiến triển chậm và ít có tổn thương nội tạng nặng. Biến chứng nguy hiểm nhất ở thể này là tăng áp lực động mạch phổi và xơ đường dẫn mật. Còn trong thể xơ cứng bì lan tỏa, tổn thương da trên diện rộng ở mặt, thân mình và gốc chi, kèm theo các tổn thương ở đường tiêu hoá, tim, phổi, thận và mạch máu.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh
Xơ cứng bì thường có biểu hiện bệnh rất đa dạng và phức tạp, gồm các triệu chứng như sau: bệnh nhân bị mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt nhẹ, tím buốt đầu chi, đau mỏi cơ khớp từ vài tuần đến vài tháng trước khi xuất hiện đầy đủ các triệu chứng. Triệu chứng ở da là nổi bật: da bị dầy cứng, da khô và hay bị ngứa, có khi có các đám rối loạn sắc tố loang lổ trên da. Hầu hết bệnh nhân bị khô mắt, khô miệng, sưng đau các khớp vừa và khớp lớn. Hiện tượng Raynaud co thắt mạch đầu chi: làm cho đầu chi bị xanh tím hoặc tái nhợt, tê buốt đầu chi, nếu không được điều trị hoặc điều trị muộn, đầu chi sẽ bị hoại tử. Tổn thương nội tạng thường nặng nề như: xơ hoá niêm mạc đường tiêu hoá gây nuốt nghẹn, đầy bụng, rối loạn hấp thu; tổn thương ở phổi gây ho, đau ngực, khó thở; tổn thương ở tim gây rối loạn nhịp tim, tức ngực, suy tim; tổn thương ở thận gây phù, viêm cầu thận, suy thận, tăng huyết áp. Bệnh xơ cứng bì thường tiến triển nặng dần trong thời gian từ 3-5 năm đầu, sau đó bệnh sẽ vào giai đoạn ổn định trong nhiều năm.
Để chẩn đoán xác định bệnh, bệnh nhân cần làm xét nghiệm tìm các tự kháng thể như kháng thể kháng nhân... hoặc sinh thiết da.
Phương pháp điều trị
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh xơ cứng bì. Với mục đích kiểm soát dài hạn bệnh xơ cứng bì, nhiều loại thuốc đã được nghiên cứu và sử dụng nhưng đều không đem lại kết quả khả quan do kém hiệu quả hoặc độc tính quá cao. Hiện chỉ có thuốc D - Penicillamine là có tác dụng điều hoà miễn dịch, có hiệu quả khá, làm mềm da và giảm tỷ lệ tử vong sau 2-5 năm sử dụng.
Do các loại thuốc dùng điều trị không có kết quả rõ rệt nên việc điều trị triệu chứng đóng vai trò hết sức quan trọng để giúp bệnh nhân sống chung với bệnh. Vì da khô và hay bị ngứa nên bệnh nhân xơ cứng bì cần tránh tắm nhiều và nên dùng các loại kem dưỡng da, làm ẩm da. Đối với chứng co thắt mạch đầu chi, bệnh nhân phải lưu ý giữ ấm, nhất là 2 bàn tay, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, dùng các thuốc giãn mạch để phòng tránh tê đầu chi. Trường hợp bị loét đầu chi, cần giữ vệ sinh tốt vết thương để tránh bị nhiễm khuẩn. Nếu bệnh nhân bị sưng đau khớp, có thể dùng các loại thuốc chống viêm giảm đau hay corticoid liều thấp có tác dụng tốt. Nếu có trào ngược thực quản, bệnh nhân có thể dùng các thuốc ức chế tiết dịch vị, đồng thời tránh sử dụng các thuốc gây hại cho dạ dày. Với các triệu chứng: trướng bụng, tiêu chảy, giảm hấp thu do rối loạn nhu động ruột non gây loạn khuẩn đường ruột, bệnh nhân cần được điều trị bằng các thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng như ampicillin, trimethoprim-sulfamethoxazole, metronidazole trong thời gian khoảng 2 tuần cho một đợt điều trị. Các tổn thương nội tạng như suy tim, rối loạn nhịp tim, xơ phổi, tăng huyết áp, suy thận cần phải điều trị bằng các loại thuốc và phác đồ điều trị các bệnh này. Trên thực tế, có khoảng 50-60% bệnh nhân được chẩn đoán mắc xơ cứng bì có thể sống trên 10 năm.
Có nên mang thai?
Đối với phụ nữ mắc xơ cứng bì, lời khuyên quan trọng của các chuyên gia là: bệnh nhân nên chờ đợi và theo dõi trong thời gian 3 -5 năm đầu, vì giai đoạn này người bệnh có nguy cơ cao nhất bị các tổn thương nặng trong nội tạng, do đó chưa nên có thai. Chờ qua giai đoạn này, nếu người bệnh không có các tổn thương nội tạng nặng thì vẫn có thể mang thai và sinh đẻ an toàn với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa sản.
ThS. Phạm Thanh Xuân

Phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần lưu ý gì?

Đối với những người bị bệnh hen phế quản khi mang thai nếu để bị lên cơn hen sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây thiếu ôxy cho thai nhi. Do đó những phụ nữ bị hen phế quản khi mang thai cần được khám theo dõi đều đặn và cần được bác sĩ tư vấn, chỉ định điều trị để kiểm soát tốt bệnh hen phế quản, đặc biệt là những tháng cuối vì thai nhi càng phát triển, nhu cầu ôxy càng tăng.
Trong thời gian mang thai cần phải đảm bảo bệnh hen được điều trị và kiểm soát tốt, đặc biệt không để thai phụ bị lên cơn hen. Bởi phụ nữ mang thai bị hen nặng và không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến sinh non, phải mổ lấy thai, tăng huyết áp, tiền sản giật, thai kém phát triển, các biến chứng chu sinh... có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con.
Phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần lưu ý gì?
Mục đích của việc điều trị hen trong lúc mang thai là ngăn chặn những cơn thiếu ôxy cho mẹ giúp cung cấp ôxy đầy đủ cho thai nhi. Điều trị tối ưu bệnh hen trong lúc mang thai bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp, tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen, tư vấn cho người bệnh, điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường. Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo nguyên tắc sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát bệnh hen.
Trên thực tế, trong số các bệnh nhân mang thai bị hen phế quản thì khoảng 1/3 số thai phụ này hen phế quản không thay đổi so với trước khi có thai, 1/3 số thai phụ khác thì thấy triệu chứng của hen phế quản có vẻ cải thiện hơn và 1/3 số còn lại thì bệnh hen nặng lên, đặc biệt là ở các bệnh nhân hen trước đó không được điều trị tốt bệnh hen hay có các cơn hen nặng. Từ tháng thứ 7 của thai kỳ, phụ nữ có thai cần được theo dõi thường xuyên ở cơ sở y tế vì thai lúc này đã to, nhu cầu ôxy cũng tăng lên.
Để phòng ngừa nguy cơ cho cả mẹ và con, phụ nữ trước khi mang thai nếu biết mình bị bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị hen phế quản cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị và điều trị dự phòng trước khi có thai.
Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, cần phải luôn chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như: Khói thuốc lá, khói thuốc lào; lông súc vật: chó, mèo...; khói bếp, đặc biệt là khói bếp than; các loại nước xịt có mùi hắc, bao gồm cả nước hoa, thuốc xịt diệt côn trùng...; tránh ăn các thức ăn lạ có nguy cơ gây dị ứng như: cua biển, tôm, các hải sản lạ; luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng, khô.
Khi đã mang thai, thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, có lịch làm việc, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý và điều quan trọng là luôn luôn phải đảm bảo bệnh hen đã được điều trị và kiểm soát tốt dưới sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa hô hấp và được quản lý và theo dõi tốt của bác sĩ chuyên khoa sản.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa

Cách phòng ngừa các bệnh lý về máu cho mẹ và bé

Trong máu con người có 3 loại tế bào chính, đó là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Theo TS.BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Hậu sản M (BV. Từ Dũ TP.HCM), bệnh lý của bất cứ loại tế bào máu nào cũng đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Có khá nhiều bệnh lý về máu ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ.
Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh về máu
- Tiền căn gia đình có người mắc bệnh về máu.
- Ăn uống thiếu chất, đặc biệt các chất sau: sắt, acid folic, vitamin B12, đạm.
- Nghề nông, dễ bị ký sinh trùng đường ruột.
- Mang thai.
- Có bệnh mãn tính: bệnh thận, bệnh gan, bệnh tim, sốt rét.
- Sau phẫu thuật.
3 bệnh lý về máu
Bệnh lý về hồng cầu: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu tán huyết di truyền, thiếu máu hồng cầu hình liềm, đa hồng cầu, rối loạn huyết sắc tố, thiếu máu ác tính Biermer… Thiếu máu là một tình trạng mà trong đó không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển đầy đủ oxy đến các mô.
Bệnh lý về bạch cầu: bạch cầu có nhiệm vụ chung là bảo vệ cơ thể đối với các nhân tố bệnh lý khác nhau, chủ yếu là nhân tố nhiễm khuẩn. Trong cơ thể có nhiều loại bạch cầu (bạch cầu hạt hay bạch cầu tủy, bạch cầu lympho, bạch cầu mono), mỗi loại đều có thể phát sinh những biến đổi bệnh lý tăng sinh hoặc nhược sinh tổ chức với những thay đổi về số lượng và chất lượng tế bào. Những bệnh lý bạch cầu thường gặp: bệnh bạch cầu cấp, bệnh bạch cầu mạn.
Cách phòng ngừa các bệnh lý về máu cho mẹ và bé
Tư vấn sinh sản rất cần thiết để hạn chế các bệnh di truyền về máu. Ảnh chụp tại Bệnh viện Hùng Vương
Bệnh lý về tiểu cầu: tiểu cầu là một trong ba loại tế bào chính trong máu sau hồng cầu và bạch cầu. Nó có chức năng trong việc đông cầm máu tại vị trí chảy máu của cơ thể. Vì thế, nếu cơ thể thiếu hay giảm lượng tiểu cầu một cách nghiêm trọng sẽ dẫn đến việc quá trình đông cầm máu không hiệu quả và người bệnh bị mất máu ồ ạt và nhiều, đặc biệt là tại não. Bệnh lý tiểu cầu: tăng tiểu cầu, giảm tiểu cầu đều có khả năng ảnh hưởng đến chức năng đông cầm máu. Mặc dù không có phương pháp chữa trị dứt điểm các rối loạn chảy máu, các phương pháp điều trị có sẵn giúp phụ nữ kiểm soát các triệu chứng, tránh các biến chứng và hạn chế thủ thuật xâm lấn.
Phụ nữ và những biến chứng
Theo các chuyên gia, một trong những bệnh máu di truyền thường gặp là bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm (SCD). Phụ nữ khi mắc bệnh này cần phải chú ý khi sử dụng biện pháp tránh thai. Đặt vòng có thể gây ra những kỳ kinh nguyệt đau đớn nặng nề hơn bình thường. Đặc biệt, khi mang thai và sinh con, SCD làm tăng nguy cơ của các vấn đề nhất định trong thai kỳ, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc sinh non. Bạn cũng sẽ được tư vấn để sử dụng một liều acid folic cao hơn (5mg), nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai. Vì vậy, khi dự định có thai hay khi mang thai, bạn cần phải đi khám bác sĩ sớm.
Các rối loạn đông máu phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ là bệnh von Willebrand (VWD), cơ thể bị thiếu hụt hay khiếm khuyết khả năng sản xuất một loại protein nhất định giúp đông máu. Phụ nữ có nhiều khả năng nhận thấy các triệu chứng do chảy máu nặng hoặc bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt của họ và sau khi sinh con. VWD và các rối loạn máu khác cũng có thể làm cho phụ nữ sẩy thai liên tiếp, chảy máu nặng trong thủ thuật nha khoa, thường chảy máu cam, và ra máu nhiều trong và sau khi phẫu thuật. Phụ nữ bị chứng rong kinh hoặc VWD thường có nguy cơ thiếu máu, đau bụng khi hành kinh, thường xuyên nhập viện, và có nhu cầu truyền máu cao, hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày, và chất lượng cuộc sống giảm. Ngoài VWD, rối loạn chảy máu hiếm khác và các rối loạn chức năng tiểu cầu phổ biến hơn cũng có thể gây ra các triệu chứng chảy máu ở phụ nữ.
BS. Thu Hà cho biết: “Tùy vào loại bệnh và ở vùng nào mà tỉ lệ bệnh sẽ khác nhau. Nhiều bệnh lý về máu có thể điều trị khỏi, nhưng cũng có những loại bệnh mang tính di truyền chỉ điều trị triệu chứng mà thôi. Khi bị thiếu máu, cơ thể cảm thấy mệt mỏi rất nhiều, suy nhược, da xanh, niêm nhợt, tim đập nhanh, đau ngực, khó thở, nhức đầu”.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2009 - 2010, thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ là khoảng 28%. Còn theo khảo sát do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tiến hành, tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 17,5%, trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 60%. Mẹ thiếu máu dễ sảy thai, các vấn đề về nhau thai (nhau tiền đạo, bong non), tăng huyết áp, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Và trẻ sơ sinh thường bị sinh non nhẹ cân, dễ mắc bệnh tim mạch, tăng tử suất và bệnh suất sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu.
Dự phòng bằng xét nghiệm tiền hôn nhân
Theo BS. Thu Hà, nhiều bệnh lý về máu khác nhau khó thể phòng ngừa được, đặc biệt là những bệnh lý mang tính di truyền. Xét nghiệm tiền hôn nhân có thể dự phòng được những bệnh lý di truyền theo gen lặn. Tránh tiếp xúc những chất độc hại có thể dự phòng phần nào bệnh lý ung thư máu. Những bệnh lý ưa chảy máu, chủ yếu là tránh những nguy cơ gây chảy máu.
Nhiều loại bệnh thiếu máu không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, có thể giúp tránh được bệnh thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu vitamin bằng cách ăn uống lành mạnh và đa dạng, bao gồm:
- Sắt: các nguồn tốt nhất của sắt là thịt bò và các loại thịt khác. Các loại thực phẩm giàu sắt bao gồm các loại đậu, đậu lăng, ngũ cốc tăng cường chất sắt, rau xanh sẫm lá, trái cây sấy khô, bơ đậu phộng và hạt.
Cách phòng ngừa các bệnh lý về máu cho mẹ và bé
Thực phẩm giàu sắt
- Folate: chất dinh dưỡng này, và hình thức tổng hợp của nó, folic acid, có thể được tìm thấy trong các loại nước ép cam quýt và trái cây, chuối, rau xanh sẫm lá, rau đậu và bánh mì, ngũ cốc và mì ống.
- Vitamin B12: trong thịt và các sản phẩm sữa dồi dào vitamin.
- Vitamin C: thực phẩm có chứa vitamin C như: trái cây họ cam quýt, dưa hấu, giúp tăng hấp thu sắt.
Cách phòng ngừa các bệnh lý về máu cho mẹ và bé
Thực phẩm giàu folate và vitamin C
Ăn nhiều các thực phẩm chứa sắt đặc biệt quan trọng cho những người có yêu cầu sắt cao như trẻ em, sắt là cần thiết trong quá trình tăng trưởng, có thai và phụ nữ có kinh nguyệt.
Các triệu chứng nghĩ đến bệnh về máu: mệt mỏi, nhức đầu, xanh xao, khó thở, nặng ngực, dễ chảy máu (chảy máu răng, chảy máu do xây xước nhẹ trên da, chảy máu mũi, rong kinh- rong huyết), có nhiều vết bầm trên người, nổi hạch nhiều vị trí trên cơ thể, dễ bị nhiễm trùng. Cũng có những trường hợp không có triệu chứng gì bất thường, khi xét nghiệm sức khỏe vô tình phát hiện.
Bài, ảnh: An Quý

Mẹ béo phì khi mang thai, con dễ bị hen

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây, những bà mẹ bị béo phì trong khi mang thai có khả năng sinh ra trẻ bị hen cao hơn so với các bà mẹ có cân nặng bình thường khi mang thai.
Để xem cân nặng của mẹ có liên quan như thế nào tới sự xuất hiện bệnh hen ở con, Phó giáo sư, Tiến sĩ nhi khoa Erick Forno và cộng sự thuộc Bệnh viện Nhi Pittsburgh, Mỹ, đã tiến hành đánh giá 14 nghiên cứu được công bố trước đó bao gồm hơn 100.000 cặp mẹ-con. Họ nhận thấy những trẻ có mẹ bị thừa cân hoặc béo phì trong khi mang thai có nguy cơ bị bệnh hen cao hơn 20-30% so với những trẻ sinh ra từ các bà mẹ có cân nặng bình thường.
Mẹ béo phì khi mang thai, con dễ bị hen
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy tăng cân quá mức trong thai kỳ tăng 16% nguy cơ hen ở trẻ em. Kết quả này bao gồm tất cả những nghiên cứu đánh giá bệnh hen tại những thời điểm khác nhau trong thời kỳ thơ ấu, từ 1 tới 16 tuổi.
Mặc dù đánh giá này gồm hơn chục nghiên cứu được công bố trước đây cho thấy mối liên quan giữa cân nặng của người mẹ trong thời kỳ mang thai và nguy cơ con bị bệnh hen, nhưng chưa thể chứng minh được cân nặng của mẹ là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh hen ở con.
Mẹ béo phì khi mang thai, con dễ bị hen
Theo nhóm nghiên cứu, béo phì đôi khi dẫn đến tình trạng viêm, góp phần gây nên bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tim, và có thể tình trạng viêm ở người mẹ đã ảnh hưởng ít nhiều tới phổi và đường hô hấp đang hoàn thiện của thai nhi. Hoặc cũng có thể một số chất dinh dưỡng ở các bà mẹ có chế độ ăn lành mạnh giúp bảo vệ trẻ không bị bệnh hen. Bên cạnh đó, có một số yếu tố trong cấu trúc di truyền của người mẹ dẫn đến tình trạng xuất hiện cả bệnh béo phì ở mẹ và hen ở con. Nhưng khả năng nghĩ tới nhiều nhất là có sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng điều quan trọng là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên duy trì cân nặng ở mức hợp lý, đặc biệt là nếu đang chuẩn bị có thai.

Thanh Hà
Theo HealthDay, 22/7/2014

Cefixime có an toàn cho thai nhi?

Tôi đang mang thai ở tháng thứ 5 và đang bị viêm xoang. Trước đây, mỗi lần bị viêm đường hô hấp, tôi thường dùng kháng sinh cefixime để điều trị. Xin hỏi quý báo, tôi đang mang thai thì có thể dùng cefixime để trị viêm xoang không? Cefixime có an toàn với thai nhi không?
Thu Lê (Quảng Ninh)
Cefixime có an toàn cho thai nhi?
Phụ nữ mang thai cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào
Cefixime là một kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, được dùng theo đường uống. Thuốc có tác dụng tốt trên vi khuẩn gram âm. Cơ chế diệt khuẩn của cefixim tương tự như của các cephalosporin khác: gắn vào các protein đích (protein gắn penicilin) gây ức chế quá trình tổng hợp munopeptid ở thành tế bào vi khuẩn. Cefixime được chỉ định dùng trong các trường hợp: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng do các chủng nhạy cảm E. coli hoặc Proteus mirabilis, viêm thận - bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phế quản, giãn phế quản có nhiễm trùng, nhiễm trùng thứ phát của bệnh phế quản mạn tính, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng và amidan do Streptococcus pyogenes, bệnh lỵ do Shigella nhạy cảm (kể cả các chủng kháng ampicilin)...
Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 và 2 như cephalexin, cefuroxim, cefaclor đã qua nghiên cứu và được chứng minh là an toàn đối với thai nghén. Các thuốc thế hệ 3 như cefotaxim, cefixime chưa được nghiên cứu đầy đủ mức độ an toàn của thuốc ở phụ nữ mang thai. Do đó, chỉ nên dùng các thuốc này cho phụ nữ mang thai khi không có kháng sinh khác thay thế hoặc chỉ dùng khi thật sự cần thiết chứ không có chống chỉ định hoàn toàn.
Bạn muốn điều trị viêm xoang khi đang mang thai thì cần đi khám bệnh để bác sĩ cho chỉ định cụ thể, không nên tự ý dùng thuốc vì rất nhiều loại thuốc có chống chỉ định với phụ nữ mang thai, có thể gây độc cho thai nhi.
Chúc bạn mau khỏi bệnh.
DS. Hoàng Lê

Bổ sung canxi cho phụ nữ mang thai

Trong thời kỳ mang thai, các nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất đều tăng lên để đáp ứng sự phát triển của cả mẹ và con. Trong đó canxi là một trong những khoáng chất rất quan trọng cho sự phát triển của xương và răng em bé, giúp thai nhi phát triển mạnh khỏe đồng thời làm giảm các nguy cơ cho thai phụ…
Nhu cầu can xi ở phụ nữ có thai
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu canxi khuyến nghị đối với phụ nữ mang thai (trong suốt thai kỳ) là 1.200mg/ngày, cao hơn 30% so với nhu cầu bình thường của người phụ nữ. Trong thời kỳ này, canxi có vai trò rất quan trọng để đáp ứng quá trình hình thành răng và xương thai nhi. Nếu việc cung cấp canxi trong thai kỳ không đầy đủ, thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương và các mầm răng ngay từ trong giai đoạn bào thai, gây nên những khiếm khuyết về xương và răng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ sinh ra đã có dấu hiệu thiếu canxi như mềm hộp sọ, thóp trước và thóp sau rộng, trẻ có các cơn khóc tím tái do co thắt, thậm chí bị co giật do hạ canxi huyết. Đối với mẹ sẽ dẫn đến các triệu chứng chuột rút, đau mỏi cơ nhất là 3 tháng cuối, và dẫn đến tình trạng loãng xương, hư răng ở mẹ sau sinh (vì sẽ phải huy động canxi từ cơ thể mẹ)…
Bổ sung canxi cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều canxi. Ảnh: MH
Bổ sung như thế nào?
Việc bổ sung canxi trong thời kỳ mang thai được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau như qua thực phẩm và bổ sung bằng thuốc.
Trước hết, bổ sung qua thực phẩm, thai phụ nên ăn nhiều thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, rau cần, súp lơ xanh... Nhu cầu canxi của phụ nữ có thai khó có thể đạt được nếu không uống sữa giàu canxi và các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua, phomat... Một ngày chỉ cần 2 ly sữa hoặc 100 - 200g cá, tép nhỏ ăn cả vỏ cả xương hoặc cá chiên xù, cá lớn kho rục xương… là đủ cung ứng nhu cầu canxi cho thai phụ.
Chỉ bổ sung bằng thuốc khi nguồn thức ăn không cung cấp đủ. Việc bổ sung bằng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, để tránh dùng thừa. Vì thừa canxi cũng sẽ nguy hiểm (thừa canxi, thai nhi có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời, thóp bị kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mỹ).
DS. Hoàng Thu

Hạn chế các tác động tiêu cực khi ngủ cho bà bầu

Những ngày đầu hoặc tuần đầu mang bầu, bạn luôn có suy nghĩ muốn nằm ngủ ở giường mà không biết rằng việc bạn nằm quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Việc lười hoạt động có thể làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng, táo bón, phù chân và đau lưng. Nằm nghỉ tại giường quá lâu cũng có thể khiến cơ bắp của bạn suy yếu, gây ra máu đông, hoặc giảm sự thèm ăn – điều vốn không tốt cho em bé đang phát triển và cần calo và nhiều dưỡng chất.
 1

Dưới đây là một số bước bạn có thể áp dụng để hạn chế các tác động tiêu cực của việc nằm nghỉ tại giường:
- Bạn có thể tối đa hóa lưu lượng máu đến tử cung của mình bằng cách nằm nghiêng, thay vì nằm ngửa. Để cảm thấy thoải mái, hãy đặt một chiếc gối dưới chân. Cứ mỗi giờ bạn nhớ nằm đổi bên một lần để cơ thể đỡ đau nhức và ngăn ngừa kích ứng da.
- Thực hiện bài tập cánh tay mỗi ngày để giữ cho phần cơ bắp phía trên cơ thể của bạn không bị suy yếu. Bài tập cho bắp tay trước, bắp tay sau và vươn tay quá đầu có thể được thực hiện ở tư thế ngồi. Hãy tập 6 -12 lần động tác kéo giãn và co vai.
- Cũng nên tập động tác kéo dài chân thật nhẹ nhàng bằng cách duỗi, uốn ngón chân và xoay bàn chân quanh mắt cá chân (mà không cần nâng chân của bạn cao quá hông). Điều này có thể giúp lưu thông máu ở chân, giảm và tránh hiện tượng phù chân, chuột rút khi mang bầu.
- Theo dõi chế độ ăn uống một cách cẩn thận và chắc chắn rằng bạn có một thực đơn chuẩn cho bà bầu. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra một mối liên hệ giữa việc giảm thèm ăn, giảm cân của mẹ và nhẹ cân của trẻ sơ sinh với việc nằm nghỉ ở giường. Bạn có thể thay đổi việc này bằng cách áp dụng một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Để tránh chứng ợ nóng, bạn cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa chính, và nếu muốn nghỉ ngơi, thay vì nằm hẳn xuống, bạn có thể ngồi trên giường. Ngoài ra, để chống táo bón, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau xanh.

Cắt một bên buồng trứng thì có thai được nữa hay không?

Cách đây 3 năm em bị u nang buồng trứng và phải cắt bỏ một bên. Từ đó đến nay sức khỏe của em bình thường. Bây giờ, vợ chồng em muốn sinh thêm em bé nữa nhưng đã 4 tháng mà chưa có "tin vui". Bác sĩ cho em hỏi, nếu bị cắt một bên buồng trứng như vậy thì có thể có thai được nữa hay không? Em đang rất lo lắng nên mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (T. Huyền)
Trả lời:
Bạn T. Huyền thân mến!
Sức khỏe buồng trứng là yếu tố rất quan trọng trong việc thụ thai. Bình thường, cả hai buồng trứng khỏe mạnh thì bạn sẽ có cơ hội thụ thai thành công cao nhất. Mỗi người phụ nữ có hai ống dẫn trứng làm nhiệm vụ là “ống dẫn” để tinh trùng của người đàn ông và trứng của người phụ nữ gặp nhau, thụ tinh và phát triển thành thai nhi. Hai buồng trứng này hoạt động độc lập nên nếu không may phải phải phẫu thuật cắt bỏ một bên buồng trứng thì chất lượng trứng ở bên còn lại không bị ảnh hưởng nhiều.
 1
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, lúc này, số lượng trứng bị giảm đi một nửa nên sau bạn đã bị cắt hết một bên ống dẫn trứng thì khả năng có thai của bạn sẽ còn 50% so với bình thường. Ống dẫn trứng còn lại của bạn nếu có những tổn thương hoặc sẹo dính trên đó thì bạn vẫn có thể bị thai ngoài tử cung trên vòi trứng còn lại... Còn nếu một bên buồng trứng còn lại vẫn hoạt động bình thường, vòi trứng vẫn thông thì bạn vẫn có khả năng mang thai cao.
Buồng trứng của mỗi bạn gái có khoảng 400.000 nang noãn và trong suốt cuộc đời của một người phụ nữ có tới khoảng 400 đến 500 lần rụng trứng. Như vậy dù bạn có bị cắt đi một bên buồng trứng thì số lượng trứng vẫn còn một nửa trong khi đó bạn chỉ cần dùng đến một phần nhỏ bé trong tổng số trứng đó mà thôi.
Vậy nên bạn không cần lo lắng quá. Điều quan trọng lúc này là bạn cần giữ sức khỏe tốt, tâm trạng ổn định và xác định chuẩn ngày rụng trứng để tăng khả năng thụ thai. Tốt nhất bạn nên đi khám phụ khoa định kì và kiểm tra chất lượng trứng để đảm bảo buồng trứng còn lại vẫn hoạt động tốt.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!

Dự phòng suy tim liên quan đến thai sản

Thuật ngữ bệnh cơ tim chu sinh (BCTCS), được các nhà lâm sàng tim mạch dùng cho những trường hợp suy tim có liên quan đến thai sản.
BCTCS bắt đầu ở tuần 20 của thai kỳ và kết thúc ở giai đoạn hậu sản gọi là chu sinh. Đôi khi trên thực tế, BCTCS cũng xảy ra trên những sản phụ có tuổi thai sớm hơn, sảy thai to, hoặc sau giai đoạn hậu sản. Đây là bệnh hiếm gặp, nhưng tỉ lệ tử vong cao. Biểu hiện cơ tim giãn với dấu hiệu suy tim nặng.
Hiểu biết bệnh lý về BCTCS có cách phòng ngừa tốt để tránh xảy ra tình trạng bệnh nặng, cũng như loại trừ khả năng nguy hiểm đến tính mạng cho sản phụ.
Dự phòng suy tim liên quan đến thai sản
LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC
Để phòng ngừa suy tim liên quan đến thai sản cần có chế độ khám thai và chăm sóc thai chu đáo. Sản phụ cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khám thai, đặc biệt lưu ý những sản phụ có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật, đa thai, sinh nhiều lần, trong những tháng cuối cần tầm soát hệ tim mạch như: đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim… Cần có chế độ nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ, chế độ ăn lạt, uống nước đủ. Sau khi sinh, cần tầm soát một khi có những dấu hiệu nghi ngờ trong giai đoạn trước hoặc lúc chuyển dạ sinh. Dùng thuốc kháng đông heparin có trọng lượng phân tử thấp với 2 liều Levonox sau sinh để phòng thuyên tắc mạch, cần vận động sớm. Ăn uống đủ dinh dưỡng, chú ý canxi và các vitamin khác.
Các yếu tố và tần suất mắc bệnh
Bệnh thường gặp ở sản phụ ≥ 30 tuổi, 82% số trường hợp bệnh được phát hiện trong vòng những đầu tháng sau sinh (45% phát hiện bệnh ở tuần đầu tiên, 75% ở tháng đầu tiên sau sinh), chỉ khoảng 7% trường hợp phát hiện bệnh vào tháng cuối thai kỳ. Các sản phụ đa thai, sinh nhiều lần, tăng huyết áp trong thai kỳ hoặc tiền sản giật có nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sản cao 5 - 7 lần so với nhóm sản phụ bình thường.
Theo thống kê tại Mỹ, tỉ lệ này là 1: 3.000 - 4.000 trường hợp thai sản. Tỉ lệ này có vẻ cao hơn ở Nam Phi 1: 1.000, và ở nhóm người Mỹ gốc Phi, Haiti được biết là nơi có tỉ lệ bệnh cao nhất với 1: 299. Tại châu Á, bệnh được báo cáo tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, chưa có thống kê nào được công bố, tuy vậy bệnh vẫn gặp rải rác ở miền Bắc, Trung, Nam.
Bệnh xảy ra như thế nào?
Cho đến nay mặc dù có nhiều nghiên cứu, song rất khó khăn để xác định bệnh nguyên và cơ chế bệnh sinh của BCTCS. Đây là một dạng của bệnh cơ tim giãn vô căn, xảy ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ và giai đoạn hậu sản. Chuỗi phản ứng viêm khởi phát cho quá trình tổn thương cơ tim gây hoại tử, xơ hóa, chết theo chương trình là nền tảng gây ra giảm sức co bóp của cơ tim gây ra suy tim. Dù rằng có nhiều giả thuyết, song hiện tại có 2 nguyên nhân được cho là có mối liên hệ nhiều nhất, đó là sự thay đổi hoóc-môn do quá trình mang thai, mà đặc biệt là prolactin và nguyên nhân thứ hai là viêm cơ tim do virút. Sau nhiễm virút, đáp ứng miễn dịch bệnh lý có thể xuất hiện trực tiếp chống lại protein mô cơ tim làm rối loạn chức năng tâm thất. Các chủng Parvovirus B19, Cytomegalovirus, Human Herpes virus 6 và Epstein-Barr virus được cho là tác nhân thường gặp. Ngoài ra, người ta còn thấy nguyên nhân do di truyền lạ, hiện tượng này cho là tế bào thai tồn tại trong cơ thể người mẹ tạo ra đáp ứng miễn dịch.
Biểu hiện lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng: giống như hội chứng suy tim chung, suy tim do BCTCS có đầy đủ triệu chứng lâm sàng của một bệnh cảnh suy tim như: giới hạn hoạt động thể lực, khó thở, phù mắt cá, ho khi nằm đầu thấp, nhịp tim nhanh, gallop T3 (nghe tim tiếng ngựa phi), diện tim đập rộng, tĩnh mạch cổ nổi. Một vấn đề khó khăn là các triệu chứng khó thở, phù ngoại biên và nhịp tim nhanh là những biểu hiện có thể gặp ở một phụ nữ mang thai bình thường, đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ. Đây là lý do làm cho sản phụ có BCTCS phát hiện bệnh muộn và là thách thức cho bác sĩ sản khoa, thậm chí bác sĩ tim mạch khi đặt vấn đề chẩn đoán suy tim ở những sản phụ trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Việc chẩn đoán bệnh cơ tim chu sản sẽ dễ dàng hơn khi xuất hiện triệu chứng suy tim ở giai đoạn sau sinh. Ngày nay, với sự hỗ trợ của siêu âm tim việc chẩn đoán BCTCS trở nên dễ dàng hơn, giúp hạn chế bỏ sót và sai lầm trong chẩn đoán. Phù phổi cấp, thuyên tắc mạch, rối loạn nhịp tim cũng đều có thể là những biểu hiện và là nguyên nhân khiến sản phụ nhập viện.
Triệu chứng cận lâm sàng: đo điện tim: được ghi nhận trên điện tim đồ bề mặt. Thường gặp nhịp nhanh xoang, rung nhĩ, hoặc các dạng rối loạn nhịp. Dấu hiệu phì đại thất trái, block nhánh, rối loạn dẫn truyền nội thất cũng thường gặp do buồng thất giãn rộng. Siêu âm tim: hình ảnh gợi ý chẩn đoán là hình ảnh bệnh cơ tim giãn với phân suất tống máu (EF) 20 - 30%, thậm chí có nhiều trường hợp EF < 20%. Phân suất co rút (FS) < 30%, thất trái giãn rộng, có thể thấy huyết khối thành thất. Siêu âm tim được khuyên, lặp lại sau 6 tuần, 6 tháng và mỗi năm theo dõi điều trị. Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương tiện bổ sung để chẩn đoán BCTCS. Bắt thuốc cản từ muộn MRI tim giúp cho việc chẩn đoán hoại tử cơ tim do thiếu máu hay do viêm cơ tim. Hình ảnh MRI của tổn thương cơ tim do BCTCS là hình ảnh dạng nốt, dạng dải dưới thượng tâm mạc, trái ngược với hình ảnh tổn thương cơ tim do thiếu máu là tổn thương xuyên thành hoặc tổn thương dưới nội mạc. Xét nghiệm, nồng độ Troponin I, troponin T tăng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh
- Xuất hiện triệu chứng suy tim trong giai đoạn chu sản (những tháng cuối trước sinh hoặc trong vòng 5 tháng sau sinh).
- Không có bằng chứng của bệnh suy tim trước đó cho đến khi phát hiện bệnh.
- Không có một nguyên nhân bệnh lý nào khác được xác định là có khả năng gây suy tim.
- Tiêu chuẩn siêu âm tim: phân suất tống máu (EF) ≤ 45%, và hoặc phân suất co rút thất trái < 30%, và đường kính thất trái cuối tâm trương ≥ 2.7cm/m2.
Điều trị như thế nào?
Những điều cơ bản trong điều trị: như hạn chế muối và sản phẩm mặn khi vào cơ thể, hạn chế dịch, tăng sức co bóp cơ tim, giảm hậu tải và tiền tải, phòng ngừa thuyên tắc mạch, kiểm soát rối loạn nhịp luôn được chú trọng trong việc điều trị BCTCS. Dù vậy, bệnh có liên quan đến thai kỳ và cho con bú nên có những đặc thù trong việc chọn lựa thuốc theo từng giai đoạn. Điều trị suy tim ở 3 tháng cuối của thai kỳ là sự phối hợp của chuyên khoa: tim mạch, sản khoa. Vì tính an toàn cho thai nhi, sản phụ phải được thông báo trước những biến cố do bệnh và do hậu quả không mong muốn của việc điều trị gây ra. Chăm sóc và theo dõi lúc sản phụ chuyển dạ. Hạn chế dịch < 2 lít/ngày, hạn chế muối 2 - 4g/ngày. Thuốc giãn mạch như nitrat, hydralazin được xem xét sử dụng nếu lợi tiểu không đủ cải thiện tiền tải. Thuốc chẹn beta là thuốc nền tảng trong điều trị suy tim, đặc biệt ở nhóm bệnh cơ tim giãn. Nhóm thuốc này được sử dụng trong thời gian dài để điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai mà không gây tác dụng phụ nào trên thai nhi, vì vậy chẹn beta được dùng nếu không có chống chỉ định. Digoxin: thuốc tăng co bóp cơ tim, được chỉ định điều trị suy tim do BCTCS giai đoạn trước sinh sau khi đã sử dụng những nhóm thuốc trên mà chưa cải thiện triệu chứng suy tim. Nguy cơ tạo huyết khối ở bệnh cơ tim giãn nở cao, đặc biệt có EF< 35% và nguy cơ tăng đông ở sản phụ mang thai, vì vậy phòng ngừa huyết khối là cần thiết cho BCTCS. Heparin trọng lượng phân tử thấp không qua hàng rào nhau thai là chọn lựa phù hợp.
Chăm sóc một BCTCS trong chuyển dạ sinh cần có sự phối hợp giữa bác sĩ sản khoa, tim mạch, và gây mê. Sản phụ cần được điều trị suy tim tối ưu trước dự sinh. Gây tê vùng, giảm đau ngoài màng cứng được đề nghị nhằm làm giảm gắng sức do đau, sinh qua ngả âm đạo vẫn là chọn lựa ưu tiên vì nguy cơ thuyên tắc phổi, mất nhiều máu, viêm nội mạc tử cung cao hơn ở nhóm bệnh sinh mổ. Dù vậy, việc quá thận trọng với chỉ định mổ bắt con có thể gây hại cho mẹ và thai nhi. Điều trị những biến chứng cấp của suy tim như: cơn phù phổi cấp, rối loạn nhịp được sử dụng thuốc như những trường hợp suy tim thông thường.
Điều trị BCTCS cho sản phụ sau sinh giống như điều trị giai đoạn trước sanh, chỉ thêm là bổ sung nhóm ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II - nhóm thuốc có khả năng cải thiện tỉ lệ tử vong cho bệnh suy tim có chức năng thất trái suy giảm. Thuốc captopril và enalapril thường được chọn lựa nếu sản phụ cho co bú, vì những thuốc này bài tiết ít qua sữa mẹ. Lợi tiểu kháng aldosteron được chỉ định cho những bệnh nhân suy tim.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Dấu hiệu tắc vòi trứng chị em cần cảnh giác

Tắc vòi trứng có nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn âm đạo, cổ tử cung lan ngược lên trên gây viễm nhiễm phần phụ hoặc do lạc nội mạc tử cung.
Em kết hôn 3 năm, đã có thai 1 lần nhưng bị thai lưu. Sau khi bỏ thai, em kế hoạch 8 tháng thì quyết định bắt đầu cố gắng để có thai trở lại. Nhưng 6 tháng sau em vẫn chưa có tin vui. Em đi khám thì bác sĩ nói em bị tắc vòi trứng khá nặng. Bác sĩ nói tại sao không theo dõi các triệu chứng để đi khám sớm, việc điều trị sẽ hiệu quả và nhanh hơn nhiều. Nhưng thực tế em lại không biết tắc vòi trứng có những biểu hiện nào. Mong bác sĩ tư vấn giúp em để em hiểu hơn. Em xin cảm ơn! (T. Bình)
Trả lời:
Bạn T. Bình thân mến!
Để nhanh có em bé, ngoài việc "quan hệ" đúng thời điểm còn cần cả hai có sức khỏe tốt. Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân chính khiến chị em gặp nhiều khó khăn trong việc thụ thai, thậm chí có thể dẫn đến hiếm muộn. Noãn và tinh trùng sau khi thụ tinh sẽ di chuyển qua vòi trứng vào buồng tử cung và làm tổ. Tắc vòi trứng là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp, cản trở sự di chuyển của trứng về tử cung.
Dấu hiệu tắc vòi trứng chị em cần cảnh giác
Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân chính khiến chị em gặp nhiều khó khăn trong việc thụ thai, thậm chí có thể dẫn đến hiếm muộn. Ảnh minh họa
Tắc vòi trứng có nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn âm đạo, cổ tử cung lan ngược lên trên gây viễm nhiễm phần phụ hoặc do lạc nội mạc tử cung. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử nạo hút thai, quan hệ tình dục không an toàn, không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặt dụng cụ tử cung tránh thai… Vòi trứng bị nhiễm khuẩn có thể để lại sẹo và tắc vòi trứng nên nhiều khi trứng đã gặp tinh trùng ở vòi trứng nhưng không thể di chuyển về tử cung để làm tổ mà phát triển ngay tại vòi trứng, gây mang thai ngoài tử cung .
Chính vì vậy, việc sớm phát hiện tắc vòi trứng và chữa trị kịp thời là rất quan trọng. Nó sẽ giúp cơ hội thụ thai của bạn tăng lên đáng kể. Nếu bị tắc vòi trứng, một số triệu chứng mà chị em có thể gặp bao gồm:
- Kinh nguyệt không đều: Các vấn đề ở vòi trứng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, do đó sẽ tác động đến chu kì kinh nguyệt . Buồng trứng không khỏe mạnh sẽ gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, ví dụ kinh nguyệt nhanh chậm thất thường, máu kinh có tháng rất nhiều có tháng lại rất ít, thậm chí có màu đen, hôi...
- Khó chịu ở bụng: Tắc vòi trứng có thể gây ra hiện tượng đau lưng, đau bụng với nhiều cấp độ từ âm ỉ đến quằn quại... và có thể kèm theo hiện tượng mệt mỏi, đi tiểu nhiều...
- Triệu chứng khác: Tăng dịch tiết âm đạo, đau khi giao hợp, rối loạn chức năng tiêu hóa, mệt mỏi... cũng có thể là triệu chứng của tắc vòi trứng.
Bạn nên đi khám ở những cơ sở y tế chuyên sản khoa để được thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh và điều trị tích cực nhé. Việc chữa trị bệnh của bạn bây giờ rất quan trọng vì nếu để lâu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau này.
Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Mắc hội chứng Marfan có nên mang thai?

Hội chứng Marfan là một trong những bệnh di truyền về mô liên kết phổ biến nhất. Bệnh do gen trội tạo nên nguy cơ mắc bệnh từ bố mẹ bị bệnh lên đến 50%. Vì hệ thống mô liên kết có trong tất cả các bộ phận của cơ thể nên bệnh cũng có thể biểu hiện ra tại nhiều cơ quan khác nhau. Nhiều bác sĩ vẫn đánh giá bệnh dựa trên các triệu chứng về mắt, tim mạch và các rối loạn cơ xương; tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể có các biểu hiện liên quan đến phổi, da và hệ thần kinh trung ương.
Biểu hiện tại nhiều cơ quan khác nhau
Biểu hiện trên động mạch chủ: gây bệnh lý gốc động mạch chủ dẫn đến giãn, hở van động mạch chủ. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân có hội chứng Marfan. Khoảng 50% trẻ em bị hội chứng Marfan có giãn gốc động mạch chủ và khi trưởng thành, tỷ lệ này lên đến 60 hoặc 80%. Giãn gốc động mạch chủ cũng có thể kèm theo với giãn các thành phần khác của động mạch chủ. Giãn gốc cũng là nguyên nhân gây hở van động mạch chủ. Tình trạng giãn gốc động mạch chủ nếu không được điều trị sẽ dẫn đến hậu quả tách thành động mạch chủ - một biến chứng có tỷ lệ tử vong rất cao.
Các biểu hiện khác ở tim: hay gặp nhất là sa van hai lá gây hở van hai lá gặp trên khoảng 50% số bệnh nhân Marfan và một số bệnh nhân bệnh tiến triển đến mức phải can thiệp phẫu thuật.
Các biểu hiện ở hệ thống cơ xương: Thường phát triển quá mức chiều dài của các xương và khớp lỏng lẻo biểu hiện qua các triệu chứng tương đối đặc thù: cao và gầy; Hình dáng cơ thể không cân đối (với tay và chân rất dài so với thân người; Biến dạng xương ức nhô ra bên ngoài hoặc lõm vào trong; Vòm miệng cao cong và răng dày; Gù vẹo cột sống; Bàn chân phẳng).
Mắc hội chứng Marfan có nên mang thai?
Hội chứng Marfan biểu hiện nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể như tim, hệ cơ, xương, mắt...
Các biểu hiện về mắt: thoát vị thủy tinh thể gặp từ 50 - 80%. Có thể bị cận thị nặng (trên 3 điốp).
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị các biểu hiện ở màng cứng, khí phế thũng và tràn khí màng phổi tự phát, rạn da không phải do béo phì...
Đặc biệt lưu ý khi mang thai
Khi có thai, ngoài nguy cơ con sinh ra có thể mang gen di truyền và phát bệnh (tỷ lệ đến 50%) bệnh nhân mắc hội chứng Marfan và thai nghén còn ở trong một tình trạng rất nguy hiểm vì khi có thai, thành động mạch chủ có những thay đổi nhiều trên nền động mạch chủ và gốc động mạch chủ bệnh lý dẫn đến nguy cơ lóc tách rất cao. Bệnh nhân nên tìm sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa trước khi có ý định có thai và khi đã có thai để có thể áp dụng các biện pháp điều trị dự phòng (phẫu thuật) tránh rủi ro đáng tiếc.
Không thể chữa khỏi hoàn toàn
Hội chứng Marfan không thể chữa khỏi được. Các phương pháp điều trị nhằm hạn chế các biến chứng của bệnh. Những trẻ em mắc hội chứng Marfan cần được siêu âm tim đánh giá kích thước gốc động mạch chủ hàng năm, nếu phát hiện bắt đầu có giãn, cần phải siêu âm 2 lần/năm. Ở người lớn mắc hội chứng Marfan cũng cần đi siêu âm hàng năm nếu kích thước của gốc động mạch chủ lớn hơn 45mm hoặc tăng nhanh kích thước vượt quá 5mm/năm hoặc có hở van động mạch chủ cần theo dõi bằng siêu âm sát sao hơn.
Bệnh nhân tránh những hoạt động thể thao đòi hỏi gắng sức bột phát hoặc tập tạ vì có thể tăng huyết áp đột ngột làm tăng nguy cơ giãn và lóc động mạch chủ. Tuy nhiên, tập với mức độ vừa phải với các cơ lớn chi dưới và thân mình (ví dụ đạp xe đạp nhẹ) lại được khuyến khích vì làm giảm sức cản hệ mạch máu.
Các phương pháp điều trị liên quan đến các chuyên khoa mắt (phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn) chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và đặc biệt là chuyên khoa phẫu thuật tim mạch.
Khi nào cần phẫu thuật?
Khi bị giãn gốc động mạch chủ đến mức giới hạn (ở người lớn là 50mm), nên chỉ định phẫu thuật tránh biến chứng tách thành động mạch chủ. Phẫu thuật có chuẩn bị với phẫu thuật viên có kinh nghiệm có tỷ lệ tử vong thấp (dưới 1%). Nhưng khi phẫu thuật cấp cứu do tách thành động mạch chủ sẽ có nguy cơ cao hơn nhiều và cũng không thể giải quyết được triệt để toàn bộ phần động mạch chủ lóc tách.
Có hai phẫu thuật có thể áp dụng khi thay thế gốc động mạch chủ bị giãn:
Phẫu thuật thay cả gốc và van động mạch chủ (còn gọi là phẫu thuật Bentall). Vì phải thay cả van động mạch chủ nên sau mổ, bệnh nhân cần uống thuốc chống đông máu suốt đời.
Phẫu thuật thay gốc động mạch chủ nhưng giữ lại van động mạch chủ. Phẫu thuật này về mặt kỹ thuật phức tạp hơn và chỉ áp dụng được khi vòng van động mạch chủ chưa quá giãn và mức độ hở van động mạch chủ chưa nhiều. Ưu thế lớn nhất của phẫu thuật là bệnh nhân vẫn giữ được van động mạch chủ tự thân và do vậy có một cuộc sống gần như bình thường.
ThS.BS. Nguyễn Hoàng Hà (Trưởng khoa Ngoại tim mạch, BV ĐKQT Vinmec)

Chăm sóc mẹ và bé sau sinh thường

Ngày nay, việc chăm sóc những bà mẹ sau sinh thường và chăm sóc bé sơ sinh có những quan điểm mới đã đem lại cho những bà mẹ và bé nhiều lợi ích vô cùng quý báu.
Chăm sóc mẹ sau sinh thường
Giờ đầu tiên sau khi sinh, các bà mẹ được theo dõi dấu hiệu sinh hiệu, được ăn cháo hoặc uống sữa ngay một khi không có ý kiến khác của bác sĩ. Mẹ được nằm đầu không kê gối cao trong vòng 8 giờ đầu, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn sau 6 - 8 giờ. Trường hợp mẹ có dùng biện pháp đẻ không đau trong lúc sinh thì có thể vận động sau 1 ngày, nếu không có thể xoay trở mình, nghiêng phải, nghiêng trái sau đó có thể vận động sớm sau 6 giờ.
Sang ngày hôm sau, mẹ cần tắm toàn thân ngay bằng nước ấm sạch, nên sử dụng vòi hoa sen và thời gian tắm nhanh, không quá 20 phút, nhằm giúp cơ thể được vệ sinh tốt, trên mặt da các lỗ chân lông được hô hấp thông thoáng, tránh gây nhiễm trùng da.
Chăm sóc mẹ và bé sau sinh thường
Chế độ ăn: bà mẹ được ăn cơm ngay sau 2 - 4 giờ sinh thường, các món ăn, cần nấu chín và nóng, tập trung là thịt, trứng với số lượng nhiều hơn bữa ăn hàng ngày, thức ăn đi kèm là rau luộc chín và canh nấu chín có hầm giò heo hoặc thịt bò, thịt gà. Sau mỗi bữa ăn cần tráng miệng trái cây tươi chín như: đu đủ, chuối, thanh long, vú sữa… có thể kèm các loại chè đậu nấu, ăn nóng.
Sau sinh, hiện tượng sản dịch ra mỗi ngày và sẽ giảm dần vào các ngày sau đó. Ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch ra nhiều, trung bình thấm 4 - 5 băng vệ sinh, bà mẹ cần thay băng vệ sinh ngay sau khi băng đã thấm sản dịch, không nên băng vệ sinh quá 6 giờ vì điều đó có thể gây chậm liền vết may tầng sinh môn, có thể có nguy cơ làm vi trùng vùng âm đạo phát triển gây nhiễm trùng. Trong thời gian nằm viện, bà mẹ có các nữ hộ sinh chăm sóc rửa vệ sinh âm hộ sáng và chiều.
Chăm sóc bầu vú: ngay sau sinh giờ đầu tiên, em bé cần được bú mẹ ngay, sau khi lau sạch đầu vú và nặn bỏ giọt sữa đầu, dưới sự hỗ trợ các nữ hộ sinh, mặc dù sữa đầu có nhưng số lượng rất ít, nhưng động tác cho bé bú, giúp cho sự bài tiết sữa về nhanh hơn do phản xạ mút của bé từ đầu vú, sẽ kích thích tuyến sữa tiết sữa. Mặt khác trong 3 ngày đầu, sữa mẹ gọi là sữa non, có hàm lượng dinh dưỡng và hàm lượng kháng thể rất cao, khi bé lãnh hội được nguồn sữa mẹ sau này sẽ không bị các bệnh dị ứng hay những bệnh lặt vặt thông thường.
Sang ngày thứ 3 sau sinh, thường có hiện tượng cương sữa, biểu hiện hai vú cương cứng, ấn đau, có thể kèm theo sốt nhẹ. Điều cần làm ngay, không để cương sữa, có thể cần sự giúp đỡ của ông bố hay người thân trong gia đình, thực hiện động tác mátxa vú, nặn sữa bình, hoặc có thể dùng máy hút sữa. Một khi không hiệu quả, có thể chườm mát, không nên chườm nóng, cách thức xử trí, dùng khăn mặt thấm ướt để trong ngăn đá tủ lạnh sau 15 - 20 phút, mang ra chườm trên bầu vú, động tác như vậy giúp hiện tượng co mạch, làm giảm cương sữa. Ngoài ra, cần lau sạch vú thường xuyên nhằm nhiễm trùng đầu vú.
Những trường hợp mẹ ít sữa, hay không có sữa, ngoài chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, cần thiết mẹ phải ngủ đủ giấc, trung bình 8 - 9 giờ/ngày, chính trong giấc ngủ sẽ giúp bài tiết sữa nhiều hơn. Đồng thời, chú ý khi bé bú mẹ, mẹ nên ngồi dậy bế con cho bú, cho bé bú hết sạch sữa một bên bầu vú này, rồi sau đó mới sang bên vú bên kia, không nên cho trẻ bú lưng chừng bầu vú mẹ vẫn còn sữa mà chuyển sang bầu vú khác, điều đó sẽ làm hạn chế bài tiết sữa. Có thể dùng các viên thuốc giúp kích thích sữa như: Meko lactagil 0,6g 1 viên x 2 lần uống.
Chăm sóc bé sau sinh
Khi bé chào đời, điều đầu tiên bé được các nữ hộ sinh chăm sóc, giúp bé thở tốt, làm rốn, ủ ấm và tiêm ngừa xuất huyết não màng não bằng vitamin K1 với liều 1mg tiêm bắp. Trong giờ đầu tiên bé được bú sữa mẹ với sự giúp đỡ của các nữ hộ sinh và bé được nằm bên mẹ với tên gọi “da kề da” nghĩa là bé nằm kề bên mẹ, toàn thân áp vào người mẹ. Sang những ngày tiếp theo bé được bú sữa mẹ hoàn toàn ngày đêm. Bé bú “theo nhu cầu”, với thời gian trung bình giữa hai lần bú 2 - 2,5 giờ.
Nguồn ảnh: baosuckhoe.org
Nguồn ảnh: baosuckhoe.org
Việc chăm sóc rốn cho bé, hiện nay có sự thay đổi so với quan điểm cũ, sau 24 giờ, rốn của bé để hở hoàn toàn, không cuốn băng. Điều đó giúp cho rốn của bé mau khô hơn và không bị nhiễm trùng, cũng không nhất thiết phải thoa thuốc sát trùng lên rốn bé.
Bé được tắm mỗi ngày, vào buổi sáng, sau giờ phơi nắng vào lúc 7 - 8 giờ sáng. Cần thiết ủ ấm cho bé, khi trời lạnh, nhiệt độ thích hợp trong phòng của bé 27 - 280C.
Một số điều cần chú ý ở bé, trong lúc bé ngủ, có thể có cơn ngưng thở thoáng qua, nên cần quan sát bé, cho bé nằm tư thế ngủ thoải mái, tốt nhất bé nằm ngửa, có hai gối nhỏ hai bên bé hay bé nằm cạnh mẹ, một tay mẹ quàng qua bé giúp bé được ngủ ngon giấc hơn. Bé có hiện tượng sút cân sinh lý, do hiện tượng thoát mồ hôi qua da, vàng da sinh lý xảy ra vào ngày thứ 4 trở đi, nếu vàng da xuất hiện sớm hơn, cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa nhi. Ở bé gái trong những ngày đầu, bộ phận sinh dục ngoài của bé có ra huyết đỏ sậm loãng, điều này là bình thường, nguyên nhân là do nội tiết tố mẹ truyền qua bé, nên không cần phải xử trí.
Sau 24 giờ bé được tiêm ngừa lao và viêm gan siêu vi B. Sang ngày thứ 3 trở đi bé được lấy máu gót chân, để tầm soát hai bệnh lý dễ mắc phải, đó là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD. Tất cả những điều cần làm cho bé về tiêm ngừa và lấy máu gót chân giúp cho chất lượng sức khỏe của thế hệ kế tiếp khỏe mạnh và thông minh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong những ngày đầu bé sinh ra ngủ nhiều hơn thức, điều đó là bình thường, vì hệ thần kinh của bé chưa hoàn thiện. Cần chú ý cho bé bú khi mà sau 2,5 giờ bé chưa bú, để tránh hạ đường huyết.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Bà bầu hãy cảnh giác với omega 6

Omega 6 rất tốt cho sức khỏe nhưng đối với bà bầu thì lại ngược lại. Các bà bầu cần tránh xa loại omega này vì nó có khả năng gây ung thư vú cho phụ nữ khi bổ sung trong giai đoạn mang thai.
Omega 6 là một loại acid béo nằm trong nhóm chất béo không bão hòa đa thể. Trong nhóm này, quan trọng nhất là:
-Linoleic acid (LA): là một acid béo thiết yếu hiện diện trong hầu hết các loại dầu thực vật mà chúng ta thường dùng hàng ngày.
-Gamma linolenic acid (GLA): một phần được cơ thể tổng hợp từ chất LA, một phần khác hiện diện trong một số dầu thực vật như primrose oil, borage oil và trong sữa mẹ. Trong cơ thể, GLA chuyển thành chất prostaglandins. Chất này có tính chống viêm sưng, rất hữu hiệu để làm giảm thiểu triệu chứng bệnh viêm khớp tự miễn.
-Dihomo-gamma linolenic acid (DGLA): là một chuyển hóa chất của GLA… DGLA chuyển thành eicosanoids serie1 giúp bảo vệ tim mạch, kích thích miễn dịch, và đồng thời có tính chống viêm sưng (antiinflammatory).
-Arachidonic acid (AA): là một chuyển hóa chất của DGLA… AA chuyển ra thành eicosanoids serie 2 giúp vào việc làm lành các vết thương, cũng như dự phần vào cơ chế của phản ứng dị ứng. Tuy vậy, một sự thặng dư chất AA rất có hại cho sức khỏe như nó có thể kéo theo bệnh viêm khớp, bệnh ngoài da và một số bệnh tự miễn (autoimmune) khác. Eicosanoids serie 2 và eicosanoids serie 4 biến thể từ Arachidonic acid (AA) có thể gây viêm sưng, làm co các mạch máu, kích thích sự kết tụ tiểu cầu và là những hóa chất độc tùy theo nơi nào trong cơ thể mà eicosanoids được tăng hoạt.
DS Hồng Lê
Phụ nữ mang thai cần tránh xa omega 6
Phụ nữ mang thai cần tránh xa omega 6
Cũng như omega-3, omega-6 rất có ích trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch bằng cách làm giảm cholesterol và triglyceride trong máu xuống. Tuy vậy, ăn quá nhiều omega-6 cũng không tốt cho sức khỏe, như nó có thể làm gia tăng sự giữ nước trong cơ thể, kéo theo việc tăng áp suất máu, và tăng nguy cơ hiện tượng máu bị đóng cục trong mạch. Bởi lý do vừa kể, tỉ lệ giữa omega-6 và omega-3 tiêu thụ rất quan trọng. Một tỉ lệ omega-6 quá cao và omega-3 quá thấp sẽ có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Trong biến dưỡng, hai chất omega-6 và omega-3 đều sử dụng chung một số enzym, vitamin (B3, B6, C, E) và các chất khoáng magnesium và zinc. Nếu omega -6 quá nhiều, nó sẽ chiếm lấy hết các enzym và vitamin cần thiết khiến omega-3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo được, nhất là trong việc bảo vệ tim mạch, và còn có thể gây nên cơn đau nhức viêm sưng chẳng hạn như viêm khớp và suyễn.
Tuy omega 6 rất tốt cho sức khỏe nhưng đối với bà bầu thì lại ngược lại. Các bà bầu cần tránh xa loại omega này vì nó có khả năng gây ung thư vú cho phụ nữ khi bổ sung trong giai đoạn mang thai.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sự ảnh hưởng của omega - 6 trên chuột mang thai bằng cách tăng cường vi chất omega - 6 trong thức ăn theo mô phỏng theo tỷ lệ thực đơn thường thấy của người Mỹ; nhóm còn lại được áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng. Kết quả cho thấy, những chú chuột con mà mẹ chúng được ăn theo chế độ dinh dưỡng cân đối có xu hướng phát triển khỏe mạnh; tỷ lệ mắc ung thư vú thấp hơn 30% so với nhóm kia.
Chế độ ăn uống nhiều omega - 6 không những ảnh hưởng xấu ở thế hệ thứ nhất mà còn tiếp tục tác động không tốt đến thế hệ thứ hai của nhóm chuột được chăm sóc theo chế độ giàu omega - 6. Tỷ lệ mắc ung thư vú ở thế hệ chuột thế hệ thứ hai cao hơn 19% so với bình thường.
Từ kết quả trên, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên lựa chọn các thực phẩm chứa omega - 3 (chất béo có trong các loại cá sống ở đại dương như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá bơn halibut, cá da xanh, cá ngừ, cá thu) để bảo vệ cơ thể mình khỏi nguy cơ mắc ung thư vú. Việc lựa chọn thức ăn thông minh không những giúp bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn là động thái bảo vệ các thế hệ mai sau.

Cho trẻ bú nằm gây chảy xệ ngực

Nuôi con bằng sữa mẹ là một trải nghiệm và học tập thú vị, nhưng chính trong những tư thế không thích hợp mà phụ nữ dần đánh mất đi sự săn chắc của vòng một sau quá trình này. Cho trẻ bú nằm thường được cho là một tư thế thoải mái cho mẹ nhưng cũng chính là một trong những nguyên nhân gây biến dạng, chảy xệ ngực.
Tư thế đúng để trẻ no, mẹ không hỏng ngực
Sau phút vượt cạn, dù mổ đẻ hay đẻ thường, mẹ còn mệt, hoặc do một số bệnh lý khiến cho mẹ chưa thể ngồi dậy cho trẻ bú được, một số mẹ cho trẻ bú nằm là điều dễ nhận thấy. Bên cạnh đó, với tư thế bú nằm, bà mẹ chỉ việc nằm mà không phải ngồi dậy, không phải bế trẻ, giúp mẹ đỡ mỏi nên được nhiều bà mẹ ưa thích, đặc biệt khi cho trẻ bú vào ban đêm.
Tuy nhiên, đây không phải là tư thế cho con bú được các bác sĩ khuyến khích. Tư thế này gây khó khăn cho bé mút và nuốt khiến trẻ dễ sặc sữa, mặt khác ngực bị co kéo dẫn đến biến dạng, chảy xệ.
Cho trẻ bú nằm gây chảy xệ ngực
Khi cho bú nằm mẹ không phải bế bé
Tư thế cho trẻ bú tốt nhất vừa cần đảm bảo thoải mái cho cả mẹ lẫn con vừa giúp bé được bú no không giằng hay co kéo ngực mẹ.
Cho trẻ bú nằm gây chảy xệ ngực
Tư thế bú được khuyến khích là tốt cho cả mẹ và bé.
Ngoài ra, cần chú ý sao cho miệng bé há rộng, ngậm cả quầng vú, cằm chạm sát vú mẹ, môi dưới của trẻ đưa ra ngoài để bé mút sữa dễ dàng nhất, tránh co kéo ngực mẹ.
Estrogen tự nhiên cải thiện ngực sau cho con bú.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, Estrogen trong cơ thể phụ nữ mang thai ở ngưỡng cao hơn rất nhiều so với bình thường, dù là mang thai nhưng một phần lớn phụ nữ cũng cảm thấy thú vị với trải nghiệm kích thước ngực nảy nở như vậy. Nhưng cần nhớ rằng chỉ 24 tiếng sau khi sinh lượng Estrogen sẽ sụt giảm nhanh chóng khiến thời gian sau sinh và cho con bú của phụ nữ có nhiều cảm giác như đang trải nghiệm tuổi mãn kinh: Ngực chảy xệ, khô âm đạo, ra mồ hôi đêm, nóng ran, mệt mỏi, trầm cảm, rụng tóc, mất ngủ, …
Vậy Estrogen thực sự là chìa khóa sinh lý cho bạn tìm lại sự cân bằng trong cơ thể mình, nhất là lấy lại độ săn chắc vòng 1.
Có hai loại Estrogen, một là tổng hợp và loại kia là tự nhiên (tên khoa học là Phytoestrogen). Estrogen tổng hợp (có trong thuốc tránh thai) được cho là gây ra u vú và ung thư vú.
Estrogen tự nhiên được tìm thấy nhiều trong Sâm tố nữ, Mầm đậu nành, Tam thất, Đương quy… Trong đó, theo nhiều nghiên cứu thì hàm lượng và hoạt lực Estrogen trong Sâm tố nữ mạnh hơn nhiều lần so với các thảo dược khác.
Cho trẻ bú nằm gây chảy xệ ngực
Ngực chảy xệ làm thu nhỏ số đo vòng 1
Tại Thái Lan Sâm tố nữ có tên gọi là Kwao Krua, được trồng phổ biến ở miền Bắc nước này. Theo nghiên cứu tiến hành tại Trường Y, Đại học Saint Marianne, Tokyo, Nhật Bản bởi Kuramoshi, T. và Smitasiri, Y về khả năng làm săn chắc, và tăng kích thước vòng 1 của Sâm tố nữ, các tình nguyện viên là phụ nữ Nhật Bản từ 20 - 49 tuổi đã được uống từ 100 đến 600 mg hàng ngày trong 7 ngày liên tục, kết quả cho thấy họ vẫn khỏe mạnh, không bị mất kinh nguyệt và vòng 1 được cải thiện đáng kể. Tại Thái Lan, Sâm tố nữ cũng được thử nghiệm ở người, theo báo cáo năm 1961 là có tác dụng Estrogen mạnh(1)
Estrogen tự nhiên với đặc tính an toàn dần trở thành xu thế hiện đại và tin dùng với nhiều phụ nữ khi muốn làm đẹp vòng 1 mà không cần phẫu thuật. Việc của bạn là tuân thủ đúng tư thế cho trẻ bú, quy trình cai sữa và bổ sung Estrogen sau thời gian cho trẻ bú theo chỉ định.

Tại sao phụ nữ bị lãnh cảm?

Trong ấn tượng của chúng ta, dường vấn đề về rối loạn chức năng tình dục thường thấy ở nam giới, nhưng thực ra vấn đề này lại không hề phân giới tính. Bệnh lãnh cảm không phân biệt giới tính nam nữ. Ngoài nguyên nhân sinh lý, bệnh lãnh cảm phần lớn liên quan đến nhân tố tâm lý. Bệnh lãnh cảm không chỉ là biểu hiện bất thường mà nó còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng hôn nhân, dẫn đến những hiểu lầm khó tránh trong quan hệ hôn nhân. Phụ nữ làm thế nào để xác định chính xác mình có bị lãnh cảm không và những nguyên nhân nào khiến phụ nữ bị lãnh cảm?
Bị mắc các bệnh về phụ khoa: Phụ nữ cần đi kiểm tra phụ khoa định kỳ, vì nếu âm đạo có gì bất thường, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt tình dục. Từ đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của bản thân. Thế nên bước đầu tiên tự kiểm tra là kiểm tra xem âm đạo của mình bất thường không? Các bệnh như âm đạo khô không tiết dịch, viêm âm đạo, viêm phần phụ hoặc viêm vùng chậu đều khiến phụ nữ đau đớn, khó chịu. Điều này tự nhiên khiến họ né tránh sinh hoạt tình dục. Thế nên nếu muốn lấy lại cuộc sống tình dục khỏe mạnh bình thường, trước tiên phụ nữ cần chữa khỏi bệnh phụ khoa cho mình. Chuyên gia sức khỏe khuyên các bạn nữ có bệnh phụ khoa nên chữa trị ngay, có vấn đề về tình dục cần sớm chia sẻ với chồng để kịp thời chữa trị.
Lo có thai ngoài ý muốn và từng nạo hút thai: Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khoái cảm của nữ giới trong sinh hoạt tình dục. Áp lực tâm lý lâu ngày sẽ ngày càng nghiêm trọng. Thế nên phái nữ cần có sự chăm sóc của đàn ông. Nam giới nên chủ động lựa chọn biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phái nữ để nàng yên tâm tận hưởng khoái cảm tình dục. Mặt khác phụ nữ cũng phải biết cách tự bảo vệ mình.
Đã từng bị quấy rối tình dục nghiêm trọng hoặc bị bạo hành: Những phụ nữ đã từng bị quấy rối tình dục hoặc bị bạo hành rất dễ mắc bệnh lãnh cảm. Gánh nặng tâm lý không thể nói ra, luôn cảm giác mình “bẩn thỉu”, có lỗi với chồng, lâu ngày sẽ thành chứng bệnh lãnh cảm. Từ đó nạn nhân né tránh chồng, né tránh sinh hoạt tình dục.
Chuyên gia sức khỏe khuyên rằng nếu gánh nặng tâm lý quá lớn, bạn nên đến bác sĩ tâm lý hỗ trợ điều trị và cần kịp thời điều tiết bản thân để sớm hồi phục sức khỏe giúp cởi mở nút thắt, tìm lại cuộc sống vợ chồng khỏe mạnh bình thường.

Điều trị và dự phòng ối vỡ non

Ối vỡ non là một biến cố trong quá trình thai kỳ, là mối lo lắng của các bà mẹ khi mang thai, mối đau đầu với các bác sĩ.
Ối vỡ non dẫn đến sinh non và gây ra hàng loạt các biến chứng cho thai nhi như: nhiễm khuẩn ối, nhiễm trùng bào thai, hội chứng suy hô hấp, xuất huyết não thất, xuất huyết giảm tiểu cầu, hoại tử ruột, nhiễm trùng huyết và bất thường chức năng vận động, thần kinh. Cần hiểu rõ bệnh lý và mối nguy hiểm để có kế hoạch dự phòng trước, tránh không để xảy ra điều đáng tiếc.
Điều trị và dự phòng ối vỡ non
Dự phòng ối vỡ non bằng cách điều trị dứt điểm nhiễm trùng âm đạo, viêm cổ tử cung. Các bệnh nhiễm trùng qua đường sinh dục phải điều trị tốt. Khâu eo tử cung khi bị hở eo tử cung. Không hút thuốc lá. Dinh dưỡng trong lúc mang thai cần chú trọng
Vai trò của dịch ối trong thai kỳ
Dịch ối thường được sản xuất liên tục, sau tuần lễ 16 của thai kỳ phần lớn dịch ối tùy thuộc vào lượng nước tiểu của thai nhi sản xuất ra. Ngoài ra, dịch ối cũng được bài tiết từ màng nhau, nhau, dây rốn và dịch phổi thai nhi góp phần lên lượng nước ối trong tử cung. Dịch ối bảo vệ thai nhi tránh khỏi nhiễm trùng, chấn thương và tránh được sự chèn ép của dây rốn. Dịch ối giúp cho thai nhi vận động tốt trong buồng tử cung của người mẹ, có dịch ối, thai nhi cử động tốt, thở, giúp phổi thai nhi trưởng thành, lồng ngực và tứ chi phát triển cân đối. Một khi có sự giảm dịch ối sẽ dẫn đến chèn ép dây rốn và giảm sự tưới máu thai. Ối vỡ cũng làm mất hiệu quả bảo vệ thai nhi.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân của ối vỡ non không được biết rõ ràng. Hiện nay, một số các yếu tố nguy cơ gây ra ối vỡ non đã có những bằng chứng xác thực. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: giang mai, lậu, herpers sinh dục... và các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm âm đạo do vi trùng, do nấm, do Trichomonas. Viêm cổ tử cung. Đây là thủ phạm đóng vai trò trong ối vỡ non. Những nguyên nhân làm thai nhi bình chỉnh không tốt gây ra ối vỡ non như ngôi thai bất thường, ngôi ngang, ngôi mông, nhau tiền đạo, đa ối, đa thai, khung chậu hẹp. Người mẹ trong lúc mang thai mà hút thuốc lá, gây ối vỡ non cao gấp đôi ở những không hút thuốc lá trong thai kỳ. Ngoài ra các yếu tố khác, cơ địa cổ tử cung ngắn dưới 35 cm, hở eo tử cung, thể trạng suy dinh dưỡng ăn uống kém. Có tiền căn ối vỡ non.
Từ nguyên nhân và các yếu tố gây ra ối vỡ non biến chứng chính là nhiễm trùng tử cung, tác nhân do Neisseria gorrnorrhoae, Chlamydia trachomatis và Septocoocuc nhóm B. Biến chứng khác của ối vỡ non sa dây rốn, nhau bong non.
Chẩn đoán
Chẩn đoán ối vỡ non dựa trên các dấu hiệu: ra dịch ở âm đạo và xác định đó là dịch ối. Trong trường hợp điển hình người mẹ thấy ra dịch âm đạo lượng nhiều hoặc ra dịch rỉ rả âm đạo, đặc biệt khi đóng băng vệ sinh thấy dịch trắng thấm ướt băng vệ sinh, có mùi tanh nồng. Trong một số trường hợp kèm đau bụng, sốt. Vì nguy cơ nhiễm trùng do giai đoạn tiềm thời của cuộc chuyển dạ kéo dài cho đến lúc sanh, không nên khám âm đạo bằng tay nhiều lần. Đặt mỏ vịt vô trùng để chẩn đoán xác định ối vỡ, quan sát thấy nước ối đọng lại ở âm đạo hay chảy ra từ cổ tử cung, có thể ấn vào đáy tử cung trên thành bụng hay nói người mẹ ho lên một tiếng sẽ làm tăng áp lực ổ bụng để thấy dịch ối chảy ra từ lỗ cổ tử cung. Lấy dịch ối âm đạo làm xét nghiệm để tìm Neisseria gorrnorrhoae, Chlamydia trachomatis và Septocoocuc nhóm B. Đồng thời làm xét nghiệm dịch ối tìm độ trưởng thành của thai nhi. Trên lâm sàng làm Nitrazine test: để xác định dịch ối do dựa vào độ pH của dịch ối. Nitrazine test dương tính khi giấy quỳ từ màu cam chuyển sang màu xanh. Ngoài ra có thể xét nghiệm để xác định dịch ối bằng soi dịch ối trên kính hiển vi thấy hình kết tinh thành là dương xỉ. Siêu âm đánh giá tình trạng thai nhi và thể tích nước ối có sự thay đổi so với lần siêu âm trước.
Điều trị
Mục tiêu làm sao duy trì thai nhi trong tử cung người mẹ càng đến ngày đủ tháng là lý tưởng nhất. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi thai lúc vỡ ối, tình trạng sức khỏe của thai nhi, khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh, có chuyển dạ chưa, có nhiễm trùng hay không, lượng nước ối còn lại qua siêu âm và mức độ trưởng thành của thai nhi. Ngoài còn phụ thuộc các yếu tố khác như: số con, tiền căn mổ lấy thai…
Mức độ điều trị như sau:
Ối vỡ non ở thai nhi đã trưởng thành với tuổi thai ≥ 37 tuần.
Chuyển dạ sẽ xảy ra trong vòng 24 giờ sau đó. Trường hợp cổ tử cung thuận lợi, khởi phát chuyển dạ bằng Oxytocin tiêm truyền hướng sanh ngã âm đạo. Đồng thời phải theo dõi sát tim thai và cơn gò tử cung trên monitoring sản khoa. Trường hợp cổ tử cung không thuận lợi, có kèm theo yếu tố nhiễm trùng, cần thiết phải dùng kháng sinh Ampicillin 2g tiêm tĩnh mạch chậm hay nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 3 và theo dõi trong vòng 12 giờ đánh giá lại tình trạng mẹ và thai nhi, một khi diễn tiến thuận lợi cổ tử cung xóa mở tốt, ngôi thai tiến triển thuận lợi, khung chậu người mẹ rộng rãi, nhiễm trùng được kiểm soát tiếp tục hướng cho sanh ngã âm đạo, Một khi không thuận lợi mổ lấy thai khi có chỉ định.
Điều trị và dự phòng ối vỡ non
Ối vỡ non ở tuổi thai 34 - 36 tuần tuổi:
Thai sống được khi chấm dứt thai kỳ, điều trị lúc này tùy thuộc vào từng trường hợp. Cần theo dõi sát tình trạng thai nhi trên monitoring và nguy cơ nhiễm trùng, dùng kháng sinh dự phòng Septocoocuc nhóm B. Trong y văn với những thai nhi từ 34 - 36 tuần không cần dùng Corticoid vì phổi đã trưởng thành nhưng trên thực tế những trẻ sanh thường dưới 37 tuần sanh ra bé vẫn có dấu hiệu thở rên và suy hô hấp vì vậy chúng tôi vẫn dùng Corticoid cho người mẹ giúp cho phổi thai nhi được trưởng thành tốt. Đồng thời giám sát kỹ lượng nước ối bằng siêu âm mỗi ngày cũng như tình trạng thai nhi. Chấm dứt thai kỳ một khi có sự cần thiết.
Ối vỡ non ở tuổi thai 32 - 33 tuần tuổi:
Nguy cơ non tháng sẽ thấp và sinh bé ra có khả năng sống độc lập một khi phổi thai nhi đã được hỗ trợ bằng Corticoid sau 48 giờ tiêm bắp cho mẹ với thuốc biệt dược Dispropan 5,2 mg/ống dùng liều thứ nhất với 2 ống, và dùng liều thứ 2 liều cách liều 1 là 24 giờ. Đồng thời dùng thuốc kháng sinh dự phòng Septocoocuc nhóm B và kháng sinh điều trị nhiễm trùng kéo dài giai đoạn tiềm thời nếu không có chỉ định. Tiếp tục duy trì thai nhi trong tử cung người mẹ, một khi được kiểm soát tốt tất cả các yếu tố liên quan. Chấm dứt thai khi cần thiết.
Ối vỡ non ở tuổi thai 24 - 31 tuần tuổi
Nên theo dõi cho người mẹ cho đến hết 33 tuần của thai kỳ hoặc càng nhiều càng tốt nếu không có chống chỉ định cho người mẹ và thai nhi. Thuốc kháng sinh kéo dài dự phòng Septocoocuc nhóm B , dùng dạng toàn thân, có thể đường tiêm hay đường uống tùy theo mức độ nhiễm trùng trên người mẹ. Cho một đợt Corticoid, kết hợp thuốc giảm gò bằng Salbutamol hoặc Nifedipin, một khi xuất hiện cơn gò trên Montoring sản khoa, khi dùng thuốc giảm gò, cần chú ý đến tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra có thể dùng thuốc làm dãn cơ trơn bằng Spassless hoặc NO-SPA 40 mg dạng tiêm hay dạng uống. Đồng thời cần tham vấn cho người mẹ và gia đình về tình trạng bệnh và mức độ khả năng sống của thai nhi.
Ối vỡ non ở tuổi thai dưới 24 tuần tuổi:
Là một thai kỳ cực non, ngoài nguy cơ non tháng và nhiễm trùng như đã biết, thai nhi non tháng còn phải đối diện với những nguy cơ khác như thiểu sản phổi, dị tật chi và hậu quả khác của tình trạng thiểu ối kéo dài. Thai nhi không thể cử động tự do trong buồng ối dẫn đến co cứng chi và làm biến dạng chi. Người mẹ với ối vỡ non trước khi thai có thể sống được cần phải tư vấn về chấm dứt thai kỳ ngay và nguy cơ cũng như lợi ích của khả năng bé nằm hồi sức nhi. Ngày nay việc chăm sóc tiền thai ngày càng tốt, tần suất và tử vong ngày càng giảm. Người mẹ bị ối vỡ non ở giai đoạn đầu nhất thiết phải nhập viện cần sự hỗ trợ về điều trị và chăm sóc của y bác sĩ chuyên khoa. Sau giai đoạn nguy kịch có thể chăm sóc tại nhà nếu được. Khi thai đạt đến khả năng sống được nên nhập viện, cho Corticoid cho phổi thai nhi được trưởng thành và tiếp tục chăm sóc, chấm dứt thai kỳ một khi cần thiết thật sự.
Dự phòng ối vỡ non
Do nguyên nhân về ối vỡ non chưa xác định rõ ràng, mà chỉ xác định các yếu tố liên quan đến việc ối vỡ non. Do vậy công tác dự phòng hiện nay đã đi trước một bước. Chăm sóc ngay từ giai đoạn trước thụ thai cho các cặp vợ chồng có kế hoạch muốn sinh bé, bao gồm tổng thể từ bản thân của vợ và chồng và tìm hiểu gia đình về các bệnh lý di truyền và bệnh lý truyền nhiễm. Để có kế hoạch điều trị ngay trước khi thụ thai. Điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt viêm nhiễm đường sinh dục của người vợ. Mong muốn làm sao chất lượng tinh trùng và chất lượng trứng được tốt.
Ngay sau khi thụ thai, người mẹ được được khám thai và chăm sóc tốt, cũng như những lời hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sản.
Những bệnh lý có thể loại trừ hẳn nguyên nhân gây ối vỡ non như điều trị dứt điểm nhiễm trùng âm đạo, viêm cổ tử cung. Các bệnh nhiễm trùng qua đường sinh dục phải điều trị tốt. Khâu eo tử cung khi bị hở eo tử cung. Không hút thuốc lá. Dinh dưỡng trong lúc mang thai cần chú trọng, tận dụng các nguồn dinh dưỡng ngay tại địa phương mà người mẹ sinh sống, không nhất thiết phải có những chất dinh dưỡng cao sang tốn kém. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý và chăm sóc vệ sinh thân thể sạch sẽ. Tất cả các yếu tố trên sẽ đẩy lùi các nguy cơ gây ra ối vỡ non.
Những trường hợp dự phòng khả năng không cao trên những người mẹ đa thai, đa ối, ngôi thai bất thường, khung chậu hẹp. Cần thiết có chế độ chăm sóc và điều trị riêng, ngăn cản các yếu tố bất lợi trên những người mẹ bị đa thai, đa ối.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons