Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Dự phòng sớm tiền sản giật

Trong những thập kỷ trước, việc chăm sóc thai phụ chỉ chú trọng vào lúc chuyển dạ sinh, thường rất coi nhẹ trong lúc mang thai. Do vậy, tỉ lệ tử vong mẹ và thai nhi cao.
Ngày nay, mô hình chăm sóc tiền sản đã bước sang một quan điểm hoàn toàn mới. Lần khám thai đầu tiên được các nhà sản khoa khuyến cáo ngay sau khi có sự trễ kinh ở tuần lễ đầu của chu kỳ kinh và nhiều xét nghiệm được sàng lọc tiếp theo đó được áp dụng nhằm nhận diện sớm thai kỳ nguy cơ cao từ đó có thể chẩn đoán sớm hoặc dự phòng sớm các biến chứng này.
Tại sao phải dự phòng sớm tiền sản giật?
Tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa xảy ra trong thời kỳ mang thai và trong lúc chuyển dạ sinh. Đây là biến chứng thường gặp và nghiêm trọng trong thai kỳ. Chúng gây ra bởi tăng huyết áp, tiểu ra đạm và phù, nguyên do sự thiếu máu nuôi dưỡng tử cung nhau, từ đó hậu quả tổn thương hàng loạt các cơ quan mà điển hình gây ra cơn sản giật, tổn thương ở gan, não, phổi, thận, bản thân gây cho thai nhi suy thai trường diễn, suy dinh dưỡng bào thai và thai nhi có thể tử vong. Chúng xuất hiện vào quý 2 và quý 3 của thai kỳ. Quan điểm mới, chuyển sự tập trung tầm soát sớm hơn một bước, sang quý 1 thay vì tầm soát ở giai đoạn đã xảy ra rồi. Dựa vào đánh giá nguy cơ ở tuổi thai 11 - 14 tuần. Nhằm cắt đứt mầm mống gây ra tiền sản giật.
Dự phòng sớm tiền sản giật 1Để dư phòng tiền sản giật, thai phụ cần đi khám định kỳ
Tầm soát sớm tiền sản giật dựa vào những yếu tố nào?
Những thai phụ ở trong nhóm tuổi dưới 20, và trên 34 tuổi, đây làm là nhóm tuổi được xếp vào nhóm nguy cơ. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ cao khác như: thai phụ có tiền căn mang thai trước đó có tiền sản giật, bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, tuyến thượng thận, bệnh lý thận và các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, bệnh lý miễn dịch. Mẹ suy dinh dưỡng, kinh tế khó khăn…
Mô hình tầm soát nhằm phát hiện tiền sản giật được thực hiện như thế nào?
Được thực hiện dựa vào bệnh sử có yếu tố nguy cơ, ghi nhận các thông tin chi tiết, tuổi thai phụ, nghề nghiệp, tiền căn sản khoa, tiền căn nội khoa,  kinh tế gia đình, nơi sinh sống. Chẩn đoán tuổi thai, và tình trạng sức khỏe của thai phụ hiện tại. Bước kế tiếp, cần trao đổi với thai phụ về ý nghĩa và vai trò tầm soát, để giúp cho thai phụ yên tâm và tin tưởng vào xét nghiệm.
Với phương pháp đo áp lực trung bình động mạch tử cung bằng siêu âm Doppler, đo huyết áp động mạch trung bình, khi kết hợp đo thể tích nhau và Doppler động mạch tử cung trong tam cá nguyệt I và sinh hóa máu mẹ (PAPP-A Pregnacy Associate Plasma Protein A)), đặc biệt là yếu tố tăng trưởng bánh nhau. Có thể tầm soát được 96% tiền sản giật phát hiện sớm, tăng huyết áp do thai, nhau bong non và thai chậm phát triển trong tử cung, từ đó có phương cách dự phòng và chế độ chăm sóc thai kỳ chu đáo và chặt chẽ sẽ giảm thiểu tối đa tiền sản giật.
Cách dự phòng sớm
Kết quả tầm soát sàng lọc trên các thai phụ cho kết quả phát hiện sớm tiền sản giật đạt được tỉ lệ cao. Có thể đánh giá việc điều trị dự phòng tiền sản giật, bằng cách sử dụng Aspirin liều thấp 60 - 80mg/ngày và dùng canxi liều cao từ tuần lễ thứ 14 của thai kỳ trở đi giúp dự phòng tốt ngăn cản không xảy ra tiền sản giật. Kết hợp chế độ chăm sóc thai kỳ chu đáo, sự hướng dẫn tận tình của bác sĩ chuyên khoa về chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, chế độ làm việc cũng như việc dùng thuốc trong quá trình mang thai. Điều đó mang lại cho thai phụ niềm tin tưởng, sự vui mừng vì đứa con yếu quý nhất hàng ngày đang lớn dần trong bụng mẹ mà không có bất kỳ mối nguy hiểm nào đến với đứa con của mình.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Tránh hậu quả nặng nề do dị tật

Bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra trước tiên phải được lành lặn và khỏe mạnh rồi mới nói tới chuyện đẹp - xấu. Thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và đáp ứng khát khao chính đáng của các bậc cha mẹ.
Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: hội chứng Down (tam bội thể 13), hội chứng Ewards (tam bội thể 18) và dị tật ống thần kinh…
Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh…
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Tránh hậu quả nặng nề do dị tật 1Siêu âm là một phương pháp để sàng lọc trước sinh

Thực trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh.
Mỗi năm ở VN có khoảng 1.500.000 em bé sinh ra, trong đó có: 1.400 - 1.800 trẻ bị bệnh Down (Trisomy 21); 200 - 250 trẻ bị hội chứng Ewards (Trisomy 18); 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; 300 - 400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh; 15.000 - 30.000 trẻ bị thiếu men G6PD; 200 - 600 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; 2.200 trẻ bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể nặng sinh ra và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Riêng tại TP.HCM, theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ (Trung tâm sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh khu vực phía Nam) giai đoạn từ năm 2007 - 2011, trong 23.408 thai phụ sàng lọc trước sinh, có tới 4.867 trường hợp phải chấm dứt thai kỳ vì phát hiện những bất thường lớn về cấu trúc thai nhi; trong 114.244 trẻ được sàng lọc sơ sinh, có 1.693 trẻ thiếu men G6PD, 19 trẻ suy giáp bẩm sinh.
Vì đâu nên nỗi?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Từ các kết quả nghiên cứu ban đầu ở VN cho thấy: tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh tại VN bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu sau: sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gen, rối loạn chuyển hóa…); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc mọi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước…); mẹ uống thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai: giang mai, rubella, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục…
Hậu quả đau lòng
Trẻ sinh ra không may bị tật nguyền hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Một số dị tật bẩm sinh điển hình như:
Hội chứng Down (thể ba nhiễm sắc thể thứ 21): chiếm tỉ lệ từ 1/600 - 1/800 trẻ sinh sống. Trẻ có khuôn mặt khá điển hình với đầu nhỏ, mặt bẹt, lưỡi thè, mắt xếch, mũi tẹt, cổ ngắn, có thể có biểu hiện yếu cơ, bàn tay rộng và ngắn, ngón tay ngắn. Trẻ mắc bệnh này thường chậm phát triển tâm thần từ nhẹ đến trung bình.
Hội chứng Edwards (thể ba nhiễm sắc thể thứ 18): chiếm tỉ lệ từ 1/600 - 1/800 trẻ sinh ra, dị tật bẩm sinh và chậm phát triển tâm thần nặng; 50% tử vong trong 2 tháng đầu và 90% tử vong trong năm đầu. Nữ gặp nhiều hơn nam 3 - 4 lần. Trẻ sinh ra có trán bé, chỏm nhô, khe mắt hẹp, lỗ tai gắn thấp; cánh tay, bàn tay rất đặc biệt: ngón cái quặp và lòng bàn tay, tâm thần vận động kém phát triển, luôn có dị dạng tim mạch và hay có dị dạng sinh dục tiết niệu…
Tại TP.HCM, bên cạnh Trung tâm sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh khu vực phía Nam (BV. Từ Dũ), để đáp ứng nhu cầu tầm soát tật, bệnh bẩm sinh của người dân thành phố, Sở Y tế tiếp tục đề xuất xây dựng Trung tâm sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh TP.HCM đặt tại BV. Hùng Vương với hệ thống cơ sở, trang thiết bị y tế chuyên sâu, hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ trình độ cao theo tiêu chuẩn trung tâm sàng lọc cấp trung ương.
Hình ảnh một số dị tật bẩm sinh ở trẻ em: tật sứt môi, hở hàm ếch; hội chứng Down; thai vô sọ.
Khuyết tật ống thần kinh: chiếm tỉ lệ 1/1.000 - 1/2.000 trẻ sinh sống: 75% trường hợp thai kỳ chấm dứt do sảy thai hay thai chết lưu; 95% thai phụ không có tiền sử gia đình trước đó. Yếu tố nguy cơ từ mẹ: thiếu hụt acid folic, điều trị thuốc chống loạn thần, đái tháo đường phụ thuộc insulin và béo phì. Dạng phổ biến nhất của khiếm khuyết ống thần kinh là tật hở ống sống, tật vô sọ và thoát vị não - màng não.
Thiếu men G6PD: một bệnh di truyền và có liên quan đến giới tính. Nam có tỉ lệ mắc bệnh gấp đôi nữ. Ở Việt Nam, cứ 1.000 trẻ sinh ra có từ 10 - 20 trẻ bị bệnh thiếu men G6PD.
Suy giáp bẩm sinh: chiếm tỉ lệ 1/3.000 - 1/4.000 trẻ sinh sống, tỉ số nam/nữ = 1/2. Trẻ chậm phát triển trí tuệ không hồi phục, có nguy cơ nhiễm trùng cao, đặc biệt là dễ nhiễm trùng đường hô hấp, biến dạng cơ xương, dễ bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành do luôn tăng cholesterol trong máu.
Tăng sản tuyền thượng thận bẩm sinh: khoảng 1 - 4 tuần đầu sau sinh, trẻ thường có những biểu hiện: nôn ói, tiêu chảy kéo dài, chậm lên cân. Ngay từ lúc mới sinh trẻ đã có biểu hiện phì đại bộ phận sinh dục ngoài một cách bất thường.
Thalassemia: có nhiều thể bệnh, thiếu máu nhẹ, trung bình và nặng. Có những dấu hiệu đặc trưng như: xương trán, xương chẩm dồ ra, xương hầm trên nhô, mũi tẹt. Trẻ bị chậm phát triển thể chất, vận động, tâm thần. Trẻ chết ngay sau sinh nếu ở thể bệnh thiếu máu rất nặng.
Các bước thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh
Để phát hiện và xác định các nguyên nhân gây ra tật, bệnh bẩm sinh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, thai phụ cần đến khám và thực hiện sàng lọc theo hướng dẫn của bác sĩ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản.
Sàng lọc trước sinh:
Trong 3 tháng đầu thai kỳ: siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào lúc tuổi thai từ 11 - 13 tuần 6 ngày và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác.
Trong 3 tháng giữa thai kỳ: thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14 - 21 tuần; siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 - 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương…
Trong 3 tháng cuối thai kỳ: không có chỉ định sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai cần siêu âm trong thai kỳ này để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi và tiên lượng cho cuộc đẻ.
Sàng lọc sơ sinh:
Lấy máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh nhằm phát hiện: suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác.
Việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của gia đình nào mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của xã hội hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.
  
BS.TÔ THỊ KIM HOA

Chuẩn bị vượt cạn

Đến tuần thai thứ 34, người mẹ cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho việc sinh nở, vì chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Những vật dụng cần thiết
Thai phụ cần một giỏ lớn và một giỏ nhỏ. Giỏ lớn chủ yếu chứa những vật dụng cần cho bé, như: áo, tã giấy hoặc tã vải, mũ len hay mũ vải, vớ, giày vải, bao tay, băng rốn, khăn lông nhỏ và khăn lông to mềm dành cho việc quấn bé, hộp giấy vệ sinh ướt, phích đựng nước sôi, bộ quần áo để mẹ mặc khi xuất viện. Còn giỏ nhỏ dành cho mẹ, bao gồm: áo bầu có nút cài phía trước, túi vệ sinh cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, tất), quần lót, băng vệ sinh.
Chuẩn bị vượt cạn 1
 Ngay sau sinh một giờ, bé nên được bú mẹ để tận hưởng sữa non
Giấy tờ cần thiết khi đi sinh bao gồm sổ khám thai, các giấy siêu âm, xét nghiệm, bản sao sổ hộ khẩu để tiện cho việc chứng sinh khi xuất viện, bản chính và hai bản sao chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm (còn hạn sử dụng) kèm hai bản sao.
Những dấu hiệu chuyển dạ
ThS. BS. Ngô Thị Yên (BV. Từ Dũ) tư vấn, khi người phụ nữ mang thai ở tuần lễ từ 38 - 40, những dấu hiệu chuyển dạ sẽ là:
- Đau nặng bụng dưới.
- Hoặc cảm giác những cơn gò tử cung đều đặn (10 phút gò 3 cơn hoặc 5 phút gò 1 cơn).
- Hoặc âm đạo ra nhớt hồng.
Ngoài ra, nếu thấy có những dấu hiệu như: ra nước ối, ra huyết âm đạo, thai máy ít hoặc máy yếu, huyết áp cao, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, phù, bụng gò liên tục…; thai phụ phải tìm đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Cách hít thở khi sinh
Dựa vào tính chất của cơn gò, thai phụ có cách thở tương ứng:
- Hít vào thở ra bằng miệng.
- Điều chỉnh nhịp thở ngày càng nông hơn.
- Lâu lâu hít sâu một lần.
Việc hít thở từ từ sẽ giúp ích cho thai phụ khi tử cung co thắt cao điểm. Nếu có dấu hiệu đau bụng nhiều, ra nước ối, hay cảm giác mắc rặn, thai phụ cần báo cho bác sĩ ngay.
Phương pháp sinh không đau
Đối với tất cả sản phụ có thể sinh thường, cổ tử cung mở chưa quá 6cm, và không có chống chỉ định gây tê, có thể áp dụng phương pháp sinh không đau. Đây là phương pháp dùng kỹ thuật gây tê với mục đích làm giảm cảm giác đau đớn trong lúc chuyển dạ, và sản phụ vẫn còn cảm giác rặn sinh. Kỹ thuật này giúp sản phụ đỡ mất sức khi sinh. Sau sinh, bà mẹ sẽ khỏe hơn rất nhiều so với phương pháp sinh thường truyền thống.
Chăm sóc bé sau sinh
Ngay khi bé được sinh ra, nhân viên y tế sẽ hút nhớt và cắt rốn cho bé. Bé sẽ được tiêm vitamin K1 để phòng ngừa xuất huyết não, vắc-xin viêm gan B. Trong khi bé được chăm sóc, sản phụ vẫn được tiếp tục theo dõi: đo huyết áp, bắt mạch, xoa đáy tử cung, theo dõi lượng máu mất bằng túi đo máu nhằm phát hiện sớm băng huyết sau sinh.
Ngay sau sinh một giờ, bé nên được bú mẹ để tận hưởng sữa non. Sữa non chỉ có ba ngày đầu sau sinh. Sữa non ngoài chất dinh dưỡng, còn có tác dụng bảo vệ cơ thể bé chống nhiễm khuẩn và dị ứng. Bú mẹ sớm sẽ giúp bé bú mẹ tốt hơn sau này. Nếu cho bé bú bình trước khi bú mẹ lần đầu, bé sẽ quen với bú sữa bình, dễ chê sữa mẹ.
Bé còn được lấy máu làm xét nghiệm để sớm phát hiện các bệnh lý bẩm sinh như: suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, và thiếu men G6PD (có thể gây biến chứng vàng da, nặng hơn là các bệnh lý về não, chậm phát triển tâm thần vận động…).
Chế độ ăn cho bà mẹ
Điều các bà mẹ quan tâm nhất là nhiều sữa cho con bú. Chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng. Bà mẹ phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, gồm các nhóm như đường, mỡ, đạm, đặc biệt chú ý đến chất xơ và vitamin bằng cách ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước để có sữa cho em bé bú. Trong chế độ ăn uống, bà mẹ không nên kiêng khem một cách quá mức, nhưng đồng thời cũng đừng ăn mặn quá để tránh việc lên huyết áp cũng như sản giật trong thời kỳ hậu sản. Trong suốt thời kỳ hậu sản, bà mẹ cũng cần phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Sau sinh, bà mẹ có thể vận động và đi lại sớm, không nên nằm yên tại chỗ trên giường để tránh nguy cơ bị thuyên tắc mạch. Bà mẹ có thể tập thể dục một cách nhẹ nhàng, tuy nhiên không nên gắng sức quá. 
PHƯƠNG KHÁNH (ghi)

Vô kinh trong tuổi sinh đẻ và những giải pháp điều trị

Kỳ II: Chẩn đoán và những phương pháp điều trị
Các phương tiện chẩn đoán nguyên nhân vô kinh
Bằng các xét nghiệm tương đối đơn giản, chẩn đoán các nguyên nhân vô kinh: có thai, thiểu năng tuyến giáp, u tuyến yên, không rụng trứng. Theo thứ tự:
Loại trừ trường hợp có thai: bằng siêu âm tử cung và hai phần phụ, định lượng bêta-HCG trong máu. Kết quả, túi thai trong lòng tử cung, lượng bêta-HCG trong máu tăng trên 25 mUI/ml.
Định lượng nồng độ TSH (Thyroid Stimulating Hormone) trong máu: mặc dù, ít gặp người bệnh vô kinh và chảy sữa bị thiểu năng tuyến giáp nhưng xét nghiệm này không đắt tiền và nếu phát hiện được thiểu năng tuyến giáp sớm thì điều trị rất dễ, đơn giản, ít tốn kém nên chúng ta cần thực hiện định lượng TSH một cách thường quy trong chẩn đoán vô kinh.
Định lượng Prolactin (PRL):
Trường hợp PRL cao hoặc nếu có chảy sữa và vô kinh thì chụp X-quang đáy sọ (nhìn từ một bên mặt). Khi hoóc-môn vùng dưới đồi GnRH liên tục kích thích tuyến yên, tuyến yên có thể bị to ra hay bị tăng sản. Trong thiểu năng tuyến giáp nguyên phát, trong các trường hợp suy chức năng buồng trứng sớm, GnRH và gonadotropin - hoóc-môn  tuyến yên (FSH và LH) tăng cao thì X-quang đáy sọ có thể có hình ảnh hố yên giãn rộng, hay bị khuyết. Những trường hợp có hội chứng thiểu năng tuyến giáp nguyên phát và PRL-huyết thanh cao có thể bị vô kinh. 
Vô kinh trong tuổi sinh đẻ và những giải pháp điều trị 1Tiêm progesterone giúp chúng ta biết buồng trứng của người bệnh có tiết đủ estrogen hay không
Thử nghiệm Progesterone (PRG): thử nghiệm này giúp chúng ta biết buồng trứng của người bệnh có tiết đủ Estrogen hay không và đường sinh dục dưới có thông hay không. Chúng ta có thể sử dụng progesterone tiêm bắp, 100mg một lần một ngày hoặc Medroxyprogesterone acetate (MPA) 10mg mỗi viên, uống một viên một ngày trong 5 ngày. Không nên dùng các viên thuốc ngừa thai vì trong đó có estrogen kèm theo. Trong vòng 2 - 7 ngày, nếu người bệnh ra kinh, có đáp ứng với thử nghiệm progesterone, chúng ta biết chắc rằng đường sinh dục của người bệnh thông, nội mạc tử cung đã được kích thích sẵn và đầy đủ bởi một lượng estrogen nội sinh nên đã có phát triển và đã bong ra sau khi được kích thích bằng progesterone tiêm hay uống. Cũng có đôi khi, dù là rất hiếm gặp, progesterone tiêm hay uống có thể gây ra rụng trứng, trong trường hợp này, người bệnh chỉ ra máu khoảng 14 ngày sau khi ngưng tiêm hay uống progesterone.
Nhưng, ra máu như thế nào mới được coi là có hành kinh, có đáp ứng sau thử nghiệm Progesterone? Nếu người bệnh chỉ ra có một vài giọt máu từ trong âm đạo thì coi như không có đáp ứng, còn nếu máu ra thấm ướt được một ít ở băng vệ sinh thì cũng đủ để được xem là có đáp ứng.
Có hai trường hợp người bệnh không đáp ứng với thử nghiệm progesterone mặc dù nội mạc tử cung đã phát triển đầy đủ bởi một lượng estrogen nội sinh đầy đủ. Trong cả hai trường hợp, nội mạc tử cung đều đã bị hóa màng rụng, do đó không bong ra được dưới tác dụng của progesterone tiêm hoặc uống.
Trường hợp thứ nhất là do nồng độ androgen huyết thanh cao trong hội chứng buồng trứng đa nang.
Trường hợp thứ hai là do thiếu bẩm sinh một men của tuyến thượng thận, men 17-hydroxylase,17-20-lyase, gọi tắt là P450c17, có tác dụng biến đổi progesterone thành androstenedione. Trong trường hợp này, người bệnh thường không phát triển đặc điểm giới tính thứ phát vì không có androstenedione, không có estrogen. Ngoài ra, người bệnh còn bị cao huyết áp, kali huyết thấp, progesterone huyết thanh cao.
Những giải pháp điều trị
Phương pháp điều trị tổng quát:
Duy trì một lối sống lành mạnh vì điều này có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt. Tập thể dục đều đặn và vừa sức mỗi ngày. Những phụ nữ không hoạt động thể chất hoặc hoạt động thể chất quá nhiều cũng thường có nguy cơ bị vô kinh. Thực hiện thay đổi chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo số lượng calo được tiêu thụ mỗi ngày từ tất cả các nhóm thực phẩm thiết yếu. Biết cân bằng và dung hòa giữa công việc và gia đình, nghỉ ngơi và giải trí.
Điều trị vô kinh một cách hữu hiệu, dựa theo nguyên nhân gây bệnh:
Trường hợp các nguyên nhân ở tầng 1: các bệnh lý dị tật bẩm sinh, điều trị khó thành công như không có tử cung, tử cung nhi hóa. Trong trường hợp này, có thể dùng thuốc hỗ trợ nội tiết để giúp sự phát triển sinh dục thứ phát, nhưng nhất thiết phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Những trường hợp vách ngăn âm đạo thì cắt bỏ vách ngăn, bít kín màng trinh, rạch tạo lỗ nhỏ cho máu kinh thoát ra. Trên thực tế hay gặp do dính lòng tử cung, nguyên nhân sau nạo phá thai, nạo lòng tử cung nhiều lần sau một nguyên nhân như: polype lòng tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung làm mất đi lớp nội mạc, từ đó khả năng hồi phục nội mạc tử cung mới kém gây ra dính lòng tử cung. Giải pháp, có thể đặt vòng vào lòng tử cung giúp chống dính, đồng thời hỗ trợ thuốc nội tiết sinh dục giúp cho khả năng tái tạo nội mạc được tốt.
Điều trị vô kinh do lao sinh dục cần theo phác đồ điều trị lao, nhất thiết phải tuân thủ thời gian điều trị để có kết quả tốt.
Trong những bệnh lý, teo buồng trứng bẩm sinh, cắt bỏ buồng trứng, điều trị hỗ trợ nội tiết tố nữ. Trường hợp có bệnh lý buồng trứng đa nang, ngoài triệu chứng vô kinh, kinh thưa, than phiền của người bệnh là vô sinh, vì vậy tùy tình trạng bệnh lý, cũng như nhu cầu của người bệnh mà ta có cách điều trị phù hợp. Trường hợp, tạo vòng kinh đều có thể dùng thuốc kháng androgen; trường hợp nhu cầu có con, dùng thuốc kích thích buồng trứng gây rụng trứng và đốt điểm buồng trứng qua nội soi.
Khi làm xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy, PRL-huyết thanh và TSH đều bình thường thì chẩn đoán nguyên nhân vô kinh ở người bệnh có thiếu progesterone do không rụng trứng. Trong trường hợp này, về lâu dài, cần chú ý dự phòng ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư vú do tác dụng liên tục nội tiết tố ngoại sinh, mỗi ngày một ít của estrogen nội sinh mà không có sự đối ứng của progesterone. Nếu người bệnh không cần sinh thêm con, ta chỉ cần cho uống mỗi tháng 12 ngày progesterone như MPA 10mg mỗi ngày, hoặc chúng ta cũng có thể cho người bệnh sử dụng viên thuốc ngừa thai kết hợp.
Vô kinh do u tuyến yên gây tăng prolactin trong máu mà triệu chứng lâm sàng ngoài vô kinh còn kèm theo tiết sữa là do Prolactin bị ức chế tiết FSH, LHnRH theo nhịp làm giảm FSH, LHnRH. Kiểu ức chế trung gian qua hoạt động gây nghiện tăng, điều trị giảm Prolactin sẽ phục hồi chức năng và chu kỳ kinh. Phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng đường trên hay dưới, có kết quả có kinh lại.
Vô kinh gặp trong các bệnh lý toàn thân. Cần thiết điều trị cái gốc của bệnh lý như: bệnh lý suy thận, suy gan, thiếu máu, nhiễm độc… Điều trị nguyên nhân gây ra. Một khi việc điều trị bệnh lý chính, thì việc có kinh trở lại là điều dễ dàng.
Mỗi một nguyên nhân có một phương cách điều trị. Ngoài ra còn kết hợp điều trị các bệnh lý kèm theo, cần đặt mục tiêu nào điều trị ưu tiên để mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho người bệnh. Giải pháp điều trị sẽ dựa vào hệ thống phân tầng để có sự lựa chọn điều trị tốt nhất, kinh tế nhất, an toàn nhất mà người bệnh mong muốn.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Vô kinh trong tuổi sinh đẻ và những giải pháp điều trị

Kỳ I: nguyên nhân gây vô kinh
vô kinh là trường hợp người phụ nữ ở tuổi có khả năng sinh sản nhưng lại không có kinh nguyệt hàng tháng như các phụ nữ khác. đây là một trong những lĩnh vực của nội tiết trong phụ khoa - tương đối khó chẩn đoán và điều trị. nguyên nhân vô kinh thường nằm cùng lúc trong nhiều cơ quan, với nhiều rối loạn đôi khi nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
Trước đây, người ta thường phân biệt vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Tuy nhiên, quan điểm hiện nay, để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị, được phổ biến và chấp nhận rộng rãi thì sự phân biệt vô kinh nguyên phát và thứ phát không còn cần thiết nữa.
Vô kinh trong tuổi sinh đẻ và những giải pháp điều trị 1Chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ mang lại sức khỏe và kinh nguyệt đều đặn cho phụ nữ

Hiện tượng kinh nguyệt bình thường xảy ra như thế nào?
Người phụ nữ từ lúc dậy thì đến khi mãn kinh, có hai hiện tượng quan trọng nhất, diễn tiến theo chu kỳ, đó là chu kỳ buồng trứng và chu kỳ nội mạc tử cung. Mỗi chu kỳ, được quy ước kéo dài từ đầu kỳ kinh này đến ngày đầu của kỳ kinh sau. Chu kỳ buồng trứng bao gồm những thay đổi của noãn ở buồng trứng, dẫn đến phóng noãn (trứng rụng) và tạo lập hoàng thể, có tính chất chu kỳ, xảy ra dưới sự kiểm soát của trục hạ đồi - yên - buồng trứng. Chu kỳ nội mạc tử cung thay đổi theo nhịp hoạt động của buồng trứng, dưới tác động của hoóc-môn sinh dục, estrogen và progesterone là sản phẩm của buồng trứng. Nội mạc tử cung tái tạo và tăng trưởng, phân tiết. Kết quả gây ra hiện tượng hành kinh, một khi trứng rụng mà không có hiện tượng thụ tinh. Do hiện tượng bong tróc của nội mạc tử cung kéo theo sự chảy máu. Hiện tượng hành kinh xảy ra dưới sự kiểm soát của trục hạ đồi - yên - buồng trứng. Những điều kiện để hiện tượng hành kinh bình thường. Đường sinh dục bình thường, thông suốt từ buồng tử cung, kênh cổ tử cung, cổ tử cung, âm đạo, âm hộ. Nội mạc tử cung phát triển bình thường qua giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn phân tiết. Nang noãn buồng trứng phát triển bình thường qua các giai đoạn tăng trưởng, phóng noãn (rụng trứng), thành lập hoàng thể. Tất cả hệ thống các điều kiện bên trên được điều phối bởi một cơ chế sinh học vật lý và hóa học phức tạp, tác động từ những biến đổi nồng độ các hoóc-môn trong mạch máu lên các tế bào ở đích ở tử cung, buồng trứng, tuyến yên, vùng dưới đồi và các trung tâm thần kinh trung ương. Một khi có một bất thường nhỏ sẽ dẫn đến bất thường của chu kỳ kinh và hiện tượng hành kinh.
Vì vậy, hiện tượng vô kinh xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Chúng ta cần tìm hiểu những nguyên nhân thường gặp trong thực tế để có những giải pháp điều trị một cách hữu hiệu và mang lại kết quả tốt cho người bệnh.
Những nguyên nhân gây vô kinh
Hiện nay, khi tìm hiểu nguyên nhân gây vô kinh, các nhà chuyên gia đưa ra cách phân tầng, trong hệ trục hạ đồi - yên - buồng trứng - tử cung như sau:
Tầng 1: tử cung, niêm mạc tử cung, âm đạo.
Tầng 2: buồng trứng. 
Tầng 3:  tuyến yên.
Tầng 4: hạ đồi, hệ thần kinh trung ương.
Khi có rối loạn trong hệ thống sẽ dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh. Từ đó có thể thấy được các bệnh lý riêng của từng tầng.
Tầng 1: rối loạn do tử cung hay đường thoát kinh.
Tầng 2: rối loạn của buồng trứng.
Tầng 3: rối loạn hoạt động tuyến yên.
Tầng 4: rối loạn hệ thần kinh trung ương.
Nguyên nhân vô kinh do bệnh lý tại tử cung, niêm mạc tử cung và đường sinh dục dưới: không có tử cung, tử cung nhi hóa, dính lòng tử cung, âm đạo có vách ngăn, không có âm đạo, bịt tắc màng trinh, lao sinh dục. Nguyên nhân ở tầng 1 này, gặp nhiều nhất là dính lòng tử cung.
Nguyên nhân vô kinh do bệnh lý buồng trứng: teo buồng trứng bẩm sinh, buồng đã bị cắt sau mổ u buồng trứng hay bệnh lý tại buồng trứng, buồng trứng đa nang. Nguyên nhân ở tầng 2, gặp nhiều nhất là buồng trứng đa nang.
Nguyên nhân vô kinh do bệnh lý tuyến yên: u tuyến yên, hội chứng Sheehan (hoại tử tuyến yên gây mất sữa, vô kinh, rụng tóc, suy giáp, suy thượng thận). Nguyên nhân ở tầng 3, thường gặp u lành tuyến yên do tăng Prolactin.
Nguyên nhân vô kinh do hạ đồi do thiếu FSH, LHnRH. Hội chứng Morsier - Kallmann. Đó là chứng không dậy thì, khứu giác giảm, phát hiện bằng cách thử nghiệm nhận biết mùi. Do sai sót khi di trú các neuron chế tiết GnRH, teo hay không có hành khứu (nhìn rõ qua cộng hưởng từ) thực sự do thiếu GnRH nội sinh của vùng dưới đồi.
Vô kinh do rối loạn hoạt động nội tiết: do vùng chỉ huy nội tiết ở trên não bị suy thoái, hoặc do tăng hoạt động quá mức toàn bộ hệ thống hay từng bộ phận làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các bộ phận khác trong hệ thống đó. Do các rối loạn của các tuyến nội tiết khác trong cơ thể như tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng. Nguyên nhân của tầng 4, thường gặp do giảm FSH, LHnRH gặp trong trường hợp căng thẳng, stress, lo âu, mất ngủ kinh niên, có những biến động về tâm thần quá mức như vui, buồn, tang tóc, sợ hãi,  thay đổi môi trường sống.
Ngoài ra vô kinh do các bệnh lý toàn thân: có thể gặp ở người quá gầy yếu do suy dinh dưỡng, do thiếu máu, nhiễm độc, có bệnh gan nặng, bệnh thận mạn tính. Có người bị vô kinh sau khi phải dùng dài ngày các thuốc an thần, thuốc chuyển hóa hoặc thuốc chống ung thư, xạ trị.
Vô kinh trong giai đoạn mang thai và cho con bú.
Kỳ II: Chẩn đoán và những phương pháp điều trị
 BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Có thai, ăn gì để khỏe?

Việc ăn uống của người mẹ là yếu tố quyết định cho sự phát triển của thai nhi, nhau thai, khối lượng máu, sự tạo sữa trong thời kỳ cho con bú và sự lớn lên của trẻ sau khi được sinh ra. Vì vậy, trong thời kỳ có thai,  người mẹ cần được cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng.
Về chế độ ăn uống
Chế độ ăn cần tăng thêm năng lượng: Khi có thai, ngoài nhu cầu năng lượng cho người mẹ còn phải cung cấp năng lượng cho sự phát triển của thai nhi, nhất là thời kỳ 3 tháng cuối (2.550Kcal/ngày), như vậy, năng lượng tăng thêm hơn người bình thường mỗi ngày 350 Kcal (khoảng 1 bát cơm đầy).
Có thai, ăn gì để khỏe? 1Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai.
Bổ sung chất đạm (protein) và chất béo: Ngoài cơm (và các lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp cho việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết, cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng và lạc. Đây là những thức ăn có lượng đạm cao, lại có lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong dầu. Chất đạm động vật đáng chú ý là từ các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc… và có điều kiện nên cố gắng có thêm thịt, trứng, sữa… Nhu cầu chất đạm cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai 3 tháng cuối: 70g/ngày (đạm có chất lượng cao từ thịt, cá, trứng tương đương như sau: 100g thịt lợn, 150g cá hay cua, thêm 100g lạc, 1 quả trứng/ngày là đủ…). Nếu có điều kiện các bà mẹ nên uống bổ sung sữa (400-500ml) tốt nhất sữa bà bầu hoặc sữa đậu nành.
Khi mang thai bà mẹ nên bổ sung DHA, một chất béo không no cần thiết cho sự hoàn thiện hệ thần kinh, đặc biệt là thị giác. Các bà mẹ có thai bổ sung DHA có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé và giúp bé chống chọi với cảm lạnh. DHA có nhiều trong dầu cá, cá và thủy sản. Một số sản phẩm sữa bà bầu hiện nay cũng bổ sung thành phần DHA.
Bổ sung các chất khoáng
Các chất khoáng và vi khoáng là các vi chất chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng.
Canxi: Khi mang thai, bên cạnh nhu cầu canxi bình thường để cho hoạt động của cơ thể và để giúp xương vững chắc, người mẹ cần thêm canxi để cung cấp cho thai nhi tạo ra xương và mầm răng. Cơ thể người mẹ cần một lượng canxi gấp đôi lúc bình thường (nhu cầu 1.000mg/ngày). Thai càng lớn càng đòi hỏi phải cung cấp nhiều canxi. Nếu cơ thể người mẹ không đáp ứng được sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt canxi. Vì thế, trong ăn uống nên chú ý tới các loại thức ăn có nhiều canxi, phospho như tôm, cua, cá, trứng, phomai, sữa, các hạt họ đậu, rau xanh…
Sắt: Khi có thai, người mẹ thiếu máu do thiếu sắt sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu tới thai nhi, có thể gây sảy thai, đẻ non, sinh con có cân nặng sơ sinh thấp và tai biến sản khoa như chảy máu sau sinh. Nguồn sắt từ cơ thể mẹ sẽ truyền sang con, điều này không chỉ tăng cường tốt sức khỏe cho mẹ mà còn là một cách có hiệu quả phòng chống thiếu máu do thiếu sắt cho trẻ em sớm ngay từ thời kỳ bào thai. Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, các loại nhuyễn thể, ngũ cốc, đậu đỗ các loại và vừng, lạc. Sắt do thức ăn cung cấp thường không đáp ứng được nhu cầu sắt gia tăng trong suốt quá trình mang thai. Vì lý do này, bà mẹ có thai cần được uống bổ sung viên sắt theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Kẽm: Kẽm tham gia vào nhiều chuyển hóa quan trọng trong cơ thể. Phụ nữ mang thai cần 10-20mg kẽm mỗi ngày. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, đặc biệt là hải sản. Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và khó hấp thu hơn.
Bổ sung các vitamin
Cần đặc biệt chú ý tới vitamin A, D, B1 và acid folic, các vitamin này cần thiết cho các chức năng chuyển hóa bình thường của cơ thể, đồng thời tham gia vào quá trình xây dựng tế bào và tổ chức, chúng cũng giúp phòng chống táo bón.
Vitamin A: Người phụ nữ có thai cần được đảm bảo đủ vitamin A trong suốt thời kỳ mang thai. Sau khi sinh, người mẹ cần đủ vitamin A để cung cấp vitamin A cho con qua sữa. Sữa, gan, trứng… là nguồn cung cấp vitamin A động vật, dễ dàng được hấp thu và dự trữ trong cơ thể để dùng dần. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ là những thức ăn có nhiều caroten còn gọi là tiền vitamin A, vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.
Vitamin D: vitamin D giúp cho sự hấp thu và chuyển hóa các khoáng chất canxi, phospho. Khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D dễ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ vì chỉ khoảng 20% lượng canxi trong thức ăn  được hấp thu. Nhu cầu vitamin D 200 IU/ngày
Vitamin B1: Vitamin B1 là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. Ngũ cốc và các loại họ đậu là những nguồn vitamin B1 tốt. Để có đủ vitamin B1 nên ăn gạo không xay sát kỹ quá, bị mục, bị mốc, nên ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt nhất bổ sung đủ vitamin B1 cho nhu cầu của cơ thể và chống được bệnh tê phù.
Acid folic (B9): cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai, đặc biệt là trong những tuần lễ đầu tiên. Nếu thiếu có thể gây nên khuyết tật ống thần kinh. Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cần B9 gấp nhiều lần so với lúc bình thường, trong khi đó với dưỡng chất này cơ thể lại không tích trữ được vì vậy cần phải cung cấp đều đặn. Vitamin B9 có nhiều trong các loại rau xanh lá to, màu xanh đậm như: mồng tơi, cải xanh, cải cúc, lạc, hạt dẻ...
Ngoài ra, một số vitamin khác như vitamin C làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ thức ăn góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có nhiều trong quả chín, rau xanh. Vitamin C dễ bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng nên hoa quả chín, nước ép trái cây, rau xanh sẽ là nguồn cung cấp quan trọng.
TS.BS. Cao Thị Hậu

Quan điểm mới trong dự phòng sinh non

Hiện nay có nhiều quan điểm mới trong điều trị, đặc biệt là sự nhấn mạnh trong dự phòng sinh non, làm sao giảm hẳn tỉ lệ sinh non, giúp cho thai nhi được nuôi dưỡng tốt trong bào thai của người mẹ...
Theo thống kê, cứ 100 trẻ sinh ra và sống được thì có đến 12 trẻ là sinh non. Hậu quả sinh non, trẻ phải đối mặt nhiễm trùng, khả năng thích nghi môi trường sống kém vì cơ thể chưa hoàn thiện.  
Nguyên nhân gây ra trẻ sinh non
Trên 50% các trường hợp chuyển dạ sinh non không biết được lý do. Một số yếu tố có thể gây sinh non:
Do thai kỳ: vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng.
Do mẹ: bệnh lý của mẹ như: cao huyết áp, viêm đài bể thận, viêm ruột thừa, tử cung dị dạng, hở eo tử cung, tiền căn sinh non, ăn uống kém dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu, lao động nặng nhọc quá sức. 
Quan điểm mới trong dự phòng sinh non 1
Do nhau: nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau.
Ngoài ra, các yếu tố có thể gây sinh non, như: mẹ quá trẻ hay quá lớn tuổi, thể trạng gầy < 35kg, bệnh răng hàm mặt, viêm âm đạo, siêu âm có độ dài cổ tử cung ngắn < 25mm, tăng số lượng protein fetal fibronectin trong dịch tiết âm đạo.
Những dấu hiệu
Những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ sinh non:
Cơn co bóp tử cung xảy ra từng cơn, đau thắt ở vùng bụng dưới, xương chậu. Âm đạo ra nhớt hồng, ra máu hoặc dịch nhầy cổ tử cung, rò rỉ nước ối. Một số trường hợp lại bị đau thắt lưng, đau lưng, tiêu chảy. Khám cổ tử cung có hiện tượng xóa mở, đo Moritoring sản khóa xuất hiện cơn gò tử cung với cường độ 40 - 60mmHg. Ngày một gia tăng về cơn đau bụng và cường độ đau.
LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC
Sinh non vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong trong giai đoạn chu sinh, sinh non làm cho gia đình và xã hội tốn kém kinh phí điều trị bệnh tật cho trẻ. Progesteron là một biện pháp dự phòng sinh non có hiệu quả. Sử dụng thuốc corticoids ở bà mẹ mang thai có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng dọa sinh non có tuổi thai trên 25 tuần đến 34 tuần thai.
Cách xử trí dấu hiệu sinh non
Khi có một trong các dấu hiệu trên, bà mẹ phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và chữa trị. Tại bệnh viện hoặc điều trị ngoại trú, cần phải nằm nghỉ tại giường tuyệt đối để tử cung bớt gò. Dùng những loại thuốc để giảm cơn gò tử cung, có thể có dùng thêm thuốc giúp kích thích trưởng thành phổi thai.
Dự phòng ra sao?
Loại trừ tất cả các nguyên nhân và các yếu tố gây sinh non, đó là quan điểm tốt nhất. Nhưng thực tế một số các nguyên nhân của bệnh lý này là hậu quả gây ra nguyên nhân bệnh lý khác, như: viêm cổ tử cung, viêm âm đạo là nguyên nhân gây ra vỡ ối non, do vậy phải điều trị viêm âm đạo trước thời gian có thai và trong lúc đang mang thai, có như vậy mới dự phòng được không để xảy ra ối vỡ non. Trường hợp hở eo tử cung gây sinh non, vì vậy phải khâu eo tử cung. Cơ thể mẹ gầy, nhẹ cân, cần có chế độ dinh dưỡng tốt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh các công việc nặng nhọc, công việc nguy hiểm, hoặc tránh môi trường độc hại. Vệ sinh răng miệng, chữa trị khỏi các bệnh nha chu. Không nên có thai sớm ở tuổi < 18 hoặc quá trễ > 35...
Hiện nay, một số trường hợp sinh non vẫn không tìm ra được nguyên nhân. Vấn đề làm sao cắt được cơn go tử cung, càng sớm càng tốt vì đây là triệu chứng chính thúc đẩy đến sinh non. Progesteron là một nội tiết tố có tác dụng điều hòa hoạt động co bóp cơ tử cung, giảm tổng hợp prostaglandin các cytokine ở màng nhau thai, giảm hiện tượng viêm và tiêu hủy mô đệm ở cổ tử cung và giảm tần số co của cơ tử cung. Chính nhờ vai trò này mà hiện nay Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng progesteron cho những bà mẹ mang thai có cổ tử cung ngắn, có tiền sử sinh non, và các yếu tố nguy cơ. Liều sử dụng sẽ tùy thuộc vào tuổi thai và chỉ định của bác sĩ sản khoa, cũng như đường dùng thuốc.
 BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Ung thư vú và thai nghén: Những điều cần biết

Tôi đang chuẩn bị điều trị ung thư vú thì lại phát hiện có thai, có nên giữ thai khi tôi đã 36 tuổi và đang mong có con đầu?  Đó là một trong số nhiều câu hỏi bạn đọc gửi về tòa soạn báo SK&ĐS. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, chúng tôi giới thiệu bài viết của BS. Hồng Ánh.
Ung thư vú khi đang có thai không quá hiếm nhưng ngày càng gặp nhiều hơn ở phụ nữ có tuổi mới mang thai và sinh đẻ. Về phương diện y học, các liệu pháp điều trị đã được chuẩn hóa nhưng chưa đủ các nghiên cứu và đánh giá về mặt cảm xúc đối với những trường hợp còn khá phức tạp này.  
Ung thư vú và thai nghén:  Những điều cần biết 1
Chiến lược đặt ra với ung thư vú ở phụ nữ có thai phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn nào của thai nghén: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối?
Chữa ung thư vú khi mang thai như thế nào? Tỷ lệ chẩn đoán ung thư vú khi mang thai ở Pháp khoảng 200 - 300 trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên, ngày nay tuổi phụ nữ sinh con lần đầu đã cao hơn và việc quản lý ung thư khi đang mang thai cũng đã có chất lượng hơn.
Thai nghén không làm khó cho việc điều trị, với ung thư vú, ngày nay tiên lượng không có gì khác giữa phụ nữ có thai và không có thai. Điều này liên quan đến biểu hiện ban đầu: đó là loại ung thư của phụ nữ trẻ, nói chung xâm lấn hơn và chẩn đoán thường hơi chậm vì không ở trong môi trường phát hiện mà trong lúc sinh đẻ. Việc điều trị do thầy thuốc chuyên khoa ung thư và thầy thuốc phụ khoa cùng xây dựng và dựa trên giai đoạn mang thai, thể ung thư và kích thước khối u. Rất nhiều khi phải chỉ định hóa liệu pháp nhưng không phải thực hiện giống nhau mà theo từng giai đoạn. Thầy thuốc phải chấp nhận liệu pháp này với điều kiện phải theo dõi sát thai nghén.  
Nói một cách giản lược, điều trị ung thư vú ở 3 tháng đầu của thai nghén khác hẳn với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Trong trường hợp phát hiện ung thư vú khi mới có thai thì vấn đề đình chỉ thai nghén được đặt ra. Việc này có thể trở nên cần thiết nếu như cần phải chỉ định khẩn cấp hóa liệu pháp, chỉ định này có thể làm cho phôi thai bị nhiễm độc vì đang ở giai đoạn tạo thành các cơ quan và tỷ lệ dị dạng bẩm sinh cao. Nếu người mẹ vẫn muốn giữ thai thì có 2 lựa chọn: 1) Chờ đến khi thai đã ở 3 tháng giữa (ngoài 12 tuần thai nghén) mới bắt đầu dùng hóa liệu pháp.  2) Tạm thời bằng lòng với can thiệp ngoại khoa và chờ khi đẻ xong thì bắt đầu điều trị bổ sung. Khi đã ở giai đoạn giữa của thai nghén (ít nhất đã 4 tháng) thì thầy thuốc có thể yên tâm hơn vì đã có thể chỉ định hóa liệu pháp truyền thống. Ở 3 tháng cuối cũng vậy. Điều đáng ngạc nhiên là phụ nữ mang thai bị ung thư vú dung nạp liệu pháp hormon tốt hơn nhiều, không bị nôn, trạng thái sức khỏe tổng thể vẫn ít thay đổi. Hóa liệu pháp nên ngừng trước khi sinh 2-3 tuần và sau khi sinh 2-3 tuần mới lại tiếp tục. Ngày nay, gần như không cần phải làm cho cuộc đẻ diễn ra sớm, chỉ cần thai nghén đã vượt qua tuần 37 hay 38 kể từ khi mất kinh.
Phát hiện ung thư vú khi có thai? Khối u vú thường có thể phát hiện trên lâm sàng. Ngay từ lần khám thai đầu tiên đã có thể phát hiện thấy một u nhỏ và được xác định bằng chẩn đoán hình ảnh và chọc thăm dò. Không có kỹ thuật phát hiện có giá trị nào ở hoàn cảnh này. Nên thực hiện khám vú có hệ thống ngay từ khởi đầu của thai nghén, nếu cần thiết thì thêm cả siêu âm chẩn đoán.
Ung thư vú và thai nghén:  Những điều cần biết 2
Kiểm tra, chẩn đoán ung thư vú

Thuốc điều trị ung thư vú có độc hại cho thai? Bao giờ cũng cần lo ngại về mọi thứ thuốc dùng trong khi đang mang thai, chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của hóa liệu pháp đến thai và trẻ sơ sinh. Vì vậy, các thầy thuốc đã sử dụng phương pháp hồi cứu để tiếp cận với những nguy cơ và lợi ích. Kết quả bước đầu cho thấy: Không có những vấn đề nghiêm trọng xét trong thời gian ngắn, chỉ có những tác dụng tạm thời đến tình trạng máu ở trẻ sơ sinh, chưa có nghiên cứu dài hạn ở những trẻ này và cần có nghiên cứu dài hơi hơn với những trẻ bị tác động của thuốc khi còn trong tử cung. Tất nhiên sẽ tốn kém, khó khăn nhưng khả thi. Hiện cũng chưa có nhiều thông tin về taxane như là hóa liệu pháp khi có thai và cơ chế tác dụng, chưa rõ thuốc có vô hại với thai không cho nên không dùng cho phụ nữ mang thai. Với nhiều liệu pháp khác cũng vậy (herceptin, dùng kháng thể). Số lượng bệnh nhân ít cũng gây khó khăn cho nghiên cứu.     
Trạng thái tâm lý khi ung thư vú kết hợp với thai nghén: Lo lắng làm cho cuộc sống bản thân nhưng mong muốn đem lại cuộc sống cho con là sức mạnh lớn với người bệnh, có ý nghĩa như một sự nâng đỡ tâm lý. Người bệnh quan tâm đến sự phát triển của con hơn cả bệnh của mình. Đôi khi cần phải đình chỉ thai nghén vì lý do liên quan đến ung thư thì đó là một khó khăn lớn về mặt tâm lý với cặp vợ chồng. Ngược lại cũng có một số người bệnh không lựa chọn giữ thai trong khi chính thầy thuốc lại không thấy có vấn đề gì. Sau đẻ cũng là một thách thức vì mẹ phải tiếp tục điều trị nên không thể cho con bú và một số bà mẹ có cảm tưởng như đã tước đoạt tuổi thơ đầu tiên của con họ.       
BS. Hồng Ánh

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons