Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Vì sao nhóm máu Rh âm nguy hiểm cho thai?

Nếu người mẹ có Rh âm (Rh -) kết hợp với người cha cũng có Rh âm thì khi thụ thai, em bé sẽ không có vấn đề gì. Em bé cũng sẽ có nhóm máu có Rh âm nên không có việc sản xuất kháng thể... Vấn đề phát sinh khi một người mẹ có nhóm máu Rh âm nhưng mang thai đứa con có nhóm máu Rh dương (Rh +).
Khi người mẹ có Rh âm tiếp xúc với máu của đứa con có Rh dương, người mẹ có khả năng sẽ có phản ứng miễn dịch nên người mẹ mang thai em bé tiếp theo có Rh dương thì các kháng thể anti-D có sẵn này sẽ đi qua nhau thai và tấn công các tế bào hồng cầu của em bé gây ra bệnh tán huyết. Để phòng ngừa cho lần có thai sau, các bà mẹ có Rh âm sẽ được tiêm kháng thể anti-D trong vòng 72 giờ sau khi sinh em bé. Nó sẽ giúp ngăn cản cơ thể người mẹ sản xuất kháng thể kháng Rh dương có khả năng gây ra các vấn đề cho những lần mang thai tiếp theo. Tuy nhiên, với các bà mẹ có Rh âm thì việc xét nghiệm máu để xác định mức độ kháng thể anti-D sẽ được thực hiện định kỳ trong suốt các thai kỳ tiếp theo. Để tránh nguy hiểm cho em bé, mọi phụ nữ khi mang thai trong lần khám thai đầu cần kiểm tra nhóm máu. Nếu người mẹ có nhóm máu Rh âm, điều này sẽ được ghi vào hồ sơ và sau đó, vào khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ sẽ được xét nghiệm máu lại để xem đã có kháng thể hay chưa. Cũng cần nói thêm, nếu bà mẹ trước đó có nạo hút thai, sẩy thai thì cơ thể mẹ cũng có kháng thể kháng RH dương.
Hiện tại, bạn mang thai lần đầu, nếu trước đó chưa nạo hút thì em bé chưa có vấn đề gì cho đến khi sinh. Tuy nhiên, bạn cần đăng ký sinh ở bệnh viện sản để khi sinh bé bị huyết tán (vàng da) sẽ được điều trị ngay và  trong 72 giờ sau sinh bạn cần được tiêm kháng thể anti-D để phòng cho lần có thai sau.

Những thay đổi của "vòng 1" khi bạn 20, 30, 40 tuổi

Sẵn sàng làm quen với những thay đổi ấy chính là bước đầu tiên để bạn tìm ra cách chăm sóc "vòng 1" của mình tốt hơn.
Khi bạn 20 tuổi...
Trong thời kỳ này, sẽ có hàng ngàn lý do khiến kích thước ngực của bạn thay đổi. Trước hết, kích thước ngực sẽ thay đổi theo cân nặng. Có thể, ngực bạn sẽ to hơn – nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng – vì có thể do bạn tăng cân .
Ngoài ra, mang thai cũng khiến ngực bạn thay đổi kích thước – đó là khi bạn tăng cân và chuẩn bị cho con bú. Sau thời kỳ cho con bú, ngực bạn có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn trước khi mang thai. Mang thai cũng co thể làm cho quầng vú của bạn thẫm hơn và làm núm vú rộng hơn.
Ở độ tuổi 20, một số chị em gặp phải tình trạng thay đổi Fibrocystic - hiện tượng phổ biến với sự xuất hiện của các khối u lành tính ở một hoặc hai vú. Đó là bởi vì, trong độ tuổi này, phụ nữ đang có những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, nghĩa là có sự khác nhau trong kích thích tố như estrogen . Sự xuất hiện của các u, cục sưng trên ngực bạn có thể hoàn toàn bình thường. Vì vậy, nếu bạn thấy ngực mình bị sưng với một số u cục hơi đau, thì đó có thể là dấu hiệu cho sự thay đổi fibrocystic chứ không hẳn là điều gì bất thường (u liên quan đến ung thư thường không đau). Tuy nhiên nếu bạn thấy có thay đổi lớn nào đáng ngờ thì bạn cũng cần đến bác sĩ kiểm tra.
Những thay đổi của vòng 1 khi bạn 20, 30, 40 tuổi 1
Cũng giống như các bộ khác trên cơ thể, "vòng 1" bạn sẽ từng bước thay đổi theo tuổi tác. Ảnh minh họa
Khi bạn 30 tuổi...
Sau khi đã có vài đứa con, lớp da trên ngực bạn không còn căng đều như xưa nữa mà có thể bắt đầu trở nên nhăn nheo hoặc rạn da, bởi quá trình lấy lại cân nặng của bạn sau khi sinh.
Bạn tăng cân khi mang thai, sau đó giảm cân, chính quá trình này khiến cho lớp da trên ngực bạn không được như trước nữa. Nó có thể xuất hiện nhưng nếp nhăn và rạn, điều này là hoàn toàn bình thường. Ở độ tuổi này, làn da của bạn không còn sự đàn hồi như ở độ tuổi 20 nên khả năng lấy lại sự căng mọng của làn da cũng giảm đi, da có xu hướng nhăn nheo hơn.
Khi bạn 40 tuổi...
Trong độ tuổi này, thời kỳ mãn kinh sẽ làm cho ngực bạn thay đổi nhiều hơn khi buồng trứng bắt đầu sản xuất ra ít estrogen hơn. Tại thời điểm này, ngực của bạn sẽ trải qua quá trình gọi là co hồi – đó là khi các mô vú được thay thế bằng mỡ, mềm mại hơn, do đó, bạn sẽ cảm thấy ngực bạn không còn độ săn chắc như trước.
Sự co hồi không xảy ra đồng đều, vì vậy bạn sẽ cảm thấy ngực bạn có chỗ mềm hơn, hoặc nó cũng có thể làm xuất hiện những u cục trên ngực. Nếu đó là những cục u mềm thì bạn không cần phải lo lắng, nhưng nếu đó là những cục u rắn thì bạn nên đi kiểm tra.
Dù bạn có mang thai hay giảm cân hay không, thì khi bạn đến độ tuổi này, bạn cũng có nguy cơ cao bị sa vú. Tức là tính đàn hồi của ngực bị giảm bởi collagen ngăn ngừa tình trạng sa, sụt – đã bắt đầu giảm. Đây cũng là lúc mật độ vú của bạn giảm xuống. Đó là lý do vì sao nên chụp quang tuyến vú sau tuổi 40, vì các bác sĩ có thể kiểm tra được mật độ vú giảm như thế nào.

Chăm sóc khi mang thai như thế nào?

Khám thai
Ở nước ta hiện nay Bộ Y tế quy định trong một kỳ thai nghén bình thường tối thiếu phải khám cho bà mẹ 3 lần.
Lần khám thứ nhất khi có thai trong ba tháng đầu nhằm mục đích: xác định đúng có thai; phát hiện các bệnh lý của người mẹ.
Lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa để xem thai có phát triển bình thường không; cơ thể người mẹ có thích nghi tốt với thai nghén hay không và tiêm phòng uốn ván mũi thứ nhất.
Chăm sóc khi mang thai như thế nào?
Bà mẹ mang thai cần khám ít nhất 3 lần trong quá trình thai nghén.
Lần khám thứ 3 vào 3 tháng cuối để xem thai có thuận không, phát triển có bình thường không; bà mẹ có nguy cơ gì do thai nghén 3 tháng cuối gây ra không; tiêm mũi uốn ván thứ hai; dự kiến ngày sinh và quyết định để người mẹ đẻ tại tuyến cơ sở hay chuyển tuyến.
Ngoài ba lần khám theo quy định kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt… để phát hiện những trường hợp thai nghén nguy cơ cao, thai nghén bất thường để chuyển tuyến kịp thời.
Trong trường hợp có chỉ định thì cần sàng lọc để phát hiện đái tháo đường trong thời kỳ có thai ở tuần thai thứ 24 nếu có những yếu tố nguy cơ (béo phì, tiền sử gia đình); nhiễm độc thai nghén…
Khám thai và lập phiếu theo dõi thai là biện pháp đảm bảo cho người phụ nữ có một kỳ thai nghén và sinh đẻ an toàn cho cả mẹ và con.
Chăm sóc thai nghén
Thai nghén là một hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ. Trong khi có thai sức đề kháng của người phụ nữ bị giảm sút, vì thế rất dễ bị nhiễm khuẩn, các bệnh lý mạn tính dễ tái phát và nặng lên khi có thai. Chăm sóc thai nghén đóng một vai trò quan trọng việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Vệ sinh cá nhân
Nên tắm rửa hàng ngày, mùa đông nên tắm nước ấm, không nên ngâm mình trong nước bẩn, tránh viêm nhiễm đường sinh dục, chú ý vệ sinh âm hộ. Nên lau rửa đầu vú mỗi ngày, nếu đầu vú lõm vào trong có thể dùng dầu vaselin thoa và kéo núm vú ra ngoài. Nên mặc quần áo rộng rãi, mềm mại thoáng mát. Mùa đông phải mặc đủ ấm, không đi giày dép cao gót. Tránh tiếp xúc với người bị ốm, đặc biệt là người mắc các bệnh truyền nhiễm như lao, cảm cúm…
Chế độ dinh dưỡng
Không có một chế độ ăn chuẩn cho phụ nữ khi mang thai, bởi với mỗi người thiếu cân hoặc thừa cân cần có một chế độ dinh dưỡng khác nhau. Với phụ nữ thiếu cân cần tăng cân, và những phụ nữ thừa cân so với các chỉ số ở người phụ nữ cân nặng bình thường cần giảm cân. Đối với phụ nữ có chế độ ăn phù hợp trước khi mang thai, chỉ cần tăng cường 300kcal mỗi ngày trong giai đoạn mang thai.
Acid folic: thông thường những phụ nữ có khả năng có thai nên tiêu thụ ít nhất 0,4mg acid folic/ngày từ bữa ăn thường hoặc thức ăn bổ sung. Những bà mẹ có tiền sử thai nghén bị ảnh hưởng bởi những dị tật ống thần kinh cần bổ sung 4 mg acid folic trong 1 tháng trước khi có thai và tiếp tục trong suốt 3 tháng đầu của quá trình mang thai.
Sử dụng các loại vitamin tổng hợp: việc sử dụng vitamin tổng hợp hàng ngày hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau, mặc dù cho tới nay hầu như chưa có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng này có thể gây nguy cơ nghiêm trọng cho người dùng. Các bà mẹ nên tránh sử dụng liều lượng vitamin cao hơn mức cho phép trong quá trình mang thai. Riêng việc sử dụng vitamin A với liều cao (trên 15.000 IU/ngày) có liên quan tới việc tăng nguy cơ gây các dị dạng cho thai nhi.
Năng lượng (calo) đưa vào cơ thể: tổng năng lượng đưa vào cơ thể là một yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cân nặng khi sinh. Phụ nữ khi mang thai cần bổ sung thêm 300kcal/ngày.
Protein: ước lượng nhu cầu protein hàng ngày đối với phụ nữ trong khi mang thai là 60g. Những nguồn protein có lợi bao gồm protein thực vật, thịt nạc (gà, cá) và các thực phẩm ít chất béo.
Các acid béo: các acid béo thuộc nhóm omega-3 có trong các củ, quả, cá nhiều chất béo, và một số dầu thực vật (ví dụ: dầu đậu nành) góp phần tăng cường sự phát triển thần kinh và thị giác ở thai nhi và có thể giúp phòng nguy cơ đẻ non cũng như trẻ thiếu cân khi sinh. Các acid béo đồng phân dạng trans (trans fatty acids) có trong các sản phẩm nướng, bơ thực vật, dầu mỡ có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở người lớn và có thể giảm cân trẻ sơ sinh cũng như vòng đầu của trẻ. Vì vậy nên tránh dùng những thực phẩm này.
Natri không nên hạn chế trong quá trình mang thai, tuy nhiên việc dùng quá liều lượng cho phép cũng nên tránh, chủ yếu qua việc tránh dùng nhiều các thức ăn đã được chế biến.
Sắt: quá trình loãng máu sinh lý trong quá trình mang thai giảm nồng độ hemoglobin. Theo khuyến cáo của Viện Y học, tất cả các phụ nữ khi mang thai cần bổ sung 30 mg sắt hàng ngày trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén. Nếu phát hiện thiếu máu thiếu sắt, người phụ nữ cần bổ sung 60-120 mg sắt hàng ngày. Những phụ nữ đang sử dụng sắt với liều điều trị cũng cần bổ sung vào thức ăn hàng ngày 15mg kẽm và 2mg đồng. Những thức ăn giàu chất sắt bao gồm các loại thịt gà, cá, cây họ đậu, rau xanh có lá, và bánh mỳ hạt hoặc ngũ cốc.
Can-xi: lượng can xi cần cho phụ nữ có thai thuộc nhóm tuổi 19-50 là 1000mg canxi/ngày và 1300 mg/ngày cho nhóm phụ nữ có thai dưới 18 tuổi. Việc bổ sung này có thể được thực hiện thông qua một số chế độ ăn nhất định, trong khi một số chế độ ăn khác cần phải bổ sung thêm. Những thức ăn giàu canxi bao gồm cá hộp có xương, các hạt thuộc họ vừng, đậu phụ và các thức ăn hàng ngày khác.
Thuốc: Nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc vì phần lớn đều chuyển sang thai nhi qua nhau thai. Nếu cần dùng phải có ý kiến của bác sĩ. Tiêm phòng uốn ván 2 mũi cách nhau 4 tuần và mũi cuối cùng cách ngày sinh dự đoán 4 tuần.
Vận động và nghỉ ngơi: Phụ nữ mang thai bình thường không cần phải từ bỏ công việc. Họ có thể lao động bình thường hàng ngày, trừ trường hợp dọa đẻ non. Không có bằng chứng nào cho thấy việc lao động thể chất làm tăng nguy cơ sẩy thai trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén. Tuy nhiên, cần lao động phù hợp với sức khỏe, tránh lao động nặng, quá sức. Không nên đi xa (nhất là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối) dù với phương tiện gì. Có thể tập thể dục nhẹ nhàng, tập thở sâu, đi bộ; giữ cuộc sống thoải mái về tinh thần, chuẩn bị tâm lý cho cuộc đẻ.
Sinh hoạt tình dục: Phụ nữ khi có thai cần được tư vấn rõ ràng sinh hoạt tình dục không hề gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai. Trường hợp rau tiền đạo, hoặc có tiền sử đẻ non nên tránh quan hệ tình dục.

BS.CKII. Bạch Anh Dũng

4 vitamin và khoáng chất quan trọng cho “bà bầu”

Cùng với nhu cầu về năng lượng thì nhu cầu về vitamin và khoáng chất cũng tăng lên ở bà mẹ mang thai, giúp cho sự phát triển bình thường của cả mẹ và con. 4 vitamin và khoáng chất sau đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong giai đoạn này.
Acid folic
Acid folic (hay còn gọi là folat) là chất rất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào và cần cho sự hình thành của tế bào máu. Nhu cầu acid folic ở người trưởng thành khoảng 180-200 mcg/ngày, trong khi mang thai cần tới 400 mcg/ngày để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng trong quá trình mang thai. Đó là sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào (cần cho tổng hợp nhân tế bào và protein), sự hình thành nhau thai, số lượng tế bào hồng cầu gia tăng, sự tăng trưởng của bào thai và tăng thải folat qua nước tiểu.
4 vitamin và khoáng chất quan trọng cho “bà bầu”
Acidfolic giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh.
Folate có tầm quan trọng trong việc ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh (NTDs). Đây là một nhóm các bất thường khi sinh có liên quan đến cột sống, xương sọ và não, với sự phổ biến nhất là hiện tượng nứt đốt sống và thiếu não (vô sọ, thoát vị não). Với nứt đốt sống, cột sống thai nhi không đóng (mà thường xảy ra ở 21-28 ngày sau khi thụ thai) và kết quả là, tủy sống không được bảo vệ.
Như vậy, hậu quả của sự thiếu acid folic trong giai đoạn sớm của thai kỳ sẽ gây ra sự phân chia tế bào không bình thường, không chỉ gây các khuyết tật về ống thần kinh mà còn gây ra các dị tật khác như hở hàm ếch, hội chứng Down, gây sẩy thai… Khoảng 50-70% các trường hợp dị tật ống thần kinh có thể phòng tránh được nếu phụ nữ mang thai sử dụng acid folic trong khoảng thời gian trước khi thụ thai đến 4 tuần sau khi thụ thai.
Axit folic/folate là một trong những vitamin nhóm B. Nó được tìm thấy trong các loại rau khác nhau (đặc biệt là rau có màu xanh đậm), chẳng hạn như rau bina, măng tây, cải bruxen, xà lách romaine, bơ, đậu bắp, bông cải xanh, và cũng có trong các loại hạt, các sản phẩm sữa, thịt gia cầm, chuối, dưa hấu, trứng, hải sản, đậu và đậu Hà Lan… Phụ nữ mang thai nên ăn thức ăn có chứa nhiều loại vitamin này. Tuy nhiên, bên cạnh đó phụ nữ mang thai thường được khuyên bổ sung thêm acid folic (bằng thuốc) hàng ngày.
Sắt
Ở thời kỳ mang thai nhu cầu sắt cũng tăng cao để đáp ứng với sự phát triển bào thai trong tiến trình thai nghén và tránh nguy cơ mất máu lúc chuyển dạ. Trong giai đoạn thai kỳ, thể tích máu ở người mẹ tăng lên, cơ thể của người mẹ cần bổ sung chất sắt để tạo ra hemoglobin, một phần của các tế bào máu đỏ giúp mang oxy đến nuôi dưỡng thai nhi. Sự thiếu hụt chất sắt có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là thiếu máu thiếu sắt. Ở phụ nữ mang thai, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 50% phụ nữ mang thai trên thế giới bị thiếu máu.
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con, làm tăng nguy cơ tử vong đối với thai nhi như nguy cơ sinh non, sảy thai, thai chết lưu, chậm phát triển bào thai trong tử cung hoặc con nhẹ cân. Thiếu máu thiếu sắt được xem là liên quan đến ¼ trường hợp tử vong mẹ có liên quan đến thai sản, làm gia tăng các tai biến sản khoa nhất là tai biến do xuất huyết sau sinh.
Vì vậy, cần bổ sung sắt trong thời kỳ này. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như rau muống, thịt nạc và cá biển… và bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên cần lưu ý, các tác dụng phụ thường thấy với việc bổ sung sắt có thể bao gồm buồn nôn, nôn, táo bón và tiêu chảy. Khi bổ sung sắt, một số thuốc có khả năng ức chế hấp thu sắt khi dùng đồng thời. Ví dụ như canxi chẳng hạn, nó có thể gây trở ngại cho sự hấp thu sắt. Trong khi đó canxi cũng là chất bổ sung quan trọng trong quá trình mang thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai có thể khắc phục điều này bằng cách tách biệt lượng canxi và sắt không uống cùng một thời điểm (nên uống canxi và sắt cách xa nhau). Tốt nhất nên uống canxi vào buổi sáng và uống sắt vào buổi chiều. Khi uống viên sắt cũng không nên ăn ngay các thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm sữa (để tránh sự tương tác làm mất tác dụng của sắt).
Hơn nữa, có đến 50% phụ nữ cũng có thể trải nghiệm trào ngược dạ dày (GERD) trong khi mang thai và đôi khi cần phải dùng đến các thuốc kháng axít hay các loại thuốc khác dùng để điều trị tình trạng này, và do các thuốc này có thể thể tương tác với sự hấp thu sắt, nên khi uống cũng cần phải lưu ý.
Canxi
Canxi có vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và răng của trẻ. Vì vậy, trong thai kỳ cần bổ sung canxi để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phát triển của thai nhi. Nếu không được bổ sung đầy đủ, thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương. Người mẹ. có thể bị đau mỏi xương khớp, chuột rút, trường hợp nặng có thể co giật do hạ canxi máu. Thiếu canxi, thai nhi sẽ phải lấy canxi từ cơ thể người mẹ (hệ lụy sẽ gây loãng xương sau này ở người phụ nữ).
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng (nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam) thì, đối với phụ nữ có thai (trong suốt thời kỳ mang thai) cần 1200mg canxi/ngày. Như vậy, ngoài việc ăn tăng cường câc thực phẩm giàu canxi như đồ biển, bơ, phomat… thì có thể thực hiện bổ sung canxi thông qua các loại dược phẩm (thuốc có chứa calcium) theo sự chỉ định của bác sĩ. Vì, nếu tự ý bổ sung, uống nhiều gây thừa canxi sẽ gây hại. Đối với thai nhi, có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời, thóp bị kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khi mẹ bị thừa canxi, bánh nhau sẽ bị tăng độ canxi hóa, làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, làm thai kém phát triển. Người mẹ sẽ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, tăng dấu hiệu khát, chán ăn, mệt mỏi, tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận…
Vitamin D
Cùng với việc bổ sung canxi, thì việc bổ sung vitamin D cũng rất quan trọng. Đây là chất rất cần thiết cho sự hấp thu canxi và phosphor, góp phần vào cấu tạo xương. Viamin D trong cơ thể em bé được cung cấp từ cơ thể mẹ. Nếu người mẹ không đủ vitamin D, nghĩa là em bé sẽ bị thiếu hụt dưỡng chất này.
Thiếu vitamin D, canxi sẽ khó hấp thu dẫn tới hậu quả như trẻ bị còi xương ngay từ trong bụng mẹ hoặc đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền, bào thai suy yếu. Nếu thiếu quá nhiều vitamin D có thể gây dị tật bẩm sinh, gây nhuyễn xương, co giật do hạ calci máu, loãng xương ở mẹ.
Nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể (80%) là do sự tổng hợp trong da dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên có thời gian hoạt động ngoài trời càng nhiều càng tốt và nên ăn các thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D là gan cá, trứng, bơ sữa, các loại cá béo, thực phẩm có tăng cường vitamin D (như sữa). Việc bổ sung vitamin D bằng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ.

DS. Hoàng Thu Thủy

Các bệnh tuyến vú lành tính

Kể từ thời điểm phát triển đến khi mang thai và mãn kinh vú của người phụ nữ thay đổi liên tục. Nhiều thay đổi lành tính của vú có thể cần phải điều trị hoặc không. Tuy nhiên cũng không nên quá chủ quan khi thấy bất kỳ một thay đổi nào khác trên vú mà không có sự tư vấn hay thăm khám của các chuyên gia sản phụ khoa.
Bất kỳ khối u nào trong vú cũng gây ra sự lo lắng cho người phụ nữ, nhưng không có nghĩa là tất cả các khối u là ung thư. Các biến đổi lành tính của tuyến vú là rất phổ biến.
Bệnh lý này thường phát sinh từ các thành phần cấu tạo nên vú: biểu mô ống dẫn sữa, hoặc ở mô liên kết và mô mỡ. Có thể phân loại các bệnh lý lành tính tuyến vú làm 4 nhóm: Nhóm bệnh bẩm sinh hay phát triển bất thường của tuyến vú: tật thiếu núm vú, phì đại tuyến vú... Nhóm bệnh do nguyên nhân chấn thương và viêm nhiễm: Áp xe vú, lao tuyến vú, hoại tử mỡ .... Nhóm bệnh liên quan đến các ống tuyến sữa: Xơ nang tuyến vú, nang vú, u nhú trong ống dẫn sữa, giãn ống tuyến sữa... Nhóm bệnh liên quan đến tổ chức liên kết của tuyến vú: u xơ tuyến, u mỡ, u bạch huyết…Trong bài viết này chúng tôi xin nêu ra một số bệnh tuyến vú lành tính thường gặp.
Các bệnh tuyến vú lành tính
Tuyến vú.
Xơ nang tuyến vú
Đây là dạng bệnh lý phụ thuộc hormon, hay gặp ở giữa lứa tuổi 30 - 50. Các triệu chứng mất đi sau mãn kinh. Nguyên nhân là do mất cân bằng nội tiết giữa estrogen và progesteron trong một thời gian dài, tổ chức vú trải qua nhiều thay đổi hình thái khác nhau. Vào thời điểm tăng tiết estrogen, các tế bào biểu mô tăng sinh trong các ống (tăng sinh ống) và các phân thùy (tăng sinh tuyến). Với mức estrogen giảm, biểu mô cuộn xoắn, các ống trở thành nang, các phân thùy và vùng đệm tăng tổ chức xơ (tăng biểu mô tuyến xơ cứng và xơ cứng vùng đệm).
Trên lâm sàng bệnh nhân thường đau vú theo chu kỳ: xuất hiện khoảng 8 ngày trước khi hành kinh, biến mất sau hành kinh, đau tự nhiên, lan ra hai tay. Khi sờ nó có thể là các u nang đặc trưng: Khối u tròn, giới hạn rõ, hơi cứng, thường đau, kích thước và số lượng thay đổi; Hay là các mảng cứng: thường thấy những mảng cứng trên vú giới hạn không rõ, mất đi sau hành kinh.
Đây là bệnh lý hình thành từ việc tăng sinh các tuyến và ống tuyến vú (kết hợp với xơ hóa mô đệm) nên có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy khi có chẩn đoán xơ nang tuyến vú thì nên có những thăm dò như: chụp vú, chọc dịch nang, chọc hút tế bào để có những sàng lọc ung thư sớm.
Có thể bắt đầu điều trị bằng thuốc nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu và mong muốn được điều trị. Các thuốc hay dùng: thuốc ức chế prolactin như bromocriptine, thuốc ức chế estrogen như danazol. Phẫu thuật cắt khối u được đặt ra khi: chọc dò ra lẫn máu, sinh thiết thấy loạn sản hoặc có tế bào nghi ngờ.
U xơ tuyến
Khối u phát triển từ mô liên kết giữa các tiểu thùy. Thường xảy ra trước tuổi 35. Khối u có đặc điểm: Chắc, xơ, đều, tròn hoặc hình trứng, di động dưới da, không đau, không liên quan tới chu kỳ kinh. Kích thước thay đổi khoảng 2 - 3cm, thường chỉ có một u, đôi khi có nhiều u và xuất hiện kế tiếp theo thời gian. Đây là loại u dễ chẩn đoán trong các u lành tính tuyến vú, bệnh nhân cũng có thể nhận biết đặc điểm khối u một cách dễ dàng, còn bác sĩ có thể chẩn đoán ngay khi khám lâm sàng. Siêu âm và chụp vú ít có giá trị chẩn đoán trong trường hợp này. Tuy nhiên cũng nên chọc lấy tế bào bằng kim sinh thiết nhỏ giúp khẳng định chẩn đoán và loại trừ ung thư. U xơ tuyến không tạo nên yếu tố nguy cơ gây ung thư, thường ổn định và không đáp ứng với điều trị nội tiết. Vậy nên có u xơ trước 35 tuổi chúng ta có thể theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng. Phẫu thuật cắt bỏ khối u để làm giải phẫu bệnh được đặt ra khi khối u to và phát triển nhanh, chọc tế bào nghi ngờ hoặc sau 35 tuổi.
Nang vú
Nang là một hốc chứa đầy chất dịch. Hốc này xuất hiện do một đoạn của ống dẫn sữa nở ra. Phần lớn người bệnh tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên ngực hay chà xát trong lúc tắm, vì những lúc đó nang vú căng lên. Nhưng có khi các nang này lại không đau và cũng không thể sờ thấy được.
Số lượng nang nhiều hay ít tùy người, kích thước lớn nhỏ không đều, đường kính từ vài mm đến vài cm, hoặc to hơn, to đến một mức nào đó hoặc nằm sát dưới da mới sờ thấy. Các nang này thường hay gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, hiếm gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng sau khi mãn kinh nang sẽ xẹp đi. Khi nghi là nang vú, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, siêu âm giúp cho bác sĩ chẩn đoán bệnh nang vú chính xác. Bác sĩ sẽ dùng kim chọc rút dịch trong nang. Khi rút dịch, nang sẽ xẹp đi và hiếm khi tái phát lại. Chọc hút dịch nang có màu vàng chanh hoặc nâu. Nếu dịch hút ra là máu thì phải sinh thiết sau hút dịch để loại trừ ung thư, sau chọc hút nếu nang tái phát thì phải hút lại và điều trị phẫu thuật bóc nang.
U nhú trong ống dẫn sữa
Đây là một trong những nguyên nhân gây tiết dịch núm vú ngoài thời kỳ cho con bú. Do sự tăng sinh biểu mô trung tâm trên trục liên kết tuyến và phát triển tạo nên các u nhú trong lòng ống dẫn sữa. Triệu chứng thường gặp trong thể bệnh này là tiết dịch hoặc máu tự nhiên một hoặc hai bên vú, ép xung quanh quầng vú có thể thấy dịch chảy ra từ núm vú. U nhú trong ống dẫn sữa thường lành tính. Tuy nhiên cũng cần có những thăm dò như chụp X quang nhằm loại trừ ung thư vú, chụp ống dẫn sữa để chẩn đoán: sau khi tiêm chất cản quang vào ống dẫn sữa, sẽ thấy ống dẫn sữa bị tắc và u nhú trong ống dẫn sữa. Khi được chẩn đoán là u nhú trong ống sữa giãn thì phẫu thuật cắt khối u làm giải phẫu bệnh là phương pháp điều trị chủ yếu. Người ta có thể đánh dấu khối u trước mổ bằng cách tiêm xanhmethylen.
Ngoài ra, còn có những bệnh lành tính khác có thể gây tiết dịch núm vú như: Giãn hoặc xơ nang ống tuyến, tăng tiết sữa kết hợp với vô kinh, vô sinh, Papilloma ống tuyến. Bệnh nhân khi thấy chảy dịch hay máu qua núm vú thường lo sợ rằng mình có thể bị ung thư, tuy nhiên phần lớn trường hợp ở tuổi dưới 30 là có nguyên nhân lành tính. Trong các trường hợp này, nên xét nghiệm tìm tế bào lạ từ chất dịch và làm siêu âm vú. Thấy có gì khả nghi thì cần phẫu thuật. Nên nhớ khả năng bị ung thư rất hiếm gặp. Và nếu có ung thư thì trường hợp này cũng dễ điều trị vì u còn nhỏ.
Các bệnh tuyến vú lành tính
Áp xe vú.
Áp - xe vú
Thường gặp ở các bà mẹ trẻ sinh con và cho con bú lần đầu. Dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn bệnh: giai đoạn viêm, bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, vú tấy đỏ lan tỏa, chắc và đau. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn hình thành khối áp - xe chứa mủ. Một điều mà các bác sĩ hay làm là điều trị kháng sinh tích cực trong giai đoạn viêm để tránh trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc nặng hơn, đồng thời để khu trú khối áp - xe. Trích rạch da và tháo dẫn lưu mủ kết hợp sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị cho ổ áp - xe vú. Để phòng tránh áp-xe vú trong thời kỳ cho bú cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Cho trẻ bú đúng cách, không cho ngậm nhai vú lâu. Tránh làm xây xát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa.
Hoại tử mô mỡ
Hoại tử mỡ của vú là một quá trình viêm vô trùng lành tính của các mô mỡ. Nó có thể xảy ra thứ phát sau chấn thương do tai nạn hoặc phẫu thuật, hoặc có thể liên quan với ung thư hay bất kỳ tổn thương mà gây nên mủ hoặc hoại tử thoái hóa khác. Trên lâm sàng, hoại tử mỡ có thể có triệu chứng giống ung thư vú nếu nó xuất hiện như một khối dày đặc kết hợp với co rút da, bầm máu, ban đỏ, và da dày. X quang vú, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ không phải luôn phân biệt được hình ảnh của hoại tử chất béo từ một mô ác tính. Ngay cả sự xuất hiện của tổn thương lành tính trên hình ảnh cũng không thể loại trừ được là có bị ác tính hay không. Vậy nên trong tổn thương này cần phải chích lấy khối hoại tử làm giải phẫu bệnh loại trừ ung thư, sau đó điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng estrogen.

TS. Vũ Văn Du

Vô sinh ở nữ giới - do đâu?

Nguyên nhân gây vô sinh nữ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nữ giới, trong đó phải kể đến: Nguyên nhân do cổ tử cung, nguyên nhân do tử cung và ống dẫn trứng, nguyên nhân do rối loạn rụng trứng, nguyên nhân do tuổi tác, sử dụng một số biện pháp tránh thai, đặt dụng cụ tử cung, phụ nữ hút thuốc lá, nhiễm trùng tiểu khung.
Ngoài ra, một số bệnh lý liên quan đến nội tiết có thể gây vô sinh như bệnh bướu cổ, bệnh gan, thận, thượng thận…
Một số bệnh có thể gây vô sinh
Viêm âm đạo:
Bệnh do kí sinh trùng, nấm hoặc viêm lộ tuyến tử cung gây ra, có biểu hiện ngứa nhiều ở vùng âm hộ, khí hư bất thường (có màu trắng đục, loãng, có bọt nếu bị viêm do kí sinh trùng và đặc như bột, có ánh trắng nếu bị viêm nhiễm do nấm).
Nếu không giữ gìn vệ sinh cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong hoạt động tình dục cũng có thể dễ bị viêm âm đạo, thậm chí là viêm âm hộ. Viêm âm đạo nếu không được chữa khỏi sẽ lan lên buồng trứng gây viêm và cản trở quá trình rụng trứng hoặc thụ tinh.
Vô sinh ở nữ giới - do đâu?
U nang buồng trứng là một nguyên nhân có thể gây vô sinh.
U xơ tử cung:
Đây là loại u lành tính thường thấy nhất trong tử cung. U xơ có thể nằm ngoài bìa hoặc lọt trong lòng tử cung. Tuy không làm tăng nguy cơ ung thư tử cung nhưng u xơ tử cung lại có thể làm cho cơ thể phụ nữ khó chịu. Đặc biệt, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên trong nhiều trường hợp, người bệnh có những triệu chứng có thể nhầm với mang thai.
Nếu u ở vị trí gần niêm mạc thì có thể gây chảy máu, băng huyết... Trong trường hợp này cần được can thiệp để xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, cản trở việc thụ thai.
U nang buồng trứng:
U nang buồng trứng hình thành bên trong buồng trứng và là bao nang chứa đầy dịch. Bệnh có các triệu chứng rất mơ hồ, khó phán đoán từ sớm. Đa số trường hợp chỉ phát hiện được khối u buồng trứng một cách tình cờ khi siêu âm bụng kiểm tra hay khi khám phụ khoa định kỳ. Dù đa số là lành tính, song nếu không kịp thời chữa trị có thể chuyển sang ung thư buồng trứng, đe dọa rất lớn đến khả năng phát triển và rụng trứng, từ đó gây khó khăn trong quá trình thụ thai và có con của chị em.
Vô kinh
Khi trưởng thành mà không có kinh nguyệt thì được gọi là vô kinh. Vô kinh có thể là nguyên phát (từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thấy kinh) hay thứ phát (đã từng có kinh nhưng sau đó không có kinh nữa hay là kinh rất thưa trên 6 tháng mới có kinh một lần). Vô kinh có thể do rất nhiều lý do như: dị tật bẩm sinh đường sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo), không rụng trứng, suy buồng trứng sớm ở phụ nữ còn trẻ nguyên phát hay sau điều trị có mổ cắt buồng trứng hay hóa trị, xạ trị do ung thư.
Buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra ở khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nghĩa là có những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang nhưng vẫn có con bình thường vì ở những người này, có rất nhiều trứng nhưng trứng không chịu rụng.
Nếu bị hội chứng buồng trứng đa nang và không có con nên đến cơ sở điều trị hiếm muộn để được điều trị bằng cách sử dụng các thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng.
Cơ chế bệnh sinh của hội chứng này chưa được tìm ra nên không có cách phòng tránh bệnh này. Tuy nhiên, trong hội chứng buồng trứng đa nang, trên 50% bệnh nhân có tình trạng béo phì và béo phì cũng làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Do đó, chị em nên có chế độ ăn uống và thể dục để tránh béo phì gây khó khăn trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang.
Suy buồng trứng, rối loạn phóng noãn
Kinh nguyệt không đều đặn và dần tắt hẳn có thể là dấu hiệu của bệnh tử cung nhi hóa. Rối loạn phóng noãn thường gây khó có thai và việc điều trị phải sử dụng các loại thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng. Thông thường tỷ lệ có thai đạt được sau mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng khoảng 30%. Kích thích buồng trứng thường không làm quá nhiều lần trên một bệnh nhân nên không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và cũng không gây ảnh hưởng lên sức khỏe thai nhi.
Ở trường hợp cắt một bên buồng trứng thì vẫn có thể sinh con bình thường.
Thiếu nội tiết tố nữ
Nếu đến tuổi trưởng thành mà ngực lép như đàn ông, núm vú cũng nhỏ thì đó có thể là dấu hiệu của buồng trứng không hoạt động.
Để xác định chính xác, cần đến cơ sở chuyên khoa để xét nghiệm nội tiết: FSH, estradiol và được khám phụ khoa đề chẩn đoán.
Các phương pháp điều trị vô sinh ở phụ nữ
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là điều trị khả năng sinh sản cho phụ nữ mà không có sự can thiệp sâu bên trong, giúp thông những khu vực bị hẹp tắc do viêm dính. Nguyên nhân vô sinh do dính chiếm khoảng một nửa của tất cả các trường hợp vô sinh nữ.
Vật lý trị liệu không có rủi ro. Tuy nhiên có thể có đau nhức. Có khoảng hơn 70% số bệnh nhân điều trị thành công bằng vật lý trị liệu với một số kỹ thuật, thành công trong dài hạn.
Dùng thuốc
Bệnh nhân được sử dụng các loại thuốc điều chỉnh các kích thích tố sinh sản và kích thích việc phát triển của trứng trong quá trình rụng trứng. Dùng thuốc có thể khiến bạn mang thai sinh đôi, sinh ba, hoặc nhiều hơn, mắc hội chứng buồng trứng hyperstimulation. Có thể gặp một số tác dụng phụ như: nhức đầu, đầy hơi, nóng bừng, âm đạo bị khô, phát ban.
Phẫu thuật
Phương pháp điều trị khả năng sinh sản bằng phẫu thuật bao gồm các hoạt động để sửa chữa các khuyết tật bẩm sinh và loại bỏ dính, polyp, u nang, và tăng trưởng tế bào bất thường khác. Bệnh nhân có thể gặp phản ứng khi gây mê, chảy máu, nhiễm trùng, sự tích tụ của mô sẹo đòi hỏi phải phẫu thuật bổ sung sau đó. Bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ bị đau nhẹ hoặc nặng tùy từng loại phẫu thuật.
Hỗ trợ sinh sản
Thụ tinh nhân tạo: Đây là một trong những công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART). Với mục đích điều trị khả năng sinh sản, tinh trùng sẽ được bơm vào tử cung của người phụ nữ, thông qua cổ tử cung, ống dẫn trứng với một ống thông. Trong một số trường hợp, người phụ nữ được chỉ định dùng thuốc trước đó vài chu kì kinh nguyệt trước khi phẫu thuật.
Thụ tinh trong ống nghiệm: Đây cũng là một trong những công nghệ hỗ trợ sinh sản ART khác, với hình thức trứng được lấy ra từ buồng trứng và thụ tinh trong phòng thí nghiệm sau đó được đặt trong tử cung để phát triển. Một số phụ nữ cũng cần dùng thêm thuốc tăng khả năng sinh sản.

BS. Hương Lan

Các trường hợp mang thai cần chăm sóc đặc biệt

Hầu như tất cả các trường hợp mang thai đều diễn tiến bình thường và êm xuôi nhưng một số trường hợp khiến cho bác sĩ cũng ngại, có nguy cơ dẫn đến các biến chứng. Vì thế bạn cần được khám theo dõi thật sát trong suốt thai kỳ. Đôi khi có triệu chứng phát sinh nên báo cho bác sĩ và cần được chăm sóc đặc biệt.
Thiếu máu
Nhiều phụ nữ bị thiếu máu nhẹ trước khi mang thai do thiếu sắt trong cơ thể. Khắc phục tình trạng này là điều quan trọng để bạn đối phó được các nhu cầu gia tăng của tiến trình thai nghén và mọi nguy cơ thiếu máu lúc chuyển dạ. Ngoài chế độ ăn là các thực phẩm giàu sắt như các loại thịt nạc, thịt bò, phủ tạng như tim, gan, tiết gia súc gia cầm, trứng sữa, đậu đỗ, rau có màu xanh đậm bạn cần bổ sung viên sắt, nếu vẫn thiếu máu cần được cần nhắc và điều trị nguyên nhân thiếu máu. Vì thiếu máu ở thai phụ là một yếu tố đe dọa sản khoa, khi sinh dễ gặp rủi ro. Tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn hẳn ở những người mẹ bình thường. Đối với con thiếu máu gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Người mẹ có thai cần được theo dõi các biểu hiện thiếu máu, tốt nhất là thử máu và khám thai chậm nhất là vào tháng thứ 4 sau khi có thai. Sử dụng viên sắt-acid folic theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Các trường hợp mang thai cần chăm sóc đặc biệt
Đối với những thai phụ có vấn đề cần được chẫm sóc đặc biệt.
Bệnh đái đường
Bệnh tiểu đường phải được theo dõi và điều trị cẩn thận trong lúc có thai. Bạn phải giữ mức đường trong máu ổn định. Nếu bạn làm được điều đó thì không có lý do gì mà tiến trình thai nghén không diễn ra một cách êm xuôi. Tuy nhiên cần phần biệt bệnh đái tháo đường có sẵn và đái tháo đường thai kỳ. Thường thai khoảng 6 tháng nhiều trường hợp chị em từ trước không có tiền sử đái tháo đường nhưng khi mang thai ở giai đoạn này xét ngiệm máu lại có đái tháo đường (gọi đái tháo đường thai kỳ). Những trường hợp đái tháo đường thai kỳ cần có chế độ ăn uống hợp lý, không được kiêng quá mức thai sẽ suy dinh dưỡng nhưng nếu không biết cách thì thai sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi sinh. Tuy nhiên nếu đái tháo đường thai kỳ thì thường mất đi sau đẻ 1 tháng nhưng cũng có khi trở thành bệnh đái tháo đường. Do vậy cần khám thai định kỳ để theo dõi sát sự phát triển của thai để tiên lượng cuộc đẻ, phòng các biến chứng khi sinh như thai nhi hạ đường huyết hoặc thai to phải can thiệp phẫu thuật…
Hở eo tử cung
Trong tiến trình thai nghén bình thường, cổ tử cung khép kín cho đến khi bắt đầu chuyển dạ. Tuy nhiên trong trường hợp hay bị sẩy thai sau tháng thứ ba, thì hiện tượng này có thể là do cổ tử cung yếu nên không đóng kín (gây sẩy thai). Đặc điểm sẩy thai do hở eo tử cung là tuổi thai ngày càng nhỏ dần, tức lần sẩy thai sau tuổi thai nhỏ hơn lần trước. Những trường hợp này cần được khám xác định nếu đúng do hở eo tử cung cần được “khâu vòng” trong 3 tháng đầu của thai nghén nhằm vít hẹp lỗ trong của cổ tử cung để bảo vệ túi ối và sẽ cắt chỉ khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc khi thai đủ tháng
Tiền sản giật
Đây là một trong những vấn đề thường gặp trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Các dấu hiệu báo động là: huyết áp tăng cao trên 140/90mmHg, tăng cân quá mức, sưng phù mắt cá chân và tay, và có vết protein trong nước tiểu. Nếu cứ để huyết áp tăng cao không chữa trị, hiệu chứng này có thể tiến triển thành chứng sản giật, là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể xuất hiện những cơn co giật. Ngoài ra, các bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính có từ trước khi có thai thường nặng nên trong khi thai nghén và cũng có thể gây ra biến chứng sản giật. Đặc biệt sản giật hay gặp ở những người trẻ, đẻ con so, người lao động nặng ít được nghỉ ngơi khi gần đẻ và hay xuất hiện vào mùa rét mỗi khi thời tiết thay đổi.
Thai kém phát triển
Điều này có thể sẽ xảy ra nếu bà mẹ mang thai hút thuốc, uống nhiều rượu, hoặc có một chế độ ăn nghèo nàn, hoặc do bà mẹ mắc phải một bệnh nội khoa tổng quát (như bệnh đái đường, bệnh lao chẳng hạn). Đôi khi một số thuốc mà người mẹ dùng là nguyên nhân làm cho thai kém phát triển. Nhận biết thai kém phát triển bằng siêu âm để đo vòng đầu, vòng bụng và chiều dài xương đùi. Nếu thai nhỏ cần theo dõi thai bằng siêu âm thường xuyên hơn để theo dõi sự phát triển của thai. Đôi khi cần chọc ối để đánh giá tình trạng thai và tìm nguyên nhân gây kém phát triển (bệnh di truyền, nhiễm khuẩn). Người mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và thực hành chế độ ăn giàu dinh dưỡng, không uống rượu, không hút thuốc lá là cách giúp cho thai phát triển tốt.
Đa thai
Thời gian thai nghén và lúc chuyển dạ của bạn sẽ diễn tiến bình thường, mặc dù bạn sẽ trải qua hai giai đoạn chuyển dạ, và có thể bạn sẽ bị chuyển dạ sớm hơn dự kiến( sinh thiếu tháng). Bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn thí dụ như thiếu máu, tiền sản giật và hai em bé nằm ở vị trí bất thường trong tử cung. Có thể bạn sẽ thấy là các rối loạn thường gặp trong thai kỳ sẽ gia tăng gấp bội, đặc biệt trong các tháng cuối.
Chảy máu ở âm đạo
Nếu bạn thấy có máu chảy từ âm đạo ra ngoài vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ, bạn hãy mời bác sĩ đến ngay không được chậm trễ và nằm yên trên giường. Trước tuần lễ thứ 28, đây có thể là dấu hiệu báo bạn bị sẩy thai. Nếu chảy máu âm đạo sau tuần thứ 28 có nghĩa là nhau thai bị chảy máu. Hiện tượng này xảy ra là do nhau thai bắt đầu tróc ra khỏi thành tử cung (bong rau), hoặc là trong trường hợp nhau thai bám quá thấp trong tử cung (rau bám thấp), và phủ hẳn, hay phần nào lên cổ tử cung (rau tiền đạo).

BS. Nguyễn Kim Dung

Khám phụ khoa thường xuyên có thực sự tốt hay không?

Từ nhiều thập kỉ trở lại đây, khám phụ khoa được coi là việc mà phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên nên thực hiện hàng năm. Nhưng gần đây, Hiệp hội các  trường Cao đẳng Y tế Mỹ (ACP) khuyến cáo rằng nếu không có triệu chứng, phụ nữ không mang thai thì nên giảm tần suất khám phụ khoa xuống 1 năm/lần hoặc không cần khám. Theo hướng dẫn mới của tổ chức được công bố trong tạp chí Annals of Internal Medicine (Y tế thế giới hàng năm), thì kết quả này được dựa trên việc xem xét tất cả các nghiên cứu liên quan đến vùng chậu của người phụ nữ - các nghiên cứu được tiến hành trong 70 năm qua. Họ phát hiện ra rằng ngay cả khi các bác sĩ phát hiện bất thường như u nang buồng trứng thì bệnh vẫn phát triển theo một hướng riêng biệt nào đó. Các chuyên gia y tế cũng phát hiện ra các nhược điểm tiềm ẩn của việc khám phụ khoa định kì hàng năm.
Một trong những nhược điểm đó là cho kết quả dương tính giả. Ví dụ, một bác sĩ có thể phát hiện một u nang buồng trứng và đi đến phương pháp điều trị là phẫu thuật loại bỏ. Điều này gây đau đớn và rủi ro trong phẫu thuật (như nhiễm trùng) cho bệnh nhân. Nhưng rồi sau khi phẫu thuật mới biết đó không phải là u nang buồng trứng nguy hiểm và việc phẫu thuật cắt bỏ là không cần thiết.
Khám phụ khoa thường xuyên có thực sự tốt hay không? 1
Chúng ta đã được nghe nói khám phụ khoa là một trong những việc nên làm bởi nó tốt cho sức khỏe. Nhưng thường xuyên đi khám phụ khoa có lợi hay không? Ảnh minh họa
Cũng theo lập luận của tổ chức này thì 97% trường hợp phụ nữ khám phụ khoa không phát hiện được các triệu chứng bất thường của các vấn đề nghiêm trọng, kể cả bệnh ung thư buồng trứng .
"Khi nói đến chăm sóc y tế dự phòng, các lợi ích phải lớn hơn thiệt hại. Tổ chức ACP đưa ra kết luận như vậy vì họ không có nhiều bằng chứng về lợi ích của việc kiểm tra vùng chậu", Tiến sĩ George Sawaya, giáo sư về sản phụ khoa tại Đại học Y San Francisco School (California, Mỹ) cho biết.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với những kết luận mới này. Trường Cao đẳng Sản và Nhi khoa của Mỹ (ACOG) cũng phản đối quyết liệt với kết luận này. "Phát hiện sớm một vấn đề ở người phụ nữ luôn luôn dẫn đến kết quả tốt hơn khi điều trị", Tiến sĩ Barbara Levy, Phó chủ tịch phụ trách chính sách y tế tại ACOG nói.
"Trong khi khám phụ khoa định kỳ, nếu thấy tử cung và buồng trứng bất thường bằng trực quan, quan sát qua màn hình, đặc biệt có dấu hiệu nhiễm trùng thì có thể thực hiện một xét nghiệm Pap để kiểm tra ung thư cổ tử cung. Một số STDs không có triệu chứng và chỉ có thể được xác định thông qua hình thức kiểm tra này. Bác sĩ phụ khoa cũng có thể trò chuyện về vấn đề mà một bệnh nhân có thể là do quá xấu hổ mà không dám nói ra, ví dụ như đau khi quan hệ hoặc không kiểm soát... Nhờ đó, các bác sĩ có thể thảo luận về các lựa chọn y tế tốt nhất cho người bệnh", Tiến sĩ Levy nói.

Chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh

Lượng sữa tiết ra nhiều hay ít không phải hoàn toàn phụ thuộc vào ăn nhiều mà quan trọng nhất là bà mẹ phải cho con bú thường xuyên và bú đúng cách, ngủ đủ giấc, tinh thần thoải mái. Vì cơ chế tiết sữa phụ thuộc nhiều vào yếu tố thần kinh. Khi con bú, sẽ kích thích vào các đầu dây thần kinh ở núm vú tạo thành luồng thần kinh ra thùy sau của tuyến yên tiết ra 2 nội tiết tố là: prolactin và ocytixin. Prolactin kích thích tuyến sữa sản xuất ra sữa còn ocytoxin kích thích cơ trơn của tuyến vú bài tiết ra sữa. Vì vậy, nếu không cho con bú thì dù có ăn rất nhiều cũng không thể có sữa.
Nếu chị đang tăng cân nhanh thì không nên ăn quá nhiều nhất là những thức ăn có nguồn gốc tinh bột. Nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: sữa không đường, hoa quả không ngọt, nhiều rau xanh và cần thiết có thể bổ sung các thực phẩm chức năng cung cấp các vi chất dinh dưỡng thì chất lượng sữa sẽ rất tốt. Cần bổ sung nhiều nước và ăn các thức ăn nhiều nước như: cháo, súp, sữa...

Cách phát hiện sớm bệnh Down

 Bệnh Down là bất thường nhiễm sắc thể, thông qua dư 1 nhiễm sắc thể của cặp 21 trong quá trình phân chia giao tử của mẹ tức là trứng. Bệnh được Langdon Down đã mô tả lần đầu tiên vào năm 1866 và lấy tên ông được đặt cho hội chứng này.
Bệnh Down là tập hợp các bất thường bẩm sinh biểu hiện bằng sự trì trệ về tinh thần, da xuất hiện quá lớn trên cơ thể, mũi nhỏ - tẹt, mặt bẹt, 2 mắt xếch cách xa nhau, đầu ngắn.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan mật thiết giữa mẹ vàhội chứng Down, nếu như tần suất hội chứng Down là 1/1.500 ở bà mẹ dưới 25 tuổi thì tần suất này tăng lên 1/1.000 khi bà mẹ 30 tuổi và 1/100 khi bà mẹ 40 tuổi. Việc xác định nhiễm sắc thể bằng chọc ối cho kết quả chính xác, nhưng mang đến nguy cơ sảy thai và kinh phí lớn, nên ít được áp dụng phổ biến ở phụ nữ có thai, chọc ối chỉ áp dụng với các thai phụ tuổi từ 40 trở đi. Từ từ, sự chọc ối trở nên trải rộng hơn và khi thấy hội chứng Down xuất hiện ở cả nhóm an toàn và nhóm nguy cơ cao cho nên việc tầm soát bao gồm ở phụ nữ tuổi từ 35 trở đi, việc chọc ối phải được làm khi thai từ 15 tuần trở nên.
Từ năm 1990 trở lại đây, siêu âm có vai trò rất quan trọng trong việc tầm soát hội chứng Down; đó là đo độ mờ da gáy ở thai nhi có tuổi thai 11 - 13 tuần 6 ngày: độ mờ này tăng cao trên 3.5mm là nguy cơ Down; phương pháp được xác định rất rõ trên máy siêu âm có độ phân giải cao và độ phóng đại lớn. Khoảng 75% số trẻ Down đặc trưng có tăng độ mờ da gáy dày hơn và 60 - 70% không có xương mũi, tình trạng này quan sát thấy rõ nhất ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Do đó, siêu âm định kỳ tại thời điểm thai 11 - 14 tuần là rất cần thiết đặc biệt ở các bà mẹ có tuổi cao từ 35 tuổi trở lên là chỉ định tuyệt đối, vì siêu âm đơn giản, kinh phí không tốn kém, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Việc tầm soát tuổi mẹ + độ mờ da gáy + xét nghiệm huyết thanh mẹ kèm xác định xương mũi thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ cho chẩn đoán chính xác đến 95%.
Việc chẩn đoán sớm bệnh Down trong thai kỳ sẽ giúp thai phụ và gia đình biết sớm về sức khỏe của thai nhi và có lựa chọn đúng đắn phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Phá thai và biến chứng thường gặp

Các phương pháp phá thai 3 tháng đầu
- Hút chân không bằng tay hoặc bằng điện áp dụng cho tuổi thai đến 12 tuần kể từ ngày đầu kỳ kinh cuối cùng.
- Phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc) kết hợp mifepristone sau đó dùng prostaglandin như misoprostol hoặc gemeprost áp dụng cho tuổi thai tới 9 tuần kể từ ngày đầu kỳ kinh cuối.
- Nong và nạo chỉ nên áp dụng ở nơi mà hút thai chân không không có hoặc không có phá thai bằng thuốc.
Phá thai và biến chứng thường gặp
Tư vấn phá thai cho người bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.
Các phương pháp phá thai 3 tháng giữa
- Nong và gắp sử dụng kết hợp giữa hút chân không và foóc xép.
- Dùng thuốc mifepristone sau đó dùng liều prostaglandin nhắc lại như dùng misoprostone hoặc gemeprost.
-  Hoặc dùng prostaglandin đơn thuần (misoprostol hoặc gemeprost) nhắc lại nhiều lần.
Tai biến và biến chứng có thể gặp khi phá thai
- Khi phá thai được thực hiện bởi người được đào tạo có kỹ năng thì tai biến hiếm xảy ra.Tuy nhiên, mọi cơ sở phá thai phải thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu khi có tai biến xảy ra. Tử vong thường do nguyên nhân tác dụng phụ của thuốc giảm đau, tắc mạch, nhiễm khuẩn và băng huyết không khống chế được. Tử vong thứ phát do sốc nhiễm độc.
Các tai biến đặc trưng của phá thai ngoại khoa:
Ứ máu trong buồng tử cung: cần phải hút buồng tử cung.
Nhiễm khuẩn: đa số dễ chẩn đoán và điều trị nếu người phụ nữ tuân thủ những hướng dẫn của thầy thuốc. Dùng kháng sinh làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sau thủ.
Rách cổ tử cung: cần phải khâu cầm máu.
Thủng tử cung do chọc hoặc rách: Tai biến này có thể tự liền hoặc phải phẫu thuật khâu lỗ thủng và hiếm khi cắt tử cung.
Còn thai: là sự không kết thúc được thai nghén và cần hút lại buồng tử cung.
Sót rau thai: là hiện tượng còn sót lại mô rau thai trong buồng tử cung cần phải hút lại buồng tử cung.
Băng huyết: do sót rau, chấn thương và thủng tử cung cần phải truyền máu.
Các tai biến đặc trưng của phá thai nội khoa
Thất bại của thuốc phá thai: cần phải hút lại buồng tử cung.
Sẩy thai không hoàn toàn: đòi hỏi phải hút lại buồng tử cung tránh băng huyết và nhiễm khuẩn.
Băng huyết: đòi hỏi phải hút lại buồng tử cung.
Nhiễm khuẩn tử cung: cần dùng kháng sinh.
Biến chứng liên quan đến phương pháp vô cảm
Gây tê an toàn hơn gây mê đối với tất cả các phương pháp phá thai 3 tháng đầu cũng như phương pháp nong gắp của 3 tháng giữa. Nếu áp dụng gây mê, nhân viên y tế cần được đào tạo để điều trị co giật và cấp cứu tim mạch cũng như cấp cứu hô hấp.
Ngoài ra, phải có các thuốc đối kháng với tác dụng phụ của thuốc ngủ.
Biến chứng lâu dài:
Đa số phụ nữ phá thai an toàn không để lại hậu quả lâu dài đối với toàn thân và sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ có biến chứng nặng nề sẽ để lại hậu quả về sau này. Có một tỷ lệ nhỏ những bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện tác dụng phụ trên tâm thần nhưng là do tồn tại tình trạng bệnh từ trước, không phải là hậu quả của phá thai an toàn.

TS. Vũ Văn Du (BV Phụ sản TW

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons