Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Thuốc tốt từ mít cho sản phụ thiếu sữa

Cây mít rất thân thuộc với người Việt Nam. Trái mít giàu dinh dưỡng, các bộ phận của cây mít, trái mít nếu biết sử dụng đều là “nam dược thần hiệu”. Múi mít vị ngọt, mùi thơm, tác dụng bổ tỳ, ích khí, khỏi phiền, giải khát, giải rượu, làm đẹp da. Gỗ mít, nhựa mít tác dụng tiêu sưnggiải độc, chữa sưng tấy mụn nhọt, chùm gửi mít chữa phong tê thấp, đặc biệt, các món ăn từ mít non rất tốt cho bà mẹ sau khi bị thiếu sữa, tắc tia sữa.
Xin giới thiệu một số món ăn từ cây mít cho sản phụ thiếu sữatắc sữa.
Thuốc tốt từ mít cho sản phụ thiếu sữa 1Cây và quả mít đều là vị thuốc.
1. Móng giò lợn 1 cái, bì lợn 100g, gạo nếp 100g, ngô non 100g, trái mít non 50g, đu đủ non 1 quả 50g, gia vị vừa đủ. Móng giò làm sạch, đổ vào nồi cùng với bì lợn ninh nhừ rồi cho các nguyên liệu khác vào, nấu tiếp cho chín nhừ là được. Ăn nóng ngày 2 - 3 lần, ăn trong vài ngày.
2. Quả mít non 1 quả 50g, thịt lợn nạc băm nhỏ 200g, hạt sen 100g, gạo nếp 100g, gia vị vừa đủ. Các nguyên liệu làm sạch, cho vào nồi trừ thịt nạc, đổ nước vừa đủ nấu chín nhừ, cho thịt lợn băm vào quấy đều đến khi sôi là được. Ăn nóng ngày 2 - 3 lần, ăn trong vài ngày.
3. Quả mít non 200g bỏ vỏ thái nhỏ, thịt lợn nạc 100g, gia vị vừa đủ. Cho thịt vào nồi xào chín tới thì cho mít đã thái nhỏ vào. Ăn nóng với cơm trong vài ngày.
4. Hạt mít 120g luộc chín bóc vỏ, nấu với thịt nạc (hoặc ninh với móng giò lợn) thật chín, nêm gia vị. Ăn suông hoặc ăn với cơm.
5. Lá mít non 50g, cá quả 1 con 200g, gạo nếp 100g, gừng tươi 3 lát, gia vị vừa đủ. Cá quả lấy phần nửa con phần dưới, ướp cá với gừng và gia vị. Lá mít thái chỉ. Cho gạo vo sạch vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, gần chín, cho cá vào nấu tiếp cho nhừ rồi cho các nguyên liệu khác vào, đun sôi lại là được. Ăn nóng ngày 2 - 3 lần trong vài ngày.
6. Lá mít tươi 40g sắc uống, có thể thêm hạt cây gạo (sao vàng) 15g sắc uống.
Ngoài ra, các bộ phận khác của cây mít cũng là những vị thuốc chữa nhiều bệnh:
- Mít chín ăn tươi, làm nước giải khát, rượu mít, mứt mít ướt, mít khô bổ dưỡng, chứa nhiều đường bột, khoáng, vitamin chữa đầy bụng khó tiêu.
- Chùm gửi cây mít chữa tê thấp, đau lưng, tê mỏi chân tay và lợi sữa; dùng tươi hoặc khô dưới dạng cao, đơn, hoàn, tán, thang, trà, rượu.
- Vỏ thân cây mít 20g dùng làm thuốc an thần, giãn cơ, hạ huyết áp bằng cách sắc hoặc mài hòa nước uống.
- Lá mít mật già 30g chữa chứng đái đục (cặn trắng) ở trẻ em bằng cách sao vàng hạ thổ nấu nước uống.
- Lá mít non giã với ít dấm đắp nhọt cho vỡ mủ.
- Lá mít, lá mía, than tre lượng bằng nhau sắc uống chữa hen suyễn.
BS. Phó Đức Thuần

Cúm ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm?

Biểu hiện của cảm cúm thông thường như nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, ho và đau người... có thể xảy ra ở rất nhiều người. Những triệu chứng này ảnh hưởng không lớn đến thai nhi. Nhưng nếu nhiệt độ cơ thể cứ kéo dài ở 39oC thì phải thận trọng vì có thể nó sẽ gây dị tật ở thai nhi. Phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn và khi bị cúm thì thường nặng hơn phụ nữ bình thường vì khi mang thai, cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch.
Nguy hiểm hơn, phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ. Một số trường hợp, phụ nữ mang thai bị cúm có thể làm tăng khả năng sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ. Cụ thể: trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, mắc hội chứng Down...; trong 3 tháng giữa, não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương; trong những tháng cuối của thai kỳ, cúm có thể làm tăng khả năng thai chết lưu hoặc đẻ non.
Cúm ở phụ nữ mang thai rất nguy hiểm nên với phụ nữ, khi chuẩn bị kết hôn nên tiêm vắc-xin phòng cúm; nâng cao thể trạng để có sức đề kháng tốt bằng cách tập thể dục và bổ sung những thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch như chất đạm, hoa quả giàu vitamin... Trong trường hợp chẳng may bị cúm, cũng không nên quá lo lắng, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

9 dấu hiệu báo động “vùng kín” có vấn đề

Đôi khi, “vùng kín” có những vấn đề bạn không biết hỏi cùng ai, từ ngứa ngáy, có mùi lạ đến đau đớn, chảy máu. Dưới đây là những dấu hiệu bất thường bạn hay gặp và lời khuyên của chuyên gia trong từng trường hợp!


9 dấu hiệu báo động “vùng kín” có vấn đề
Mụn lạ
Ai cũng sẽ lo lắng khi nhìn thấy khối u nhỏ hoặc mụn ở vùng kín của mình. Theo bác sĩ người Mỹ Alyssa Dweck, đồng tác giả cuốn “V is for Vagina”, có nhiều nguyên nhân gây mụn ở âm đạo nhưng đa số không quá nghiêm trọng. Đây có thể là một khối u nang bã nhờn do lông mọc ngược vào da, bác sĩ Dweck nói. Đầu tiên bạn nên ngâm nước ấm, sau đó bôi một lớp kem hydrocortisone nếu có dấu hiệu viêm nhiễm. Nếu vẫn còn đau, bạn hãy đến bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Có mùi
Nếu vùng kín có nặng mùi một cách bất thường, bạn có thể bị nhiễm khuẩn như viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc do trùng roi trichomoniasis. Bác sĩ phụ khoa Mary Jane Minkin từ Mỹ cho biết trong trường hợp này, bạn có thể uống kháng sinh để đẩy lùi bệnh. Ngoài ra, một thủ phạm phổ biến gây mùi ở phụ nữ là việc bỏ quên tampon (băng vệ sinh hình trụ) hoặc bao cao su trong “vùng kín”. Trong trường hợp này, bạn phải đến bác sĩ để gắp dị vật ra khỏi cơ thể.
Chảy máu bất ngờ
Nếu bị chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt, điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến là sự mất cân bằng nội tiết tố do thuốc tránh thai. Nếu chảy máu dai dẳng, bạn phải đến ngay bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, có thai hoặc có polyp ở cổ tử cung.
Nếu chảy máu sau khi làm “chuyện ấy” hoặc đi vệ sinh, có thể bạn đã mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu tình trạng kéo dài, bạn cần đến bác sĩ kiểm tra xem liệu mình có mắc bệnh lậu hoặc chlamydia không, bác sĩ Dweck khuyên.
9 dấu hiệu báo động “vùng kín” có vấn đề
Ngứa ngáy khó chịu
Bạn có cảm giác như kiến bò trong “vùng kín” và cảm giác này lặp lại nhiều lần? Đây có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn, bác sĩ Minkin cho biết. Tuy nhiên, nếu bạn khám nhưng không có bệnh, đây có thể là phản ứng da đơn giản với một hóa chất nào đó như xà phòng, nước vệ sinh phụ nữ…
Khí hư bất thường
Khí hư có thể đi kèm hàng tá vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, đừng hoảng sợ nếu điều này diễn ra hằng tháng vì đây là hiện tượng sinh lý thông thường của phụ nữ, bác sĩ Dweck nói. Tuy nhiên, nếu bạn thấy khí hư của mình có màu, mùi khác lạ, hãy đến bác sĩ.
Đau khó đi tiểu, quan hệ
Đau “vùng kín” có thể là dấu hiệu của chứng nhiễm trùng hoặc bệnh lây qua đường tình dục. Do đó, nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra. Nếu cơn đau chỉ xảy ra 1 hoặc 2 lần sau quan hệ tình dục, đây có thể là dấu hiệu việc thiếu chất bôi trơn.
9 dấu hiệu báo động “vùng kín” có vấn đề
Khô hạn
Khô âm đạo không chỉ gặp ở phụ nữ lớn tuổi, mà còn là dấu hiệu xuất hiện ở những cô nàng trẻ tuổi khi mang thai hay đang dùng các loại thuốc như: thuốc kháng histamine hay thuốc chống trầm cảm, bác sĩ Minkin tư vấn.
Đau sâu
Đau sâu trong “cô bé”, đặc biệt trong lúc quan hệ tình dục có thể là dấu hiệu của chứng viêm màng dạ con hoặc u nang buồng trứng. Bác sĩ có thể khám phụ khoa hoặc siêu âm để tìm ra nguyên nhân cho bạn.
H. Nhiên (Theo Prevention)

Phá thai ở phòng khám tư, thủng tử cung và ruột non

Ngày 15/4, TS – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết bệnh viện đang điều trị cho một trường hợp bị tai biến, nguy kịch do phá thai ở phòng khám tư.
Bệnh nhân là bà M. T. M., 48 tuổi, ngụ tại Bình Dương.
Bà M. mang thai khoảng 16 – 17 tuần, từng đến bệnh viện ở Bình Dương và Từ Dũ yêu cầu phá thai nhưng bị từ chối do tuổi thai quá lớn.
phá thai, phòng khám tư, thủng tử cung, cấp cứu
Phá thai tại phòng khám tư tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Ảnh minh họa)
Đến ngày 10/4, bà M. quyết định tìm đến một phòng khám đa khoa tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần Bệnh viện Từ Dũ) để bỏ thai.
Bà được bác sĩ tên L. (nói tiếng Trung Quốc) khám thông qua một nữ phiên dịch.
Dù đã uống 10 viên thuốc phá thai và sử dụng cả dụng cụ hút thai nhưng không được. Thấy tình trạng nguy kịch, phòng khám đã chủ động gọi taxi đưa bệnh nhân đi Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ ghi nhận, tử cung của bệnh nhân M. thủng một lỗ lớn tới mức đầu thai nhi lọt qua, chui vào ổ bụng làm thủng ruột non, phân tràn hết vào ổ bụng.
Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ đành cắt bỏ tử cung và một phần ruột, làm hậu môn tạm cho bà M.
“Với một phẫu thuật cắt tử cung, bệnh nhân sẽ phải nằm điều trị ít nhất 1 tuần. Riêng trường hợp này còn cắt cả ruột non nên chúng tôi phải hội chẩn với chuyên khoa ngoại. Tình hình của bệnh nhân còn rất phức tạp, phải theo dõi sát”, bác sĩ Tuyết nói.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã tiếp nhận thông tin về trường hợp bà M.
Ngay trong sáng cùng ngày, đoàn thanh tra của Sở do bác sĩ Bình chủ trì đã đi kiểm tra phòng khám thực hiện phá thai cho bà M.
“Phía phòng khám đã xác nhận về việc có phá thai cho bà M. Về trường hợp bác sĩ L., hiện phòng khám đã yêu cầu không được điều trị bệnh, sẽ chấm dứt hợp đồng vào ngày 30/4”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Thanh tra Sở cũng yêu cầu phòng khám giải trình, cung cấp chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ đang làm việc, hẹn thứ 6 tuần này sẽ xử lý, đưa ra kết luận cuối cùng.
Thanh Huyền

Ăn gì để tốt cho 'cô bé'?

1. Sữa chua tự nhiên
Probiotic là thực phẩm hoàn hảo để duy trì độ pH thích hợp ở “cô bé”. Hãy ăn sữa chua thường xuyên để bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể của bạn cũng như loại bỏ các dấu hiệu nhiễm trùng nấm ở “cô bé”.
suachua1-1428485465-9142-1428836566.jpg
2. Nước lọc
Nước là thành phần quan trọng đối với các màng nhầy âm đạo để giúp chúng duy trì tình trạng hoạt động tốt nhất. Đồng thời, nước còn góp phần như là chất bôi trơn tự nhiên của “cô bé” và giúp loại bỏ những mùi hôi khó chịu.
3. Nước ép quả nam việt quất
Tính axit tự nhiên trong nước ép quả nam việt quất được chứng minh rất tốt cho bàng quang cũng như giúp cân bằng độ pH của “cô bé”. Điều này giúp bảo vệ bạn và làm giảm các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
4. Rau củ quả tươi
Rau củ quả là phần không thể thiếu được trong một chế độ ăn dinh dưỡng và nó đặc biệt hiệu quả trong việc duy trì sức khỏe của “cô bé”. Trong đó, các loại rau xanh rậm lá như bắp cải, cải bó xôi hay cải xoăn giúp hỗ trợ tuần hoàn, góp phần ngăn ngừa triệu chứng khô âm đạo gây khó chịu. Còn các loại quả như chanh, cam đều cùng cấp nguồn vitamin C dồi dào.
chedoan-1428485433-3740-1428836567.jpg
5. Tỏi
Tỏi chứa các thành phần có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn kỳ diệu nên rất tốt cho “cô bé”. Ăn tỏi sống có thể ngăn ngừa nhiễm trùng men và làm giảm các triệu trứng nếu như bạn đã mắc bệnh này rồi.
6. Các loại hạt
Các loại hạt như óc chó, hạt dẻ, hạt bí, hạnh nhân đều chứa hàm lượng vitamin E rất cao tốt cho “cô bé” vì vitamin E phòng chống tình trạng khô âm đạo. Chất kẽm có trong các loại hạt này cũng là chất khoáng thiết yếu để điều tiết chu kỳ nguyệt san và bảo vệ “cô bé”.
7. Khoai lang
Khoai lang không chỉ ngon miệng mà còn cực kỳ hữu ích để bảo vệ sức khỏe “cô bé” đấy XX nhé. Chúng chứa vitamin A là dinh dưỡng quan trọng giúp thành tử cung khỏe mạnh cũng như thúc đẩy sự sản sinh ra hóc-môn giúp bạn luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng.
An An (theo AWS)

4 thói quen vệ sinh gây nguy hiểm đến ‘cô bé’

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cảnh báo 4 thói quen rất nguy hại đến “cô bé” nhiều chị em mắc.
Lau bằng giấy vệ sinh bẩn
Sau khi đi tiểu nếu không được lau khô, vùng kín sẽ bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đây là môi trường thuận lợi gây viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm ngoài âm đạo và nhiều loại bệnh phụ khoakhác.
Lau sạch vùng kín sau khi đi tiểu là thói quen tốt. Tuy nhiên, nếu dùng những loại giấy không đảm bảo, tái chế, ẩn chứa nhiều vi khuẩn, sẽ vô tình "rước bệnh vào người".
Lời khuyên: Chọn giấy vệ sinh của các hãng uy tín, lâu năm, chất lượng. Khi dùng chỉ nên thấm nhẹ từ trước ra sau hậu môn để loại trừ khả năng đưa các chất cặn bẩn từ bộ phận này lên âm hộ, âm đạo gây viêm nhiễm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dùng khăn lau trong phòng tắm
Trong khi môi trường ẩm ướt của phòng tắm là nơi có rất nhiều vi khuẩn sinh sôi, việc dùng một chiếc khăn lau từ ngày này sang ngày khác sẽ là tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa.
Lời khuyên: Làm sạch, vô trùng khăn tắm, khăn lau thường xuyên để tránh nhiễm trùng do vi khuẩn và lây lan các căn bệnh không cần thiết. Khăn lau, khăn tắm tốt nhất nên được lưu trữ ở nơi khô ráo và thoáng mát, không nên để trong nhà tắm.
Thụt rửa bằng vòi nước
Dùng vòi nước thụt rửa sau khi đi vệ sinh vừa dẫn tới mất cân bằng môi trường âm đạo, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Nếu không xử lý kịp thời vi khuẩn nhiễm ngược dòng vào tử cung và vòi trứng gây khó khăn cho việc thụ thai, thậm chí có thể vô sinh.
Những phụ nữ thường xuyên bơm rửa âm đạo cũng hay bị ngứa, viêm và tăng tỷ lệ bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Lời khuyên: Chỉ vệ sinh vùng ngoài thay vì toàn bộ như trước và nhẹ nhàng rửa sạch mồ hôi và bụi bẩn ở vùng ngoài của “cô bé” dưới vòi hoa sen.
Lười thay băng vệ sinh
Đây là thói quen rất nguy hại vì trong máu có nhiều chất dinh dưỡng rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó làm gia tăng các bệnh phụ khoa.
Lời khuyên: Bất kể lượng máu nhiều hay ít, bạn nên thay băng vệ sinh 3-4 tiếng/lần. Ngày nắng nóng có thể phải thay nhiều hơn.

Cởi bỏ nỗi oan “vô sinh là do phụ nữ”

Lâu nay, người phụ nữ thường phải gánh chịu tất cả lỗi về tình trạng không có con. Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Quán Anh - Giám đốc Phòng khám Tiết niệu và Nam học Tâm Anh, thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Về mặt số liệu thống kê, đàn ông và đàn bà gặp rắc rối như nhau với vô sinh.
Gia tăng nguy cơ từ các chất gây nghiện
Theo PGS.TS Ngô Văn Toàn – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ, Bộ môn Sức khỏe môi trường (Trường ĐH Y Hà Nội), vô sinh bao gồm vô sinh nguyên phát và thứ phát.
Vô sinh nguyên phát là vô sinh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn vô sinh nhưng thêm vào đó, người vợ chưa bao giờ có thai kể từ khi lấy chồng. Ngược lại, vô sinh thứ phát là người vợ đã từng có thai hoặc có con nhưng mong muốn có thai hoặc có thai thêm không được.
PGS.TS Ngô Văn Toàn cũng cho rằng, việc xác định tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng nói chung và của nam giới nói riêng là rất khó khăn. Hầu hết các cặp vợ chồng chỉ khi không có thai trong một thời gian dài, họ mới đi khám và thông báo với thầy thuốc. Một tỷ lệ không nhỏ các cặp vợ chồng còn đi khám, chữa bệnh tại các thầy lang, do vậy việc phát hiện tỷ lệ vô sinh là rất khó.
BS Đặng Quang Tuấn - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cho hay, có thể phân loại nguyên nhân vô sinh nam làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất do nguyên nhân y khoa: Sự sản xuất tinh trùng quá ít, tinh trùng dị dạng hoặc bất động, bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh, nhiễm trùng, xuất tinh ngược dòng, không xuất tinh, tinh hoàn ẩn, rối loạn nội tiết, các rối loạn về tình dục... Nhóm thứ hai do nguyên nhân môi trường: Những người làm việc tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, kim loại nặng, tiếp xúc tia xạ hoặc môi trường làm việc quá nóng bức như các đầu bếp, thợ lò bánh mì, thợ lò gốm, thợ hàn, thợ luyện kim, thợ hồ, tài xế lái xe đường dài...
Nhóm thứ ba là các nguyên nhân về sức khỏe, lối sống và các nguyên nhân khác như: Sử dụng thuốc kích thích phát triển cơ, nghiện cocain, rượu, thuốc lá, stress, thiếu vitamin, thuốc, nghiện chích ma túy... cũng làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới. Các nghiên cứu và các số liệu cho thấy, ma tuý còn gây tác hại lâu dài cho con cái, nòi giống. Các chất ma túy ảnh hưởng đến hệ thống hormone sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục.
Chỉ sau một thời gian nghiện ngập, khả năng đàn ông của những con nghiện sẽ biến mất. Ma túy sẽ làm ức chế việc sản xuất ra hormone vùng dưới đồi, làm cho cơ thể không sản xuất được các testosterone, làm ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa hormone tình dục. Có 40% nam giới sử dụng ma túy bị giảm cương dương, thực nghiệm trên động vật cho thấy, thuốc làm mất sự xuất tinh, thậm chí họ sẽ bị "liệt hẳn".
Trong cả ba nhóm nguyên nhân trên, có thể thấy, nhóm nguyên nhân do môi trường, nhóm nguyên nhân về sức khỏe, lối sống là những nhóm nguyên nhân dễ phòng ngừa nhất.
Nguy cơ bị vô sinh cao nếu nam giới có thói quen xông hơi. Ảnh: TL
Nguy cơ bị vô sinh cao nếu nam giới có thói quen xông hơi. Ảnh: TL
Mắc kẹt vì cái “bản lĩnh đàn ông”
GS.TS Trần Quán Anh cho biết, phần lớn nam giới đến phòng khám đều bắt đầu khám với lý do trục trặc về sinh lý. Trong số những người đến khám, qua quá trình làm các xét nghiệm và điều trị mới biết mình không thể có con. Có bệnh nhân đã “sốc” khi biết được kết quả này, họ cứ nghĩ rằng nguyên nhân không có con là từ người vợ, chứ không phải do mình.
Có những cặp vợ chồng sống với nhau 10 năm không có con, nhưng khi cần tìm ra nguyên nhân thì nam giới dứt khoát không chịu đi khám vô sinh mà bắt vợ phải đi. Nhiều người vợ tới thăm khám ở bác sĩ thì thở phào vì mình “vẫn chạy tốt”, nhưng cửa ải khó khăn nhất là thuyết phục chồng tới bệnh viện kiểm tra.
BS Hồ Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản (ĐHQG TP HCM) cho biết, thiểu năng tinh trùng chiếm đa số các nguyên nhân gây vô sinh nam. Trong nhiều trường hợp, kết quả nguyên nhân hiếm muộn là do người chồng có bất thường ở cơ quan sinh dục.
Điều đáng quan tâm là có những cặp vợ chồng đã đi khám và được kết luận là bình thường nhưng vẫn không thể có con. Trong các nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước, có khoảng 10% cặp vợ chồng vô sinh được chẩn đoán chưa rõ nguyên nhân. Chính điều đó càng khiến các cặp này lo lắng, vấn đề băn khoăn nhất của họ là bình thường nhưng không có con thì liệu có phải điều trị?
Các chuyên gia vẫn khuyên, đối với các trường hợp được kết luận là vô sinh, nên điều trị từ những biện pháp đơn giản nhất, như bơm tinh trùng vào buồng tử cung có kết hợp kích thích buồng trứng... Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Quán Anh, nam giới không nên đợi đến khi trưởng thành, lập gia đình mới đến khám sức khỏe sinh sản mà nên đi khám ngay khi thấy có bất thường.
Phần lớn đàn ông chỉ nghĩ mình bị “trục trặc” vì không hợp với vợ hoặc do mình hơi yếu (?!). Và cũng vì cái tôi “bản lĩnh đàn ông” không thể lôi ra để giãi bày nên nhiều người đành để “cái tiếng” cho vợ. Sự im lặng, không chịu đến các bệnh viện khám chữa đã khiến nhiều gia đình tan nát. Chỉ đến khi niềm mong mỏi có mụn con nối dõi trở nên quá xa vời họ mới chịu đến tìm bác sĩ. Lúc này việc điều trị, chữa bệnh càng khó khăn hơn.
Trong vấn đề vô sinh nam thì có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này. Đặc biệt, những người có thói quen tắm, ngâm mình trong nước nóng, xông hơi mỗi tuần 1-2 lần cũng có nguy cơ bị vô sinh. Bởi khi tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ làm tăng nhiệt độ của tinh hoàn (cũng có nghĩa là làm giảm sự sinh tinh), trong khi nhiệt độ của tinh hoàn luôn phải thấp hơn 1-20C nhiệt độ cơ thể.

Mai Anh/Báo Gia đình & Xã hội

Cắt buồng trứng dự phòng ung thư: Những lợi ích và nguy cơ

Phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng là phẫu thuật để cắt bỏ cả hai buồng trứng và thường kèm theo cả ống dẫn trứng. Buồng trứng là cơ quan sản sinh trứng và cũng là nguồn hoóc-môn estrogen và progesterone chính của cơ thể. Ống dẫn trứng là nơi nối giữa buồng trứng với tử cung.
Với những phụ nữ bị xem là có “nguy cơ cao” bị ung thư vú và buồng trứng, cắt buồng trứng dự phòng là một chiến lược có thể nghĩ đến để giảm nguy cơ bị bệnh. Có “nguy cơ cao” đồng nghĩa với việc người phụ nữ đó có xét nghiệm dương tính với bất thường ở gen BRCA1 hoặc BRCA2, cũng có nghĩa là có tiền sử gia đình bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, hoặc cả hai rất rõ.
Cắt buồng trứng dự phòng ung thư: Những lợi ích và nguy cơ
Những lợi ích của phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng
Giảm nguy cơ ung thư vú: Nhiều nghiên cứu cho thấy cắt buồng trứngdự phòng làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ nguy cơ cao. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, phẫu thuật này sẽ làm giảm 50% số ca mắc mới ung thư vú ở phụ nữ nguy cơ cao.
Lợi ích này chỉ có được nếu việc phẫu thuật được tiến hành trước khi mãn kinh. Cắt buồng trứng trước khi mãn kinh làm giảm đáng kể lượng estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Do một số ung thư vú cần estrogen để phát triển, nên việc cắt bỏ buồng trứng có thể làm chậm hoặc thậm chí làm ngừng tiến triển của các tế bào ung thư vú.
Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy mức giảm nguy cơ ung thư vú sau khi cắt buồng trứng còn cao hơn ở những phụ nữ mang đột biến gen BRCA2.
Cắt buồng trứng dự phòng ung thư: Những lợi ích và nguy cơ
Phẫu thuật dự phòng phối hợp giảm nguy cơ của cả ung thư vú và ung thư buồng trứng
Một nghiên cứu nhỏ trên 12 phụ nữ năm 2008 cho thấy phẫu thuật dự phòng cắt đồng thời cả buồng trứng và vú là an toàn và thành công. 7 năm sau mổ, không người nào trong số này phát hiện thấy ung thư. Mặc dù cần nghiên cứu thêm, song phẫu thuật kết hợp cả hai có thể vừa làm giảm nguy cơ vừa giúp tránh được một ca mổ và nằm viện lần hai.
Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng: Dù thực hiện trước hay sau khi mãn kinh, phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng có thể làm giảm 90% nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ nguy cơ cao. Đây là một lợi ích quan trọng vì hiện chưa có xét nghiệm tầm soát nào đáng tin cậy đối với ung thư buồng trứng.
Việc phát hiện sớm ung thư buồng trứng là rất khó khăn. Vì lý do này, chẩn đoán thường chỉ có được khi ung thư đã ở giai đoạn muộn và khó điều trị.
Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy mức giảm nguy cơ ung thư buồng trứng sau mổ cắt buồng trứng là lớn hơn ở phụ nữ mang đột biến gen BRCA1.
Các nguy cơ
Giống như mọi phẫu thuật khác, mổ cắt buồng trứng dự phòng có một số nguy cơ. Đối với phụ nữ chưa mãn kinh, nó khiến cơ thể bị mất kinh, có thể gây ra những triệu chứng khó chịu và những tác dụng phụ khác. Tác động sức khỏe lâu dài của mất kinh do phẫu thuật cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Nguy cơ ngay sau mổ: có thể gồm
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng
- Sẹo, nhất là nếu mổ mở (thay vì mổ nội soi). Mô sẹo có thể đau.
- Tắc ruột và/hoặc tổn thương các cơ quan bên trong, mặc dù hiếm gặp
Nguy cơ trước mắt: Những tác dụng phụ sau đây có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần sau mổ:
- Đau do vết mổ hoặc do bơm khí vào khoảng ổ bụng để mổ nội soi
- Mệt mỏi trong 3-4 tuần sau mổ nội soi và có thể tới 6 tuần nếu phẫu thuật có đường mổ ở bụng lớn hơn
- Thay đổi ở hệ tiêu hóa, bao gồm chán ăn, ít đi ngoài và cần ăn nhiều bữa nhỏ
- Bắt đầu các triệu chứng mãn kinh liên quan tới mất estrogen, như bốc hỏa, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, khô và kích ứng âm đạo. Những triệu chứng này thường mạnh hơn đối với những người chưa bắt đầu mãn kinh tự nhiên.
Nguy cơ lâu dài
- Mổ cắt buồng trứng dự phòng là vĩnh viễn và không thể khôi phục lại được.
- Phụ nữ mổ cắt buồng trứng dự phòng không thể có con được nữa.
- Phụ nữ chưa mãn kinh thường bị mãn kinh do phẫu thuật, làm tăng nguy cơ loãng xương và các triệu chứng khó chịu của mãn kinh, bao gồm bốc hỏa/đổ mồ hôi trộm, khô và kích ứng âm đạo, và giảm ham muốn.
- Sau phẫu thuật, một số phụ nữ bị trầm cảm hoặc lo âu về việc mất khả năng sinh đẻ, cũng như những tác dụng phụ khác như giảm ham muốn và khô âm đạo. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.
- Có những ý kiến trái ngược nhau về việc liệu có nên dùng liệu pháp thay thế hoóc môn (HRT) sau mổ cắt buồng trứng hay không. HRT có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh và mang lại những lợi ích sức khỏe khác cho phụ nữ trẻ. Nghiên cứu cho thấy HRT ngắn ngày là an toàn cho những phụ nữ cần giảm những tác động tức thì của mất kinh do phẫu thuật. Tuy nhiên, cá nhân các bác sĩ có những quan điểm khác nhau về việc này. Việc đưa ra quyết định về HRT có thể khiến một số phụ nữ cảm thấy bối rối và lo lắng.
- Mặc dù cắt buồng trứng sự phòng làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng, song nó không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị một bệnh tương tự ung thư buồng trứng gọi là ung thư phúc mạc tiên phát. Đây là loại ung thư bắt nguồn ở phúc mạc – lớp mô bao phủ buồng trứng và tiểu khung. Ung thư phúc mạc có đặc điểm rất giống với ung thư buồng trứng, và cũng rất khó phát hiện sớm.
Những triệu chứng khác có thể gặp phải sau phẫu thuật cắt buồng trứng dự phòng:
- Đau cơ và khớp
- Đau ngực/đánh trống ngực
- Co thắt cơ (chuột rút)
- Khó ngủ
- Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm nấm tái phát
- Tiểu không tự chủ
- Những tác động về cảm xúc như lo âu, trầm cảm và thay đổi tâm trạng
Cắt buồng trứng sự phòng có thể có những nguy cơ lâu dài khác mà chưa biết. Các bác sĩ còn chưa hiểu hết tác động của mất estrogen đến sức khỏe tim, chức năng tâm thần, trí nhớ và những khía cạnh khác của cuộc sống người phụ nữ.
Nghiên cứu năm 2006 của Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) trên hơn 2.500 phụ nữ thấy rằng những người dưới 45 tuổi đã cắt buồng trứng mà không dùng liệu pháp thay thế ho óc môn bị tăng nguy cơ tử vong do một số bệnh khi về già. Những phụ nữ này cũng tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và những thay đổi khác trong chức năng tâm thần.
Cho đến khi các bác sĩ biết rõ thêm về tác động của cắt buồng trứng đối với sức khỏe lâu dài ở phụ nữ trẻ, thì mỗi người cần làm việc với chính bác sĩ của mình để cân nhắc về những nguy cơ và lợi ích của phẫu thuật này.

Với những người có nguy cơ cao bị ung thư vú và buồng tgrwngs, điều quan trọng là phải bàn bạc về mọi lựa chọn để giảm nguy cơ với bác sĩ và người thân. Cũng cần tham khảo những ý kiến khác về việc liệu mổ cắt buồng trứng dự phòng có phải là chiến lược hiệu quả toàn diện hay không– cả về bệnh và về chất lượng sống.

Trẻ sinh non vì mẹ không chăm sóc răng tốt

Chị Nguyễn Thị H. (28 tuổi, Long An) sinh con gần một tuần rồi nhưng vẫn chưa bế được bé, vì bé chào đời lúc mới 32 tuần tuổi và chỉ nặng gần 2kg. Con gái chị vẫn đang nằm trong lồng kính vì suy hô hấp. Chị nhớ lại, quá trình mang thai vẫn bình thường, ăn uống điều độ, không hút thuốc lá hay uống rượu. Tuy nhiên, các BS cho biết chị bị viêm nha chu - một trong những nguyên nhân khiến chị sinh con non tháng nhẹ cân. Chị H. bàng hoàng, trước khi mang thai chị không đi khám răng như lời tư vấn của BS sản khoa. Chị vẫn cho rằng chuyện đó không quan trọng. Trong suốt thời gian mang thai, nướu răng của chị thường bị chảy máu mỗi khi đánh răng.
Trẻ sinh non vì mẹ không chăm sóc răng tốt
Trẻ sinh non được chăm sóc ở khoa Sơ sinh BV. Từ Dũ
Sinh non (tuổi thai dưới 37 tuần) và sinh nhẹ cân (trọng lượng thai dưới 2.500g) là nguyên nhân chính gây nên tử suất và bệnh suất sơ sinh cao với các di chứng lâu dài. Tại BV. Từ Dũ, trong năm 2012 số sinh lên tới 62.000 ca, số trẻ sinh non - nhẹ cân là 6051 bé, chiếm khoảng 10%. Nhiều yếu tố ở mẹ tác động sinh non - nhẹ cân như thai phụ quá nhỏ (<17 tuổi) hoặc quá lớn (>34 tuổi), đa thai, chăm sóc tiền sản kém, thai phụ hút thuốc lá - uống rượu, tăng huyết áp, đái tháo đường, lao động cực nhọc, hoặc nhiễm khuẩn niệu phụ khoa… Tuy vậy, khoảng 25% trường hợp sinh non - nhẹ cân không do các lý do trên. Viêm nha chucó thể chiếm khoảng 18% trong số 25% này.
Theo GS. Trần Thị Lợi - Chuyên ngành Sản khoa (ĐH Y Dược TP.HCM), khoảng 10% số sản phụ mắc bệnh nha chu, đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra những kết cuộc xấu của thai kỳ như sinh non - nhẹ cân. Khi mẹ mang thai, progesteron (một nội tiết tố) làm giảm sức đề kháng miễn nhiễm, những bệnh lý răng miệng: viêm nướu, viêm nha chu tiến triển rất nhanh. Nếu không điều trị kịp thời, lớp mô nâng đỡ, các dây chằng giữ răng bị phá hủy, làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng là mất răng, dù răng còn nguyên vẹn không sâu.
Khi bị viêm nha chu, các vi khuẩn có thể phóng sinh ra các chất gây cơn gò tử cung, dẫn đến tình trạng sinh non - sinh nhẹ cân. Theo khảo sát của BV. Từ Dũ, sản phụ bị viêm nha chu có nguy cơ sinh non - sinh nhẹ cân gấp 2,2 lần so với sản phụ không bị viêm nha chu. Các chuyên gia sản khoa cho biết, các sản phụ phải chăm sóc răng miệng tốt trong thời gian mang thai để có kết cuộc thai kỳ tốt tránh sinh non - sinh nhẹ cân bằng nhiều biện pháp tương đối đơn giản: chải răng 2 lần mỗi ngày, làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa 1 lần/ngày, súc miệng sạch.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Dự phòng suy tim liên quan đến thai sản

Thuật ngữ bệnh cơ tim chu sinh (BCTCS), được các nhà lâm sàngtim mạch dùng cho những trường hợp suy tim có liên quan đến thai sản.
BCTCS bắt đầu ở tuần 20 của thai kỳ và kết thúc ở giai đoạn hậu sản gọi là chu sinh. Đôi khi trên thực tế, BCTCS cũng xảy ra trên những sản phụ có tuổi thai sớm hơn, sảy thai to, hoặc sau giai đoạn hậu sản. Đây là bệnh hiếm gặp, nhưng tỉ lệ tử vong cao. Biểu hiện cơ tim giãn với dấu hiệu suy tim nặng.
Hiểu biết bệnh lý về BCTCS có cách phòng ngừa tốt để tránh xảy ra tình trạng bệnh nặng, cũng như loại trừ khả năng nguy hiểm đến tính mạng cho sản phụ.
Dự phòng suy tim liên quan đến thai sản
LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC
Để phòng ngừa suy tim liên quan đến thai sản cần có chế độ khám thai và chăm sóc thai chu đáo. Sản phụ cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khám thai, đặc biệt lưu ý những sản phụ có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật, đa thai, sinh nhiều lần, trong những tháng cuối cần tầm soát hệ tim mạch như: đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim… Cần có chế độ nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ, chế độ ăn lạt, uống nước đủ. Sau khi sinh, cần tầm soát một khi có những dấu hiệu nghi ngờ trong giai đoạn trước hoặc lúc chuyển dạ sinh. Dùng thuốc kháng đông heparin có trọng lượng phân tử thấp với 2 liều Levonox sau sinh để phòng thuyên tắc mạch, cần vận động sớm. Ăn uống đủ dinh dưỡng, chú ý canxi và các vitamin khác.
Các yếu tố và tần suất mắc bệnh
Bệnh thường gặp ở sản phụ ≥ 30 tuổi, 82% số trường hợp bệnh được phát hiện trong vòng những đầu tháng sau sinh (45% phát hiện bệnh ở tuần đầu tiên, 75% ở tháng đầu tiên sau sinh), chỉ khoảng 7% trường hợp phát hiện bệnh vào tháng cuối thai kỳ. Các sản phụ đa thai, sinh nhiều lần, tăng huyết áp trong thai kỳ hoặc tiền sản giật có nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sản cao 5 - 7 lần so với nhóm sản phụ bình thường.
Theo thống kê tại Mỹ, tỉ lệ này là 1: 3.000 - 4.000 trường hợp thai sản. Tỉ lệ này có vẻ cao hơn ở Nam Phi 1: 1.000, và ở nhóm người Mỹ gốc Phi, Haiti được biết là nơi có tỉ lệ bệnh cao nhất với 1: 299. Tại châu Á, bệnh được báo cáo tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, chưa có thống kê nào được công bố, tuy vậy bệnh vẫn gặp rải rác ở miền Bắc, Trung, Nam.
Bệnh xảy ra như thế nào?
Cho đến nay mặc dù có nhiều nghiên cứu, song rất khó khăn để xác định bệnh nguyên và cơ chế bệnh sinh của BCTCS. Đây là một dạng của bệnh cơ tim giãn vô căn, xảy ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ và giai đoạn hậu sản. Chuỗi phản ứng viêm khởi phát cho quá trình tổn thương cơ tim gây hoại tử, xơ hóa, chết theo chương trình là nền tảng gây ra giảm sức co bóp của cơ tim gây ra suy tim. Dù rằng có nhiều giả thuyết, song hiện tại có 2 nguyên nhân được cho là có mối liên hệ nhiều nhất, đó là sự thay đổi hoóc-môn do quá trình mang thai, mà đặc biệt là prolactin và nguyên nhân thứ hai là viêm cơ tim do virút. Sau nhiễm virút, đáp ứng miễn dịch bệnh lý có thể xuất hiện trực tiếp chống lại protein mô cơ tim làm rối loạn chức năng tâm thất. Các chủng Parvovirus B19, Cytomegalovirus, Human Herpes virus 6 và Epstein-Barr virus được cho là tác nhân thường gặp. Ngoài ra, người ta còn thấy nguyên nhân do di truyền lạ, hiện tượng này cho là tế bào thai tồn tại trong cơ thể người mẹ tạo ra đáp ứng miễn dịch.
Biểu hiện lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng: giống như hội chứng suy tim chung, suy tim do BCTCS có đầy đủ triệu chứng lâm sàng của một bệnh cảnh suy tim như: giới hạn hoạt động thể lực, khó thở, phù mắt cá, ho khi nằm đầu thấp, nhịp tim nhanh, gallop T3 (nghe tim tiếng ngựa phi), diện tim đập rộng, tĩnh mạch cổ nổi. Một vấn đề khó khăn là các triệu chứng khó thở, phù ngoại biên và nhịp tim nhanh là những biểu hiện có thể gặp ở một phụ nữ mang thai bình thường, đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ. Đây là lý do làm cho sản phụ có BCTCS phát hiện bệnh muộn và là thách thức cho bác sĩ sản khoa, thậm chí bác sĩ tim mạch khi đặt vấn đề chẩn đoán suy tim ở những sản phụ trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Việc chẩn đoán bệnh cơ tim chu sản sẽ dễ dàng hơn khi xuất hiện triệu chứng suy tim ở giai đoạn sau sinh. Ngày nay, với sự hỗ trợ của siêu âm tim việc chẩn đoán BCTCS trở nên dễ dàng hơn, giúp hạn chế bỏ sót và sai lầm trong chẩn đoán. Phù phổi cấp, thuyên tắc mạch, rối loạn nhịp tim cũng đều có thể là những biểu hiện và là nguyên nhân khiến sản phụ nhập viện.
Triệu chứng cận lâm sàng: đo điện tim: được ghi nhận trên điện tim đồ bề mặt. Thường gặp nhịp nhanh xoang, rung nhĩ, hoặc các dạng rối loạn nhịp. Dấu hiệu phì đại thất trái, block nhánh, rối loạn dẫn truyền nội thất cũng thường gặp do buồng thất giãn rộng. Siêu âm tim: hình ảnh gợi ý chẩn đoán là hình ảnh bệnh cơ tim giãn với phân suất tống máu (EF) 20 - 30%, thậm chí có nhiều trường hợp EF < 20%. Phân suất co rút (FS) < 30%, thất trái giãn rộng, có thể thấy huyết khối thành thất. Siêu âm tim được khuyên, lặp lại sau 6 tuần, 6 tháng và mỗi năm theo dõi điều trị. Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương tiện bổ sung để chẩn đoán BCTCS. Bắt thuốc cản từ muộn MRI tim giúp cho việc chẩn đoán hoại tử cơ tim do thiếu máu hay do viêm cơ tim. Hình ảnh MRI của tổn thương cơ tim do BCTCS là hình ảnh dạng nốt, dạng dải dưới thượng tâm mạc, trái ngược với hình ảnh tổn thương cơ tim do thiếu máu là tổn thương xuyên thành hoặc tổn thương dưới nội mạc. Xét nghiệm, nồng độ Troponin I, troponin T tăng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh
- Xuất hiện triệu chứng suy tim trong giai đoạn chu sản (những tháng cuối trước sinh hoặc trong vòng 5 tháng sau sinh).
- Không có bằng chứng của bệnh suy tim trước đó cho đến khi phát hiện bệnh.
- Không có một nguyên nhân bệnh lý nào khác được xác định là có khả năng gây suy tim.
- Tiêu chuẩn siêu âm tim: phân suất tống máu (EF) ≤ 45%, và hoặc phân suất co rút thất trái < 30%, và đường kính thất trái cuối tâm trương ≥ 2.7cm/m2.
Điều trị như thế nào?
Những điều cơ bản trong điều trị: như hạn chế muối và sản phẩm mặn khi vào cơ thể, hạn chế dịch, tăng sức co bóp cơ tim, giảm hậu tải và tiền tải, phòng ngừa thuyên tắc mạch, kiểm soát rối loạn nhịp luôn được chú trọng trong việc điều trị BCTCS. Dù vậy, bệnh có liên quan đến thai kỳ và cho con bú nên có những đặc thù trong việc chọn lựa thuốc theo từng giai đoạn. Điều trị suy tim ở 3 tháng cuối của thai kỳ là sự phối hợp của chuyên khoa: tim mạch, sản khoa. Vì tính an toàn cho thai nhi, sản phụ phải được thông báo trước những biến cố do bệnh và do hậu quả không mong muốn của việc điều trị gây ra. Chăm sóc và theo dõi lúc sản phụ chuyển dạ. Hạn chế dịch < 2 lít/ngày, hạn chế muối 2 - 4g/ngày. Thuốc giãn mạch như nitrat, hydralazin được xem xét sử dụng nếu lợi tiểu không đủ cải thiện tiền tải. Thuốc chẹn beta là thuốc nền tảng trong điều trị suy tim, đặc biệt ở nhóm bệnh cơ tim giãn. Nhóm thuốc này được sử dụng trong thời gian dài để điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai mà không gây tác dụng phụ nào trên thai nhi, vì vậy chẹn beta được dùng nếu không có chống chỉ định. Digoxin: thuốc tăng co bóp cơ tim, được chỉ định điều trị suy tim do BCTCS giai đoạn trước sinh sau khi đã sử dụng những nhóm thuốc trên mà chưa cải thiện triệu chứng suy tim. Nguy cơ tạo huyết khối ở bệnh cơ tim giãn nở cao, đặc biệt có EF< 35% và nguy cơ tăng đông ở sản phụ mang thai, vì vậy phòng ngừa huyết khối là cần thiết cho BCTCS. Heparin trọng lượng phân tử thấp không qua hàng rào nhau thai là chọn lựa phù hợp.
Chăm sóc một BCTCS trong chuyển dạ sinh cần có sự phối hợp giữa bác sĩ sản khoa, tim mạch, và gây mê. Sản phụ cần được điều trị suy tim tối ưu trước dự sinh. Gây tê vùng, giảm đau ngoài màng cứng được đề nghị nhằm làm giảm gắng sức do đau, sinh qua ngả âm đạo vẫn là chọn lựa ưu tiên vì nguy cơ thuyên tắc phổi, mất nhiều máu, viêm nội mạc tử cung cao hơn ở nhóm bệnh sinh mổ. Dù vậy, việc quá thận trọng với chỉ định mổ bắt con có thể gây hại cho mẹ và thai nhi. Điều trị những biến chứng cấp của suy tim như: cơn phù phổi cấp, rối loạn nhịp được sử dụng thuốc như những trường hợp suy tim thông thường.
Điều trị BCTCS cho sản phụ sau sinh giống như điều trị giai đoạn trước sanh, chỉ thêm là bổ sung nhóm ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II - nhóm thuốc có khả năng cải thiện tỉ lệ tử vong cho bệnh suy tim có chức năng thất trái suy giảm. Thuốc captopril và enalapril thường được chọn lựa nếu sản phụ cho co bú, vì những thuốc này bài tiết ít qua sữa mẹ. Lợi tiểu kháng aldosteron được chỉ định cho những bệnh nhân suy tim.

BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons