Khi có thai cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, làm việc, nghỉ ngơi hợp
lý, khám theo dõi thai định kỳ, uống bổ sung viên sắt và axit folic
theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và sự phát
triển của thai nhi. Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu ở âm
đạo,… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ khám và điều
trị kịp thời nếu có nguy cơ sảy thai.
Cần chú ý dấu hiệu dọa sảy thai
Dọa sảy thai (động thai) thường gặp ở những tuần lễ
đầu của thai kỳ. Nguyên nhân có thể là sự bất thường về nhiễm sắc thể,
bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai, một số bệnh của mẹ như: sốt cao, suy
tim, bệnh thận mạn tính, mất cân bằng nội tiết, các bệnh về tử cung
(viêm nhiễm cổ tử cung, u tử cung, ung thư cổ tử cung, tử cung co rút
khác thường), thai phụ bị suy nhược, làm việc quá sức, chế độ nghỉ ngơi
không hợp lí, ăn uống thiếu dưỡng chất,...
Dấu hiệu đầu tiên là đau bụng, thai phụ cảm thấy hơi
đau tức ở bụng dưới và mỏi ở vùng thắt lưng, có thể có ít dịch màu hồng
nhạt hoặc vài giọt máu chảy ra ở âm đạo...
Phụ nữ có thai cần khám thai định kỳ và khám ngay nếu có bất thường để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Ảnh: MH
|
Các triệu chứng phân biệt dọa sảy thai và sảy thai thực sự
Dọa sảy thai: Thường có xuất huyết âm đạo và đau bụng. Thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung.
Sảy thai: Thai nhi đã chết và đang được đẩy ra ngoài. Có thể là sảy thai hoàn toàn và không hoàn toàn.
- Sảy thai hoàn toàn là toàn bộ thai nhi và nhau thai
cùng bị tống ra một lúc, bụng hết đau nhưng máu vẫn có thể tiếp tục rỉ
ra như kinh nguyệt.
- Sảy thai không hoàn toàn là một phần của thai và
nhau thai vẫn còn trong tử cung. Bụng bớt đau hơn nhưng máu âm đạo vẫn
chảy liên tục, thậm chí có thể bị băng huyết.
Cần làm gì khi có dấu hiệu doạ sảy thai?
Thai phụ nếu thấy có các dấu hiệu dọa sảy thai trước
tiên cần nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tránh xoa bóp bụng, kiêng giao
hợp tuyệt đối và cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa sản để các bác sĩ
kiểm tra và có chỉ định dùng thuốc giảm cơn co tử cung, hỗ trợ hoàng thể
để tránh sảy thai.
Nếu đã điều trị tích cực mà vẫn ra huyết nhiều hoặc đau bụng nhiều
hơn, các bác sĩ sẽ có biện pháp chẩn đoán chính xác tình trạng thai và
có quyết định phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều
trị và hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa. Phụ nữ nếu đã bị sảy
thai cần khám toàn diện cũng như được tư vấn cẩn thận trước khi mang
thailần sau.
Bác sĩ Minh Vũ
Đọc Nhiều Nhất
0 nhận xét:
Đăng nhận xét