Gọi là rau tiền đạo khi rau không bám hoàn toàn vào
thân tử cung mà một phần hay toàn bộ bánh rau bám vào đoạn dưới tử
cung, gây chảy máu… có thể dẫn đến băng huyết khi sinh, gây nguy hiểm
đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Vì vậy, việc chẩn đoán và xử trí
đúng rau tiền đạo có một tầm quan trọng đặc biệt nhằm hạn chế tai biến
sản khoa.
Rau tiền đạo là gì?
Bánh rau được hình thành từ rất sớm cùng với sự phát
triển của thai nhi. Nó giống như một đĩa có đường kính khoảng 20 - 25cm,
dày khoảng 2,5 - 3cm, mỏng dần về phía bìa và có cân nặng khoảng 500 -
600g. Hệ thống mạch máu của bánh rau được tập trung thành hai động mạch
và một tĩnh mạch rốn nối liền với thai nhi, được gọi là dây rau hay dây
rốn, có chiều dài 35 - 60cm.
Bình thường bánh rau bám vào mặt trước, sau. Trong
trường hợp bánh rau bám ở đoạn dưới tử cung, che một phần hay che kín cổ
tử cung thì được gọi là rau tiền đạo. Rau tiền đạo nghĩa là bánh rau
nằm trước đường đi của thai nhi khi sinh ngả âm đạo. Do đó, trong những
trường hợp này đa số phải mổ lấy thai.
![]()
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho thai phụ xã Phước Hà (Ninh Phước - Ninh Thuận).
Ảnh: Sơn Ngọc
|
Ai dễ mắc?
Theo thống kê, rau tiền đạo chiếm khoảng 0,5 - 1%
trong tổng số ca đẻ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đa số bệnh lý rau tiền
đạo hay gặp ở các bà mẹ đẻ nhiều lần, viêm nhiễm sinh dục, tiền sử nạo
hút thai nhiều lần hoặc có tiền sử mổ lấy thai, tử cung bất thường (dị
dạng, có u xơ). Tuy nhiên nhiều trường hợp rau tiền đạo xuất hiện ở cả
người con so.
Các dấu hiệu nghi ngờ
Trong quá trình thai kỳ, đột ngột thai phụ bị ra
huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại, không đau bụng. Triệu
chứng ra huyết âm đạo có thể lặp lại nhiều lần và lần sau thường ra
huyết nhiều hơn lần trước. Nếu thai phụ đi lại nhiều, lao động nặng,
giao hợp… thì dễ bị ra huyết hơn. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng bất
thường, ra máu cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời
tránh nguy hại cho mẹ và thai nhi.
Nguy hiểm cho mẹ và thai nhi
Do ra huyết âm đạo nên thai phụ sẽ bị thiếu máu và
thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai. Nếu ra huyết nhiều, không được
chẩn đoán sớm có thể tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, khi thai phụ
ra huyết âm đạo cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và
điều trị.
Phòng bệnh
Khi không có kế hoạch sinh con cần sử dụng các biện
pháp tránh thai an toàn nhằm tránh có con ngoài ý muốn, hạn chế sử dụng
các thủ thuật nạo, hút thai. Cần thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đẻ ít
con. Thường xuyên khám và điều trị phụ khoa nhằm hạn chế viêm đường sinh
dục…
Khi có thai, cần thực hiện khám thai đầy đủ tại các cơ sở y tế gần nhất để phát hiện sớm những bất thường để xử lý kịp thời.
Thạc sĩ, Bác sĩ Minh Hạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét