Trẻ sinh non được chăm sóc ở khoa Sơ sinh BV. Từ Dũ
Sinh non
(tuổi thai dưới 37 tuần) và sinh nhẹ cân (trọng lượng thai dưới 2.500g)
là nguyên nhân chính gây nên tử suất và bệnh suất sơ sinh cao với các
di chứng lâu dài. Tại BV. Từ Dũ, trong năm 2012 số sinh lên tới 62.000
ca, số trẻ sinh non - nhẹ cân là 6051 bé, chiếm khoảng 10%. Nhiều yếu tố ở mẹ tác động sinh non
- nhẹ cân như thai phụ quá nhỏ (<17 tuổi) hoặc quá lớn (>34
tuổi), đa thai, chăm sóc tiền sản kém, thai phụ hút thuốc lá - uống
rượu, tăng huyết áp, đái tháo đường, lao động cực nhọc, hoặc nhiễm khuẩn
niệu phụ khoa… Tuy vậy, khoảng 25% trường hợp sinh non - nhẹ cân không do các lý do trên. Viêm nha chu có thể chiếm khoảng 18% trong số 25% này.Theo GS. Trần Thị Lợi - Chuyên ngành Sản khoa (ĐH Y Dược TP.HCM), khoảng 10% số sản phụ mắc bệnh nha chu, đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra những kết cuộc xấu của thai kỳ như sinh non - nhẹ cân. Khi mẹ mang thai, progesteron (một nội tiết tố) làm giảm sức đề kháng miễn nhiễm, những bệnh lý răng miệng: viêm nướu, viêm nha chu tiến triển rất nhanh. Nếu không điều trị kịp thời, lớp mô nâng đỡ, các dây chằng giữ răng bị phá hủy, làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng là mất răng, dù răng còn nguyên vẹn không sâu.
Khi bị viêm nha chu, các vi khuẩn có thể phóng sinh ra các chất gây cơn gò tử cung, dẫn đến tình trạng sinh non - sinh nhẹ cân. Theo khảo sát của BV. Từ Dũ, sản phụ bị viêm nha chu có nguy cơ sinh non - sinh nhẹ cân gấp 2,2 lần so với sản phụ không bị viêm nha chu. Các chuyên gia sản khoa cho biết, các sản phụ phải chăm sóc răng miệng tốt trong thời gian mang thai để có kết cuộc thai kỳ tốt tránh sinh non - sinh nhẹ cân bằng nhiều biện pháp tương đối đơn giản: chải răng 2 lần mỗi ngày, làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa 1 lần/ngày, súc miệng sạch.
Bài, ảnh: PHƯƠNG KHÁNH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét