Dấu hiệu khó phát hiện
Dấu hiệu u buồng trứng ở phụ nữ mang thai cũng giống như người bình thường không có thai là thường không rõ triệu chứng ở giai đoạn đầu. Người bệnh có thể chỉ có những dấu hiệu mơ hồ như: đau lưng, hơi căng bụng, trằn bụng, thấy bụng to hơn (dấu hiệu này ở phụ nữ mang thai thường khó phát hiện hơn),…
Ảnh minh hoạ
Ảnh hưởng của u buồng trứng khi mang thai
U buồng trứng khi mang thai có thể gây sảy thai do hoàng thể phát triển không đầy đủ trong những tuần đầu của thai nghén gây sảy thai hoặc do khối u chèn ép vào tử cung, kích thích tử cung, làm cho tử cung co bóp nên thai bị đẩy ra ngoài. Hoặc thai nhi vẫn phát triển bình thường trong hai quý đầu, nhưng sang quý III, khối u to chèn ép tử cung, kích thích co bóp gây đẻ non.
Ngoài ra, khối u buồng trứng có thể cản trở sự bình chỉnh ngôi thai do khối u của buồng trứng chèn ép vào tử cung khiến ngôi thai bất thường như ngôi ngang, ngôi ngược,... và có thể cản trở tiến triển quá trình chuyển dạ nên phải mổ lấy thai.
Điều trị thế nào?
Khi bị u nang buồng trứng cần phải phẫu thuật lấy khối u ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Nhưng đối với phụ nữ mang thai có khối u buồng trứng, nếu xảy ra vào 3 tháng đầu các bác sĩ thường chỉ định theo dõi chặt chẽ và chờ hết 3 tháng đầu mới thực hiện phẫu thuật để tránh gây sảy thai. Nếu u buồng trứng được phát hiện vào 3 tháng cuối thì thường chờ đến sau sinh mới thực hiện phẫu thuật. Trong quá trình theo dõi, xét nghiệm đánh giá, siêu âm nếu thấy khối u lớn nhanh, nghi ngờ thoái hoá ác tính thì phải thực hiện phẫu thuật ngay để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người mẹ.
Thai phụ cần lưu ý: Khi có thai, phải khám ngay từ tháng đầu tiên để được xét nghiệm, trong đó có siêu âm phát hiện u buồng trứng để được theo dõi, điều trị thích hợp. Nếu khám phát hiện muộn sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai kỳ và sức khỏe người mẹ.
BS. Nguyễn Thị Hoa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét