Nôn nhiều lần: Thông thường ở thời kỳ đầu của thai nghén nhiều thai phụ hay nôn do nghén. Nếu tình trạng nôn ít, thưa thì có thể dần hết khi thai nhi phát triển lớn hơn. Tuy nhiên, nếu nôn mửa nhiều lần và có tính liên tục, ăn vào thứ gì nôn ra thứ ấy, thậm chí kể cả nước uống thì có thể dẫn tới mất nước và điện giải, nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, cần đi khám và điều trị ngay.
Khi có biểu hiện bất thường thai phụ cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn. Ảnh: DN
Bất thường ở âm đạo: Tháng đầu của thai nghén có thể có chút ít máu, nếu không thấy có triệu chứng gì khác thì đó là hiện tượng bình thường nhưng nếu âm đạo chảy máu đỏ tươi (thấm được băng vệ sinh hoặc ra chất như nước) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Tiểu tiện khác thường: Trong thời kỳ có thai, những sự thay đổi về sinh lý nội tiết thần kinh và cơ thể tạo thành cơ chế sinh bệnh nhiễm trùng tiết niệu như dưới tác dụng của Progesterone khi mang thai sẽ làm nhu động ruột, nhu động niệu quản giảm nên sản phụ hay bị táo bón và ứ đọng nước tiểu hơn. Nếu tiểu có cảm giác rát đau hoặc có đau bụng, bị lạnh và sốt, có khả năng bị viêm nhiễm hệ tiết niệu.
Đau lưng, đau bụng: Trong quá trình mang thai, nhất là những tháng cuối của thai kỳ người mẹ thường bị đau lưng, tức bụng (hơi đau bụng) có thể do quá trình thai nhi phát triển đạp khiến người mẹ khó chịu nhưng nếu thai phụ đau từng cơn, kèm theo mỏi lưng, nhất là có hiện tượng chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu báo trước của sảy thai hoặc sinh non, rau tiền đạo… cần nhập viện sớm để được bác sĩ khám và xử trí kịp thời.
Khó thở, thở ngắn: Cuối kỳ mang thai, nếu làm việc nặng, thai phụ thường có cảm giác thở ngắn, hụt hơi. Phần nhiều đó là hiện tượng bình thường, nhưng nếu hoạt động nhẹ hoặc ở trạng thái nghỉ ngơi cũng bị thở ngắn rõ rệt hoặc tim đập mạnh khó thở đến mức không nằm được thì có thể nghĩ đến bệnh tim, cần phải khám và điều trị sớm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Khánh vân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét