Tiền sản giật – sản giật là
hai thuật ngữ mô tả bệnh lý trong thai kỳ xảy ra bởi huyết áp tăng cao, tiểu
đạm và phù. Đây là một trong 5 tai biến sản khoa gây ra biến chứng tử vong mẹ
và con với tỉ lệ cao. Chủ trương của
ngành y tế là tích cực phòng chống Sản giật bằng cách quản lý thai tốt, qua đó
phát hiện những triệu chứng của Tiền sản giật để điều trị sớm, nhờ vậy sẽ không
chuyển biến sang sản giật.
Tại sao có tiền sản giật và
sản giật trong thai kỳ?
Bình thường, thai nhi phát
triển trong tử cung (TC) của người mẹ và sự phát triển đó nhờ sự nuôi dưỡng bởi
bánh nhau. Cơ quan bánh nhau có vai trò rất quan trọng, với chức năng chính
trao đổi các chất dinh dưỡng từ máu của mẹ sang thai nhi. Để đảm bảo vai trò
này, trong bánh nhau có các gai nhau cắm sâu vào niêm mạc TC của người mẹ để
lấy nguồn cung cấp máu có oxy đến, đồng thời cũng trả lại máu có CO2. Chính
điều đó, khi gai nhau tiếp xúc với người mẹ - đây là yếu tố so với cơ thể người
mẹ là yếu tố lạ nếu có kèm các vấn đề như: bệnh lý về mạch máu, yếu tố di
truyền có sẵn trong gen của người mẹ sẽ gây ra hiện tượng giảm sự tưới máu từ
TCg đến nhau. Từ đây hàng loạt các yếu tố bất lợi khác xuất hiện như: rối loạn
các chất vận mạch gồm: Prostaglandin, Nitric Oxide và Endothelins. Các chất độc
hại cũng xuất hiện: Cytokines, Lipid Peroxidase. Hậu quả sau cùng gây ra tăng
huyết áp, thấm mao mạch gây phù và tiểu đạm. Một khi không được can thiệp diễn
tiến ngày càng nặng dần, biểu hiện: cô đặc máu, giảm tiểu cầu, thiểu niệu, co
giật.
Bệnh lý này thường xảy ra ở
người con so, nhất là con so trẻ tuổi hay lớn tuổi trên 35 tuổi, đa thai, cơ
địa béo phì. Ngoài ra các yếu tố khác góp phần gây ra như: yếu tố di truyền, có
sẵn bệnh lý tăng huyết áp, môi trường ô nhiễm và tình trạng kinh tế xã hội kém.
Dấu hiệu nào để nhận biết
tiền sản giật - sản giật?
Vào tuần lễ thứ 20 của thai
kỳ, huyết áp người mẹ đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết
áp tối thiểu > 90mmHg. Biểu hiện toàn thân phù, xét nghiệm tổng phân tích
nước tiểu có đạm niệu > 0,3g/l.
Được gọi là tiền sản giật
nặng: khi huyết áp tối thiểu >110mmHg. Đạm niệu > 3g/l, thiểu niệu <
100ml/4 giờ, kèm theo nhức đầu, mờ mắt, đau vùng thượng vị, phù phổi cấp, suy
tim. Siêu âm thai thấy thai chậm tăng trưởng trong TC, xét nghiệm chức năng gan
giảm, biểu hiện: men gan tăng cao, tiểu cầu giảm, creatinin máu tăng cao.
Sản giật: các dấu hiệu của
tiền sản giật nặng đi kèm cơn co giật. Ngoài ra, trong thời gian liên quan đến
thai kỳ có cơn co giật phải có bằng chứng liên quan trước đó mới có thể thay
đổi việc chẩn đoán sản giật.
Cơn co giật được mô tả: bắt
đầu rung rung ở mặt, một vài giây sau đó co cứng toàn thân do co cơ toàn thân,
giai đoạn này kéo dài trong 15 - 20 giây, bất ngờ hàm mở ra và khép lại rất
mạnh và ngay sau đó mí mắt cũng vậy. Các cơ mặt và tất cả các cơ khác thay
phiên nhau giãn rất nhanh. Người mẹ có thể té xuống giường, có thể cắn lưỡi do
cử động của hàm, giai đoạn co giãn cơ có thể kéo dài trong 1 phút. Dần dần các
cử động cơ yếu dần và cuối cùng người mẹ bất động. Có thể ngưng thở trong vài
giây sau đó thở sâu và hôn mê. Người mẹ sẽ không nhớ đến cơn co giật và các sự
kiện trước và sau cơn giật.
Diễn tiến và biến chứng
Diễn tiến của tiền sản giật
là đi vào sản giật, đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tử vong mẹ và
con. Biến chứng Hội chứng HELL bao gồm tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu
và rối loạn đông máu lan tỏa, phù phổi cấp, nhau bong non, suy thận cấp, xuất huyết não…
Điều trị tiền sản giật và sản
giật
Biện pháp điều trị tiền sản
giật triệt để và hữu hiệu nhất là chấm dứt thai kỳ sao cho có lợi nhất về mẹ và
con.
Trường hợp tiền sản giật nhẹ,
thai non tháng, người mẹ có điều kiện, có kiến thức có thể tự theo dõi. Tái
khám mỗi tuần 1 lần. Tại bệnh viện làm các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan,
chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước
tiểu. Đo monitoring sản khoa, và siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử
động thai máy.
Tại nhà đo huyết áp ngày 2
lần sáng - chiều, ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, thai
máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.
Hướng dẫn các dấu hiệu nặng:
nhức đầu, hoa mắt, nhìn mờ, tăng cân nhanh, đau vùng thượng vị, thai máy yếu.
Huyết áp tăng cao, tiểu ít, nước tiểu đậm màu. Khi có một trong các dấu hiệu
trên phải tái khám ngay.
Tiền sản giật nặng
Thuốc điều trị dùng thuốc hạ
áp như: Trandate, Adalat Retard hay Aldomet. Duy trì huyết áp 130/80 -
140/90mmHg.
Ngừa co giật bằng magnesium
sulfate bằng đường tiêm tĩnh mạch và truyền tĩnh mạch để duy trì.
Đánh giá sức khỏe thai, độ
trưởng thành thai. Thai chưa đủ trưởng thành, có thể dùng corticoid giúp cho
phổi thai nhi có đủ khả năng thích nghi với vai trò sống tự lập của bé khi chào
đời.
Ngoài ra, việc chăm sóc toàn
diện cũng rất quan trọng, dinh dưỡng đầy đủ, phòng nằm yên tĩnh, ánh sáng dịu
và theo dõi sinh hiệu, lượng nước xuất nhập.
Trường hợp sản giật, vừa hồi
sức, vừa cắt cơn co giật và lấy thai ra ngay để cứu mẹ và thai nhi đồng thời,
cần có sự hỗ trợ chặt chẽ của đơn vị đơn nguyên sơ sinh và gây mê hồi sức, cùng
với đội ngũ y bác sĩ tích cực chăm sóc tốt.
Cần làm gì để phòng tiền sản
giật - sản giật?
Tiền sản giật - sản giật là
bệnh thường gặp với tần suất từ 5 - 8% thai kỳ. Nguyên nhân của tiền sản giật
hiện chưa được hiểu rõ. Vì vậy, công tác dự phòng luôn ở thế thụ động. Biện
pháp tốt nhất hiện nay là quản lý thai kỳ chặt chẽ, qua đó cần sự thông tin đầy
đủ về tiền căn bản thân của người mẹ và điều trị tốt các bệnh lý đi kèm nếu có
như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch máu, cũng như nâng cao chất
lượng cuộc sống và dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai. Phát hiện sớm khi có
sự thay đổi về huyết áp và bất thường khi có sự xuất hiện đạm trong nước tiểu,
để có kế hoạch điều trị ngay từ đầu.
BSCKII. NGUYỄN HỮU THUẬN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét