Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai cũ

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai cũ là một dạng thai ngoài tử cung do thai làm tổ trong vết sẹo mổ lấy thai trước đó. Đây  là dạng bệnh lý hiếm gặp của thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, hiện nay với số ca mổ lấy thai ngày càng có khuynh hướng gia tăng nên tỉ lệ thai bám ở vết mổ cũ cũng có thể tăng lên.
Tại sao có thai bám ở sẹo mổ lấy thai cũ?
Khi trứng đã thụ tinh ở ống dẫn trứng, sau 3 - 4 ngày trứng di chuyển vào buồng tử cung và 48 giờ sau khi trứng vào buồng tử cung sẽ xâm nhập hoàn toàn vào bên trong của lớp nội mạc. Đa số trứng thụ tinh sẽ bám ở vùng đáy tử cung có thể là mặt trước hoặc mặt sau, nơi có lớp nội mạc được chuẩn bị chu đáo. Nhưng một số trứng khác vẫn có thể bám vào mặt bên, đoạn dưới hay gần cổ tử cung. Đối với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, vị trí sẹo này nằm ở mặt trước ở đoạn eo tử cung. Điều đó có nghĩa là sự làm tổ của trứng thụ tinh có thể bám vào đúng vị trí sẹo mổ tử cung lần trước phát triển thành túi thai. Có hai dạng thai bám ở vết sẹo mổ cũ, dạng 1: thai làm tổ ở sẹo mổ cũ và phát triển chủ yếu trong buồng tử cung; dạng 2: thai cấy sâu vào trong lớp cơ và phần mô sợi của tử cung ở vị trí sẹo mổ lấy thai cũ.

Những nguy hiểm
Đối với dạng bám một phần ở sẹo mổ cũ (dạng 1), thai phát triển chủ yếu trong buồng tử cung, thai vẫn phát triển đến tam cá nguyệt thứ 2 và 3, phần nhau có thể kéo lên trên ở đoạn thân tử cung, khi thành lập đoạn dưới tử cung nghĩa là trong giai đoạn đầu thai kỳ nơi đây là đoạn eo tử cung, đoạn eo này sẽ dài ra để trở thành đoạn dưới tử cung. Nhau bám thấp hoặc diễn tiến thành nhau cài răng lược do các gai nhau đan xen vào cơ tử cung.
Đối với dạng 2, thai cấy hoàn toàn vào trong lớp cơ và sẹo mổ, khi thai phát triển đến tam cá nguyệt thứ 2, thứ 3 có nhiều nguy cơ, các gai nhau trong bánh nhau sẽ ăn sâu vào cơ tử cung rồi xuyên vào bàng quang, dẫn đến phải cắt tử cung và tăng tử suất của mẹ và thai nhi, hay khi thai cấy vào trong sẹo mổ cũ thì biến chứng vỡ tử cung trong lúc mang thai, gây chảy máu ồ ạt và nguy cơ đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi.
Chẩn đoán
Chẩn đoán này nhằm phát hiện sớm thai bám ở vết mổ cũ giúp điều trị bảo tồn khả năng sinh sản cho bà mẹ.
Các dấu hiệu xảy ra, bà mẹ có dấu hiệu trễ kinh, ra huyết âm đạo bất thường, đau bụng lâm râm vùng hạ vị. Dùng que thử thai, lên hai vạch, thử Bêta HCG dương tính. Siêu âm ngả âm đạo, phần phụ hai bên tử cung bình thường, đo đường kính trước sau của tử cung lớn hơn so với tử cung bình thường (trên 40mm), buồng tử cung trống, nội mạc tử cung dày trên 10mm, kênh cổ tử cung trống, không có thành phần của túi thai. Tại mặt trước tử cung, phần tiếp giáp bàng quang có túi thai, có thể có yolksac hay phôi thai (+) và tim thai (+). Khi đo đường kính túi thai có thể xác định được tuổi thai. Đồng thời, phổ Doppler trên siêu âm có thấy gia tăng mạch máu quanh túi thai. Mất hay thiếu lớp cơ bình thường giữa bàng quang và túi thai. Trên siêu âm 3 chiều, có thể xác định chi tiết giải phẫu của lớp tế bào nuôi quanh túi thai, lớp cơ mỏng giữa túi thai và bàng quang.
Cần phân biệt thai bám ở đoạn eo - cổ tử cung: xuất huyết âm đạo, không kèm đau bụng, khi khám âm đạo, tử cung mềm to hay lớn hơn đáy tử cung. Tất cả thành phần của thai được giới hạn hoàn toàn ở kênh cổ tử cung và bám chắc vào kênh tử cung khi xác định bằng siêu âm có độ phân giải cao.
Điều trị
Việc điều trị tùy thuộc vào tuổi thai, kích thước túi thai, nguyện vọng còn sinh sản của bà mẹ và tình trạng huyết động học. Với mục tiêu lấy khối thai trước khi vỡ và bảo tồn khả năng sinh sản cho bà mẹ.
Phương thức điều trị: hủy thai trong túi ối bằng cách dùng kim hút thai thực hiện tại phòng mổ. Người bệnh được vô cảm tê hay mê, dưới sự hướng dẫn siêu âm trên thành bụng. Kim hút thai đưa qua cổ tử đến túi thai để hút làm sao túi ối được nguyên vẹn, tránh làm chảy máu ở vùng kênh cổ tử cung. Phương pháp này được áp dụng cho tuổi thai < 12 tuần. Lấy khối thai với phương thức cổ điển là nong nạo, thực hiện tại phòng mổ, được vô cảm và phương pháp này có nguy cơ xuất huyết cao có thể kết hợp những phương thức cơ học khác như chèn bóng sau nạo, sau khi hút thai bằng cách sử dụng sonde Folley đặt nhẹ nhàng qua cổ trong tử cung, sau đó bơm căng bóng khoảng 30ml nước muối sinh lý chèn tại chỗ 12 - 24 giờ, mục đích cầm máu. Có thể điều trị hóa trị toàn thân, ngay ở giai đoạn đầu hay điều trị hỗ trợ, hóa trị có tác dụng giảm sự phân bổ mạch máu ở khối thai và tiêu hủy tế bào nhau. Hóa trị được chỉ định khi xét nghiệm huyết đồ và chức năng gan, chức năng thận bình thường. Ngoài ra, có thể dùng phương pháp làm tắc mạch máu nuôi bằng thuốc hay phẫu thuật thắt động mạch qua ngả âm đạo.
Theo dõi sau điều trị
Người bệnh được theo dõi sát sau khi đã được điều trị lấy túi thai ra trong vòng 24 - 48 giờ tại phòng điểm của khoa. Đồng thời điều trị kháng sinh toàn thân, bù nước điện giải hay có thể truyền máu nếu cần thiết, trợ sức, giảm đau.
Xét nghiệm bêta HCG máu sau 48 giờ, đến khi < 25 mUI/ml.
Siêu âm kiểm tra tử cung và hai phần phụ, sau 48 - 72 giờ, đến khi siêu âm khối thai nhau < 10mm.
Khi người bệnh xuất viện, cần theo dõi mỗi 1 - 2 tuần. Liên tục trong 3 tháng. Trong thời gian theo dõi, nếu cần tránh thai, có thể dùng bao cao su hay viên thuốc tránh thai hàng ngày, có tác dụng ngừa thai và điều chỉnh tình trạng kinh nguyệt.
Những trường hợp có can thiệp thủ thuật, muốn có thai lại tốt nhất từ 6 tháng trở đi và trên 12 tháng đối với phẫu thuật.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons