Tử cung (hay dạ con) là bộ phận sinh đẻ quan trọng của người phụ nữ. Tử cung được hình thành ở bụng dưới và hoàn chỉnh về cấu trúc ngay khi thai còn trong bụng mẹ. Tử cung lớn dần lên và thay đổi về độ lớn cũng như hình dáng và kích thước theo sự phát triển của người con gái. Khi trưởng thành, tử cung có kích thước trung bình 7,5cm trong đó thân tử cung dài 5cm còn lại eo và cổ tử cung 2,5cm. Bình thường eo chỉ dài khoảng vài milimet nhưng khi có thai nó sẽ dãn dần ra thành “đoạn dưới” dài tới 9 - 10cm.
Khi có thai tử cung to dần lên, dung tích lúc bình thường chỉ 5ml nhưng khi thai đủ tháng có thể tới 5000ml thậm chí còn hơn nữa (tăng hơn 1.000 lần). Những bất thường ở tử cung có thể là nguyên nhân gây vô sinh cho người phụ nữ. Những bất thường này có nhiều loại, có khi là những dị tật bẩm sinh ở người phụ nữ ngay khi còn trong bào thai; có khi là bệnh mắc phải ở tử cung khiến người phụ nữ không thể mang thai.
Tử cung bình thường.
|
Những bất thường bẩm sinh
Bất thường bẩm sinh (hay dị tật bẩm sinh) về tử cung có nhiều loại. Dưới đây nêu một số trường hợp thường gặp nhất dẫn đến vô sinh:
Không có tử cung: Có những phụ nữ bẩm sinh đã không có tử cung mặc dầu các bộ phận khác như bộ phận sinh dục ngoài, buồng trứng vẫn có như người bình thường nhưng tử cung lại không có, thay vào đó là một màng mỏng, hai bên màng này vẫn có 2 vòi và buồng trứng như người bình thường.
Tử cung đôi.
|
Tử cung bất thường (hay dị dạng):
Hay gặp hơn cả là loại tử cung đôi với các dạng sau đây:
- Có 2 tử cung, mỗi tử cung có một cổ tử cung riêng biệt kèm theo 2 âm đạo. Dị tật này gây vô sinh vì khối lượng của mỗi tử cung quá nhỏ. Tuy vậy cũng có người có thể mang thai, thậm chí khi thì mang thai ở tử cung bên này khi lại ở tử cung bên cạnh.
- Có 2 tử cung, 2 cổ tử cung nhưng lại chỉ một âm đạo.
- Có trường hợp 2 tử cung nhưng lại chung nhau một cổ tử cung.
- Có trường hợp tử cung một sừng, trên thực tế cũng là loại dị tật 2 tử cung nhưng một bị teo đi, chỉ còn lại một tử cung với một vòi.
Tử cung một sừng.
|
- Còn một loại tử cung kém phát triển, luôn ở dạng tử cung của trẻ em với hình dáng nhỏ bé, các tỷ lệ, kích thước ngược với tử cung một phụ nữ trưởng thành.
Những tổn thương bệnh lý: Đó là những trường hợp người phụ nữ sinh ra đã có tử cung và tử cung đó phát triển bình thường nhưng do bệnh mắc phải gây tổn thương khiến tử cung không mang thai được nữa. Có thể gặp các trường hợp sau:
Tắc vòi tử cung: Tử cung có 2 vòi, là 2 ống dẫn từ thân tử cung sang 2 bên, tiếp giáp với buồng trứng, thu nhận trứng chín rụng xuống để thụ tinh với tinh trùng người đàn ông (khi giao hợp) trở thành phôi và chuyển dần vào trong lòng tử cung để làm tổ và phát triển thành thai. Trường hợp thường gặp là do viêm nhiễm khiến vòi tử cung bị dính, tắc lại nên tinh trùng không thể đi lên và trứng sau khi rụng cũng không thể di chuyển về phía buồng tử cung nên không thể thụ thai. Ngoài ra vòi tử cung có thể bẩm sinh bị chít hẹp hoặc bị khối u chèn ép, ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng và trứng.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Ảnh: Việt Ly
|
Tử cung bị dính:
Bình thường bên trong tử cung là một khoang rỗng, có lớp niêm mạc bao phủ. Chính lớp niêm mạc này do biến đổi nội tiết theo chu kỳ, hàng tháng bong ra gây chảy máu tạo nên kinh nguyệt. Trường hợp buồng tử cung bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc bị tổn thương làm cho buồng tử cung dính các mặt lại với nhau hoàn toàn (sẽ gây vô kinh) hoặc một phần (gây kinh ít và đau bụng kinh). Những tổn thương này ở niêm mạc tử cung khiến trứng thụ tinh không làm tổ được tại đó gây vô sinh.
Tử cung có khối u: Thường gặp là các u xơ tử cung. Các khối u này khi to lên sẽ làm buồng tử cung biến dạng, không thuận lợi cho phôi thai làm tổ. Có khi tuy khối u không lớn nhưng lại ở vị trí sát với lỗ thông lên vòi tử cung gây tắc.
Trên đây là những nguyên nhân chính khiến người phụ nữ vô sinh. Để xác định vô sinh do nguyên nhân nào, người phụ nữ phải được thầy thuốc chuyên khoa thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết mới chẩn đoán được chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp.
Bác sĩ Phó Đức Nhuận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét