Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Bệnh cơ tim chu sản: Nguy cơ rình rập thai phụ

Cổ nhân có câu “người chửa cửa mả”, ngắn gọn thế mà đã khái quát toàn bộ những nguy cơ mà người phụ nữ gặp phải trong thời kỳ mang thai và sinh nở. Trong số rất nhiều những nguy cơ đó có các bệnh lý phát sinh trong thời kỳ có thai và hậu sản (thời kỳ chu sản) mà điển hình là bệnh cơ tim chu sản (peripartum cardiomyopathy).
Thế nào là bệnh cơ tim chu sản?
Bệnh cơ tim chu sản (CTCS) là một loại bệnh cơ tim dãn không rõ nguyên nhân xuất hiện trong thời kỳ thai nghén hoặc trong giai đoạn 5 tháng sau khi sinh.
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Tần xuất mắc bệnh vào khoảng 1 trường hợp/3.000 - 15.000 thai phụ. Tỷ lệ mắc cao hơn ở phụ nữ châu Phi và cao nhất ở Haiti với tỷ lệ lên tới 1/300 mà chưa lý giải được nguyên nhân.
Tổn thương mô bệnh học của bệnh CTCS là hình ảnh viêm cơ tim với sự xâm nhập dày đặc của bạch cầu đa nhân, phù nề, hoại tử và xơ hóa trên tiêu bản sinh thiết cơ tim. 
Tỷ lệ tử vong do bệnh CTCS gây ra cho thai phụ có thể tới 50%.
Nguyên nhân gây bệnh
Mặc dù nguyên nhân thực sự của bệnh CTCS chưa được rõ, người ta cũng liệt kê một số tác nhân có thể là cơ chế phát sinh ra bệnh. Nghiên cứu trên nhiều trường hợp mắc bệnh cho thấy có sự liên quan của bệnh với các bệnh do nhiễm các loại virut như Parovirus B19, Human herpes virut 6, Epstein-Barr virut, Cytomegalovirut…. Giả thiết cho rằng sau nhiễm các virut nói trên, cơ thể sinh ra kháng thể làm tổn thương cơ tim dẫn đến suy tim. Một giả thiết khác cũng cho rằng nguyên nhân gây bệnh CTCS là do hiện tượng tế bào thai nhi đã gây một hiện tượng đáp ứng miễn dịch chống lại chính cơ thể người mẹ mà tổn thương cơ tim là chủ yếu.
 
 Human herpes virut 6...
Giả thiết này dựa trên những nghiên cứu cho thấy nồng độ kháng thể rất cao ở bệnh nhân bệnh CTCS mà không cao ở bệnh nhân mắc các bệnh tim khác. Chết tế bào theo chương trình (apoptosis) và quá trình viêm có thể làm tổn thương thêm tế bào cơ tim gây suy tim khi xét nghiệm các mẫu huyết thanh cho thấy nồng độ rất cao của các chất trung gian gây viêm như IL-6 (Interleukin-6) và yếu tố hoại tử u (TNF-α). Mặt khác, do cung lượng tim tăng lên đáng kể khi có thai cũng có thể làm các sợi cơ tim phì đại tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu của cả mẹ và con. Một số các yếu tố khác cũng được cho là có liên quan đến cơ chế gây bệnh CTCS như hormon prolactin, các phức hợp miễn dịch, loạn dưỡng cơ tim… xuất hiện trong thời kỳ chu sản.
Ðối tượng nào dễ mắc bệnh cơ tim chu sản?
Một số phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh CTCS như người sinh nở nhiều lần, mang thai ở tuổi trên 30, đa thai, tiền sản giật, bệnh tăng huyết áp thai nghén, phụ nữ gốc Phi…
Phát hiện bệnh cơ tim chu sản
Việc xác định bệnh CTCS dựa vào các triệu chứng suy tim tiến triển trong tháng cuối của thời kỳ thai nghén hoặc trong vòng 5 tháng sau đẻ như mệt mỏi, đánh trống ngực, hoa mắt chóng mặt, khó thở khi gắng sức hoặc khó thở liên tục, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phù hai chi dưới…; không xác định được nguyên nhân gây suy tim, không có bệnh tim trước khi có thai; chức năng thất trái (phân số tống máu) giảm dưới 45%. Khi có đủ cả các yếu tố nói trên, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là bệnh CTCS.
 ... Epstein - Parrvirut có thể gây viêm cơ tim chu sản.
Ðiều trị bệnh cơ tim chu sản
Điều trị bệnh CTCS bao gồm: điều trị bệnh trong thời kỳ mang thai. Mục tiêu điều trị là cải thiện và duy trì chức năng tim càng về giới hạn bình thường càng tốt. Các thuốc được khuyến cáo là lợi tiểu (furosemid) bắt đầu bằng liều thấp nếu có thừa dịch (phù), thuốc chẹn beta giao cảm (carvedilol), ức chế men chuyển, digoxin, hydralazin. Các thuốc này phải được chỉ định nghiêm ngặt bởi thầy thuốc chuyên khoa. Nếu điều trị nội khoa thất bại, phải có kế hoạch đình chỉ thai nghén để đảm bảo an toàn cho người mẹ.
 
Điều trị trong khi chuyển dạ: nguyên tắc là tránh gắng sức đến mức tối đa cho sản phụ. Giảm đau tốt cho bệnh nhân bằng gây tê ngoài màng cứng. Điều trị sau đẻ tương tự như trong thời kỳ mang thai nhưng chỉ định dùng thuốc có thể bớt hạn chế hơn. Điều trị kèm thuốc chống đông để dự phòng nguy cơ huyết khối tính mạch chi dưới, tắc mạch phổi hoặc ở bệnh nhân có rung nhĩ phải được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
Việc có thai lần tiếp theo đối với những sản phụ bị bệnh CTCS thật sự là một thách thức ngay cả khi việc điều trị bệnh mang lại kết quả tốt, chức năng tim đã về trị số bình thường do vẫn có nguy cơ tái phát bệnh khi có thai lại. Trước khi có thai lần tiếp theo, bệnh nhân nên đến khám thầy thuốc chuyên khoa để đánh giá một các tổng thể các nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai để tránh những rủi ro đe dọa thai phụ.           

  Tiến sĩ. Bác sĩ  Vũ Đức Ðịnh (Bệnh viện E Trung ương)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons