Mang thai và sinh con để duy trì nòi giống là quy luật tất yếu, là thiên chức của người phụ nữ. Hiện tượng sinh lý này không những đã gây ra một quá trình biến đổi sinh học – nội tiết ở phụ nữ mà còn là nguồn gốc của những sự thay đổi tâm lý dễ kéo theo những rối loạn sức khỏe tâm thần (RLSKTT).
Hiện tượng này có thể xuất hiện trong quá trình sinh đẻ của mỗi bà mẹ tùy theo tiền sử cá nhân, đặc điểm đời sống cảm xúc, ảnh hưởng văn hóa xã hội và nhất là thái độ của chính người mẹ đối với sự kiện mang thai và sinh nở. Cần tìm hiểu nguyên nhân, tình huống có ảnh hưởng xấu để khắc phục.
Trong thời kỳ mang thai, thai phụ rất dễ bị trầm cảm (ảnh có tính chất minh họa).
|
Các rối loạn tính cách nhẹ, các triệu chứng tâm căn
Thường gặp nhất trong 3 tháng đầu của thai kỳ: người mẹ lo lắng về những thay đổi trong cơ thể, về những tai biến khi đẻ, về đứa con tương lai có lành lặn bình thường không. Trong trường hợp rối loạn tâm căn này vai trò của người chồng và người thân rất quan trọng trong việc làm an tâm người mẹ.
Các biểu hiện của rối loạn phân ly
Không có dấu hiệu nặng nhưng thường là mệt mỏi, hay than phiền về cơ thể, tính tình trẻ con, đòi hỏi tình cảm, ít nhiều có liên quan tới đặc điểm nhân cách giống rối loạn phân ly.
Các triệu chứng tâm thể về tiêu hóa
Tăng tiết nước bọt, buồn nôn, ăn nhiều, nôn không kìm nén được (có thể là biểu hiện của ý muốn vô thức không muốn có thai).
Cần cho uống thuốc làm êm dịu và theo dõi riêng.
Các biểu hiện loạn thần
Các rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến là trầm cảm và lo âu hay gặp hơn. Các chứng cứ về tâm thần - xã hội làm tăng mức độ dễ bị trầm cảm.
Các triệu chứng của trầm cảm
Khí sắc trầm hoặc buồn kéo dài, mất hứng thú hoặc không quan tâm đến hoạt động hàng ngày, dễ cáu gắt, hay lo lắng sợ sệt, mất tập trung, mệt mỏi nặng, mất hứng thú tình dục, ăn không ngon, rối loạn giấc ngủ. Sẽ chẩn đoán là trầm cảm khi có 1 trong 2 triệu chứng đầu tiên và thêm 4 triệu chứng khác xảy ra thường xuyên trong hầu hết các ngày và kéo dài từ 2 tuần trở lên.
Một cơn trầm cảm có thể xuất hiện ở quý đầu và được cải thiện vào cuối thời kỳ thai nghén. Trong quý đầu nếu xảy ra không được dùng thuốc chống trầm cảm và lo âu vì ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Trầm cảm có thể tái phát sau đẻ.
Một số biến cố cơ thể và tâm thần
Rất hiếm như viêm dạ dày tâm căn, suy dinh dưỡng do nôn nhiều hoặc trong giai đoạn có thai thể tâm thần phân liệt có thể thuyên giảm tạm thời nhưng sẽ mất bù trừ và xuất hiện tiếp diễn sau đẻ.
Những RLSKTT khi sinh con và năm đầu sau sinh
Sinh con là sự kiện lớn trong đời sống của người phụ nữ, đòi hỏi nhiều hỗ trợ về tâm lý vì người phụ nữ phải ngừng làm việc kiếm tiền, từ bỏ các hoạt động xã hội và hoạt động khác để chăm sóc con, phải thích nghi với vai trò mới. Ngoài ra, một số phụ nữ còn phải tự quen dần với những sự việc bất lợi xảy ra khi sinh nở như đẻ non, mổ đẻ, con kém phát triển hoặc bệnh tật, khó khăn trong việc cho bú... Một số yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng đến RLSKTT của người phụ nữ như tiền sử gia đình và bản thân có bệnh lý tâm thần, thiếu sự hỗ trợ của chồng và gia đình, con quấy khóc dai dẳng, ít chịu bú, không ngủ yên... Trong số này có một số người bị ảnh hưởng về tâm lý trầm trọng nên tỉ lệ bị các RLSKTT thông thường, đặc biệt là trầm cảm sẽ tăng cao sau sinh.
Đặc điểm của RLSKTT sau sinh thường xảy ra trong vòng 6 tuần sau đẻ, thường gặp ở những người đẻ con so, xuất hiện vào thời điểm “sữa về” hay còn gọi là thời điểm ngày thứ ba.
Hội chứng ngày thứ ba (sau đẻ)
Suy nhược, lo âu, phàn nàn nghi bệnh, giận dữ, dễ kích thích, ý thức không ổn định, đôi khi u ám, thậm chí lú lẫn mê mộng.
Rất hay gặp với người đẻ lần đầu hay khoảng cách giữa 2 lần sinh quá ngắn. Thường tồn tại trong vài ngày xuất hiện cùng hiện tượng “sữa về”.
Các loạn thần sau đẻ
Lú lẫn, hoang tưởng cấp: thường từ sau hội chứng ngày thứ ba, trong vòng 20 ngày đầu sau đẻ sẽ đột ngột xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng tăng về chiều tối như lo lắng về con mình có phải được sinh ra hay do người khác sinh ra, đôi khi còn kèm theo trầm cảm lo âu, do đó có nguy cơ tự sát và hại con.
Nói chung có thể chữa khỏi được, không để lại di chứng mặc dù có thể tái phát vài lần. Còn một số đáng kể, tình trạng lú lẫn hoang tưởng là giai đoạn bắt đầu của tâm thần phân liệt đã tiềm ẩn. Tiên lượng tốt nếu không có tiền sử bệnh tâm thần, triệu chứng cấp và biểu hiện lú lẫn rõ. Nếu có tiền sử bệnh tâm thần, có rối loạn nhân cách giống phân liệt, đáp ứng điều trị kém thì tiên lượng xấu.
Các rối loạn cảm xúc biệt lập: Xuất hiện ở các thời điểm “sữa về”, cai sữa... Tiền sử gia đình và cá nhân có rối loạn tâm thần. Thường có ngay trầm cảm hoặc tiếp sau trạng thái lú lẫn hoang tưởng thường nghĩ là có tội với đứa con, có nguy cơ tự sát, hại con. Có thể gặp trạng thái hưng cảm hoặc loạn thần hưng - trầm cảm. Các rối loạn cảm xúc có thể tái phát ở những kỳ thai sản sau.
Cơn hoang tưởng cấp: do đảo lộn sinh học - nội tiết và tâm lý sinh ra hoặc do đẻ khó, con chết... thúc đẩy nguy cơ phát sinh.
Xử trí: Tách mẹ; con.
Nhập viện nếu bệnh nhân nặng.
Không cho bú vì dùng thuốc an thần.
Loại trừ các nguyên nhân phụ khoa (sót rau - nhiễm trùng).
Tái lập quan hệ mẹ - con sớm khi trạng thái mẹ đã thuyên giảm trước sự giám sát y tế.
Chú ý các liệu pháp tâm lý nâng đỡ, liệu pháp gia đình. Sử dụng thuốc khi cần thiết.
Tóm lại, các RLSKTT ở thời kỳ thai sản ảnh hưởng nhiều đến sự hoàn thiện của thai nhi và phát triển toàn diện của trẻ. Vì thế, RLSKTT ở những bà mẹ này là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, các quốc gia cần thiết lập các dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho các bà mẹ cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm thần để đáp ứng được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
BS. Phạm Thị Thục
0 nhận xét:
Đăng nhận xét